Áp dụng luật mới, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp có nguy cơ "ra rìa"?

26/06/2015 14:18 PM | Kinh doanh

Quy định mới trong luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 có thể đẩy nhiều ngân hàng và doanh nghiệp ra ngoài cuộc chơi

Doanh nghiệp nhỏ sẽ khó kinh doanh bất động sản

Quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê nhà ở trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có năng lực bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận. Điều này dẫn tới khó khăn cho nhiều đối tượng có nhu cầu kinh doanh bất động sản.

Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức về chủ đề bảo lãnh dự án bất động sản, ông Vũ Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư tài chính dầu khí (GP Invest) cho biết, những doanh nghiệp nhỏ chưa có kinh nghiệm làm bất động sản, năng lực chưa được chứng minh sẽ khó được ngân hàng bảo lãnh và cấp tín dụng.

Những đối tượng như vậy lại rất phổ biến .Ví dụ như một Việt kiều có tiền mua một miếng đất với mong muốn có thể kinh doanh một vài dự án nhưng chưa có kinh nghiệm làm bất động sản thì ngân hàng không biết bảo lãnh thế nào. Với những điều luật thế này họ chỉ còn cách tìm đến những doanh nghiệp khác có năng lực và kinh nghiệm thì mới có cách thực hiện dự án.

Ông Hiệp cho biết thêm với thời điểm luật có hiệu lực đã rất cận kề (01/07/2015) mà doanh nghiệp và ngân hàng chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào về việc thực hiện bảo lãnh do đó tất cả các dự án sẽ rất khó cán mốc có bảo lãnh.

Ngân hàng cũng bị "ra rìa"

Đại diện một công ty luật cho biết, quy định về bán nhà phải có bảo lãnh có thể làm cho người mua nhà an tâm hơn. Tuy nhiên có một vấn đề là quy định NHNN sẽ công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

Đến thời điểm hiện tại các ngân hàng và cả doanh nghiệp đều chưa biết danh sách này bao gồm những ngân hàng nào, điều kiện để được bảo lãnh dự án là gì, dựa trên tiêu chí nào và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài có được tham gia hay không.

Việc NHNN chỉ định ra một nhóm các ngân hàng có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ bảo lãnh sẽ khiến không ít ngân hàng phải đứng ngoài cuộc chơi. Hơn nữa, các ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thường đóng luôn vai trò là đơn vị cấp tín dụng cho chủ đầu tư. Nếu không nằm trong danh sách được chỉ định, các ngân hàng này có nguy cơ mất luôn cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này.

Lại lo cơ chế "xin, cho"

Nhiều ý kiến cho rằng việc chỉ định một nhóm các ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh nếu không được thực hiện nghiêm túc, minh bạch thì có thể phát sinh tiêu cực, cơ chế "xin, cho". Thay vào đó, nên có quy định mở hơn để tất cả các ngân hàng đều được tham gia, để cơ chế thị trường quyết định.

Cùng với đó, việc bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lại nên thực hiện theo hợp đồng 3 bên, người mua nhà, chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh. Chủ đầu tư nên mở tài khoản ở ngân hàng cấp bảo lãnh để thu tiền khách hàng nộp trước. Như vậy ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền đồng. Đồng thời người mua nhà cần được chủ đầu tư và ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin về việc sử dụng tiền và tiến độ dự án.

Sơn Đức

Cùng chuyên mục
XEM