8 xu hướng khởi nghiệp nổi bật ở châu Á năm 2012

26/12/2012 17:28 PM | Kinh doanh

Khi quyển lịch năm 2012 chỉ còn lại vài tờ cuối cùng, chúng ta hãy cùng nhìn lại những xu hướng khởi nghiệp kinh doanh thành công nhất tại châu Á trong vòng 12 tháng qua.

1. Xu hướng mở công ty rồi bán lại nở rộ

Nhiều người đã làm giàu bằng cách mở nhiều công ty khác nhau, nuôi lớn cho nó đủ sức cạnh tranh rồi bán đi dần dần. Đây là một hiện tượng kỳ lạ bắt đầu từ Thung lũng Silicon và nay đã lan rộng là các trung tâm công nghệ của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. 

2. Sự xuất hiện của những “nhà đầu tư thiên thần”

Những doanh nhân chuyên mua bán công ty đi đầu tư khắp nơi như là một cách gieo hạt giống cho một loạt doanh nghiệp mới. Cách đầu tư gieo hạt này chưa có kết quả thực sự lớn nhưng cũng đã cho thấy một xu hướng tăng dần. Công ty AngelVest của Thượng Hải là một ví dụ về mô hình đầu tư này. 

3. Tư nhân hóa

Với việc thị trường chứng khoán đi xuống trong năm qua, một số người sáng lập công ty đã mua lại cổ phiếu, rút khỏi thị trường và đưa công ty họ quay trở lại thành công ty tư nhân. Các công ty này sẽ tái niêm yết ở đâu và khi nào là một xu hướng đang được chờ đợi. 

4. Thanh lọc công ty đầu tư mạo hiểm

Sau một năm các thị trường đều đi xuống, nhiều công ty đầu tư mạo hiểm đã thua lỗ nặng, nhưng một số những công ty mạnh nhất vẫn tiếp tục làm ăn và còn huy động được thêm nhiều quỹ mới. Những công ty không bám trụ được đã ra đi lặng lẽ hoặc thay đổi ban quản trị. Đây là quá trình thanh lọc tự nhiên ở châu Á, giống với mô hình đã xảy ra ở Mỹ từ một thập kỷ trước đây. 

5. Khan hiếm tiền mặt cho khởi nghiệp 

Các nhà sáng lập trong giai đoạn này rất khó khăn trong việc huy động thêm vốn tài trợ, nhiều người đã buộc phải thu hẹp quy mô, giảm thiểu chi phí hết mức. Nhiều người tằn tiện nhất sẽ thoát ra được giai đoạn này. Tình hình hiện nay hơi giống với thời kỳ bong bóng công nghệ thông tin tan vỡ những năm đầu thế kỷ 21, tuy nhiên ít nghiêm trọng hơn. 

6. Công ty lớn ngày càng lớn hơn

Xu hướng thu gom, hợp nhất đang nở rộ khi các công ty đứng đầu như Baidu, Alibaba và Tencent tiến hành thu mua các công ty nhỏ hơn. Khởi nghiệp mà không có một lợi thế khác biệt sẽ có rất ít cơ hội để qua mặt được các “ông lớn” sừng sỏ trên thị trường. 

7. Những phát minh di động hóa

Rất nhiều công ty mới được mở ra ở châu Á trong ngành công nghệ máy tính và Internet di động. Những phân khúc thị trường này chiếm đa số trong các hoạt động khởi nghiệp. Nhiều lĩnh vực khác phải chịu thiệt thòi khi có quá nhiều doanh nhân nhảy sang lĩnh vực công nghệ và Internet di động với cùng một tốc độ và thời điểm như nhau, không có lợi thế cạnh tranh nào khác biệt. 

8. IPO không còn hấp dẫn

Rất nhiều doanh nghiệp thành công trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc và châu Á bùng nổ giai đoạn 2005 – 2008 đã dự định lên sàn trong năm nay. Nhưng giờ đây khi giá cổ phiếu lao dốc, việc kiếm được hàng đống tiền từ IPO chỉ là một giấc mơ, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ngay cả Facebook cũng nếm mùi thất bại ê chề của đợt IPO hoành tráng.


Theo Dương An 
Vnmedia/Forbes

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM