5 điều 'không như mơ' khi làm việc cho công ty khởi nghiệp

14/01/2016 13:52 PM | Kinh doanh

Bài viết này không có ý định ngăn cản bạn. Thay vào đó, mục đích là để cung cấp cái nhìn trung thực, minh bạch vào thực tế khởi nghiệp hiện nay.

Những bộ phim Hollywood thường vẽ ra viễn cảnh văn hóa khởi nghiệp tại Mỹ đầy cuốn hút và đẹp đẽ. Nhưng trong thực tế ngoài những mặt tích cực như sự thú vị, sáng tạo và bùng nổ, còn nhiều điều mà khi làm việc trong các dự án khởi nghiệp bạn mới thấm thía những áp lực, khó khăn. Sau đây là chia sẻ của Syed Balkhi, nhà đồng sáng lập công ty OptionMonster về thực tế khi làm việc cho một công ty khởi nghiệp non trẻ.

Hầu hết các công ty khởi nghiệp thất bại

Rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành những công ty tỷ đô. Thậm chí rất nhỏ những dự án trở thành doanh nghiệp triệu đô hoạt động ổn định. Thật khó để biết được ai là kẻ thành công, thậm chí những nhà đầu tư dày dặn cũng thường xuyên nhận định sai.

Do đó một điều rất quan trọng là nhận ra có những điều thực tế tồn tại ngoài tâm điểm chú ý của các phương tiện truyền thông về những câu chuyện thành công nổi tiếng. Đối với mỗi câu chuyện thành công, có tới 9 câu chuyện thất bại khác.

Nói thế không có nghĩa bạn không nên làm việc cho những công ty khởi nghiệp bởi ở đây luôn tồn tại sự phấn khích, rủi ro và ai biết được bạn có thể là một phần của câu chuyện thành công hiếm hoi. Tuy nhiên, khi bạn nhập vào môi trường khởi nghiệp, hãy nhớ chuẩn bị tinh thần cho thất bại.

Đừng mong đợi những điều bất biến

Trong thế giới khởi nghiệp, mọi thứ luôn thay đổi nhanh chóng. Sẽ không có chỗ cho sự thoải mái, ổn định hay mô hình vận hành điển hình 8h mỗi ngày, tuần 5 ngày như bạn vẫn biết.

Mọi việc không ngừng tuôn chảy, phát triển và biến đổi. Những gì bạn đang làm tuần này có thể khác với công việc mà bạn sẽ xử lý vào tuần tới. Trong khi tại các công ty lớn luôn có các quy trình, thủ tục thì tại dự án khởi nghiệp luôn là sự linh hoạt.

Những thay đổi có thể khiến bạn bực bội khi lần đầu tiên xuất hiện nhưng hãy cố gắng nhìn chúng với ánh mắt tích cực. Thay vì bị mắc kẹt trong cảm giác nhàm chán, bạn đang không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Lương thưởng không theo truyền thống

Khi bạn tham gia một công ty khởi nghiệp, các công ty sẽ không thể đưa ra mức lương và quyền lợi cạnh tranh mà thường sáng tạo ra những kiểu phúc lợi riêng. Phương pháp phi truyền thống này có thể là đáng sợ lúc ban đầu nhưng nó rất có hiệu quả nếu bạn có lợi thế.

Khi bạn muốn có cơ sở đền đáp cho những đóng góp trực tiếp của mình, đừng ngại về việc đàm phán về vốn chủ sở hữu. Nếu một dự án khởi nghiệp biến thành công ty thành công thì phần nhỏ trong vốn chủ của bạn có thể giá trị tới hàng trăm thậm chí hàng triệu USD. Nhưng cũng cần nhớ bạn sẽ trắng tay nếu công ty thất bại.

Giờ giấc khác biệt là điều phổ biến

Bạn sẽ hiếm khi thấy khung giờ làm việc phù hợp ở một công ty khởi nghiêp. Mô hình làm việc 8 tiếng là thứ hiếm khi xảy ra: Bạn cần phải sẵn sàng để làm việc 10, 11, hoặc thậm chí 12 giờ mỗi ngày. Tất nhiên giờ giấc này không kéo dài vô hạn nhưng một vài năm đầu là điều tất yếu xảy ra.

Ví dụ ở công ty của tôi, khi một tính năng chính được ra mắt, đội ngũ của chúng tôi phải làm việc tới 12 giờ mỗi ngày để đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra thuận lợi. Các cuộc họp gấp, những chiến dịch chạy nước rút, những bữa ăn ngay tại bàn là điều thường xuyên xảy ra.

Do đó bạn cần nhớ đánh giá trung bình thời gian làm việc tại những công ty khởi nghiệp là bao nhiêu và mình có thể theo kịp guồng quay hay không để quyết định tham gia.

Quay về những thứ cơ bản

Nếu từng làm việc cho một công ty lâu năm, bạn có thể sẽ có đôi chút bối rồi khi phải quay trở lại những điều cơ bản khi làm cho một dự án khởi nghiệp. Điều này là bình thường và có thể là mới mẻ đối với những người có hàng chục năm kinh nghiệm trong các công ty lớn.

Khi bạn làm việc cho một công ty có nguồn tài nguyên vô hạn, bạn có thể trao quyền và thuê ngoài những nhiệm vụ cơ bản. Nhưng đây là việc không thể thực hiện ở một công ty khởi nghiệp non trẻ.

Ví dụ mặc dù bạn có thể có kinh nghiệm về marketing cấp cao nhưng bạn có thể buộc phải dành nhiều thời gian cho những công việc, chiến lược ở tầm thấp mà trước có thể chỉ dành cho nhân viên của mình. Điều này có nghĩa là bạn đang thừa năng lực cho một số công việc mà bạn đang xử lý, nhưng bạn sẽ nhận lại được thứ tốt hơn trong tương lai.

Bài viết này không có ý định ngăn cản bạn. Thay vào đó, mục đích là để cung cấp cái nhìn trung thực, minh bạch vào thực tế khởi nghiệp hiện nay. Nếu bạn hiểu nó từ đầu, bạn sẽ được khoan dung hơn với những tiêu cực và sẵn sàng làm việc cho những lợi ích hấp dẫn sau này.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM