10 công ty nổi tiếng thế giới 'biến mất không để lại vết'

16/03/2015 10:41 AM | Kinh doanh

Cả những tên tuổi lớn như Pan Am, Northern Rock, Lehman Brothers, Nokia,... đã không thể tránh khỏi phá sản hoặc phải bán mình cho những đối thủ cạnh tranh khác.

Mở rộng kinh doanh thường được coi là một động thái đầy tham vọng nhưng cũng đầy rủi ro. Bên cạnh khả năng thành công lớn, lợi nhuận cao và xây dựng được thương hiệu riêng là những nguy cơ của sự thất bại và sụp đổ.

Ngay cả với những tập đoàn lớn, “sai một li” vẫn có thể “đi một dặm” dù đó là sai lầm chủ quan (nội bộ tham nhũng, quản lý yếu kém…) hay do những tác động bên ngoài của một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi,…

Tất nhiên, một cuộc khủng hoảng chưa hẳn đã là một điều xấu cho một công ty nếu biết cách xử lý khéo léo. Một số thậm chí còn có thể phục hồi trở lại sau khi tuyên bố phá sản nhờ tái cơ cấu hoạt động, cắt giảm nhân sự hoặc giảm mức lương.

Nhưng với những công ty khác, một quyết định sai lầm có thể dẫn đến sự sụp đổ không lưu lại dấu vết. Trong suốt lịch sử kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy, dù đó là những thương hiệu từng có cả một thời hoàng kim.

Dưới đây là một số "thảm họa doanh nghiệp" lớn nhất của kinh tế thế giới trong khoảng 20 năm gần đây, do The Richest giới thiệu:

10. Pan Am

Với những người Mỹ thường xuyên đi du lịch trong những năm 1960 và 1970, Pan Am là lựa chọn tốt nhất. Công ty đã tận dụng triệt để mạng lưới rộng lớn của ngành hàng không và mở rộng phát triển du lịch hàng không từ sau khi Chiến tranh Thế giới II.

Nhưng sự sụp đổ của công ty này đã chứng minh rằng đôi khi có những sự cố xảy đến mà công ty trở tay không kịp. Đầu tiên, danh tiếng của Pan Am đã bị giáng một đòn mạnh sau vụ đánh bom khủng bố trên chuyến bay Pan Am 103 đến Scotland vào năm 1988, khiến tất cả hành khách thiệt mạng.

Và chỉ một vài năm sau đó, giá nhiên liệu hàng không tăng vọt khi đối mặt với cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên vào năm 1991. Pan Am, với lịch sử hơn 60 năm, đã phải đệ đơn xin phá sản một vài tháng sau đó và đến cuối năm 1991, cái tên Pan Am đã hoàn toàn bị xóa sổ.

9. Long-Term Capital Management

Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 ban đầu chỉ là khủng hoảng khu vực khi tốc độ tăng trưởng và giá trị tiền tệ của một số quốc gia như Thái Lan và Indonesia bị suy giảm. Tuy nhiên, không lâu sau đó nó đã lan rộng ra quốc tế khi Chính phủ Nga vỡ nợ và khiến quỹ đầu cơ Long Term Capital sụp đổ vào năm 1998.

Quỹ đầu tư này đã được hưởng lợi từ sự đầu tư ồ ạt trong những năm đầu của thập niên 1990, nhưng khi các điều kiện chuyển dịch và các hoạt động kinh tế ở châu Á bắt đầu rơi vào khủng hoảng, quỹ này cũng chết theo.

Sự sụp đổ của Long Term Capital là đỉnh điểm cho một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trên phố Wall trong suốt những năm 1998-2008.

8. Enron

Sự sụp đổ của Enron là một ví dụ điển hình về một trong các hành vi gian lận quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Công ty năng lượng đã tự vẽ ra bức tranh của một công ty tiện ích hiện đại có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, thực chất công ty này đã khai khống tài khoản và che giấu các giao dịch tài chính cũng như các khoản lỗ thông qua việc sử dụng các công ty vỏ bọc và các đối tác không tồn tại.

Khi Enron đệ đơn xin phá sản vào năm 2001, hàng ngàn người đã bị mất việc làm và hàng tỷ đầu tư đã bị xóa sổ.

Những thiệt hại không dừng lại ở đó, sự sụp đổ của Enron còn kéo theo công ty kiểm toán cho Enron - Arthur Anderson (từng là 1 trong 5 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) buộc phải đóng cửa một năm sau đó như một hệ quả tất yếu của hành vi gian lận.

7.  WorldCom

Công ty viễn thông từng có thời gian là công ty viễn thông lớn thứ hai ở Mỹ, bị sụp đổ trong bối cảnh giao dịch tham nhũng và thực hành kế toán sai trong năm 2002.

Trong ba năm trước đó, tài khoản của công ty liên tục được cố tình làm sai lệch nhằm ngăn chặn việc giá cổ phiếu rớt thảm. Các thủ tục phá sản của WorldCom đã được xét xử bởi chính thẩm phán cùng giám sát các trường hợp Enron.

Vào đầu năm 2003, Worldcom đã đổi tên thành MCI Inc. Không lâu sau đó lại được đổi tên thành Verizon và các hoạt động của công ty này dần dần được chuyển vào tay những người chủ sở hữu mới.

6. Northern Rock

Sự sụp đổ của Northern Rock, một trong những ngân hàng lâu đời nhất của Anh (1850-2012) là tín hiệu đỉnh điểm cho cuộc khủng hoảng kinh tế của Anh.

Ngân hàng này đã cung cấp các khoản thế chấp cho các hộ gia đình và đồng thời cũng nhận các các khoản gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, trước thời điểm sụp đổ, người gửi tiết kiệm đã xếp hàng dài phía trước các chi nhánh ngân hàng để rút lại tiền gửi song rõ ràng ngân hàng này đã không đủ nguồn lực tài chính để đối phó.

Chính phủ Anh đã buộc phải cung cấp cho Northern Rock một gói cứu trợ nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế, cuối cùng Chính phủ nước này buộc phải bán lại ngân hàng cho công ty tư nhân Virgin Money và cái tên Northern Rock đã đi vào dĩ vãng từ đó.

5. Bear Stearns

Sự thất bại của ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ vào tháng 3/2008, đã kéo theo nhiều hậu quả không lường cho giới tài chính Mỹ nói riêng và nền tài chính thế giới nói chung.

Ngân hàng đã hoạt động trên tất cả các thị trường chứng khoán, gây ra cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng để cứu Bear Stearns, ngân hàng đầu tư lớn thứ năm tại Mỹ vào thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang New York đã yêu cầu JP Morgan cung cấp một khoản vay khẩn cấp cho ngân hàng này. Tuy nhiên, khi khoản vay không thể cứu vớt nổi “chú gấu” hấp hối, nó đã được bán lại cho JP Morgan, với giá 10 USD mỗi cổ phiếu.

Cái tên Bear Stearns vẫn tiếp tục được duy trì một thời gian ngắn sau đó, và tháng 1/2010, JP Morgan đã dần dần xóa bỏ cái tên này.

4. Lehman Brothers

Sự kiện Lehman Brothers phá sản vào tháng 9/2008 đánh dấu sự bùng nổ thực sự của cuộc khủng hoảng tài chính.

Lehman Brothers, một ngân hàng Mỹ với hơn 150 năm lịch sử, trở thành nạn nhân của sự “kẹt vốn” và không còn đủ khả năng vay để đáp ứng các cam kết ngắn hạn.

Cho đến phút cuối cùng, nhiều người vẫn hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ can thiệp để cứu ngân hàng này, nhưng ở phút chót, trong một ngày cuối tuần đầy kịch tính, Chính phủ Mỹ lại ra quyết định cho phép ngân hàng này tuyên bố phá sản.

Tài sản còn lại của Lehman Brothers đã được “xâu xé” bởi những đối thủ cạnh tranh mà hầu hết các đối thủ này đều được hưởng lợi hàng tỷ USD nhờ các gói cứu trợ tài chính sau đó. Thật không may cho Lehman Brothers khi đã trở thành một cái tên đi vào quá khứ.

3. Washington Mutual (WaMu)

Sự phá sản của Lehman Brothers tưởng chừng như là cú sốc tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, nhưng không…

Chưa đầy hai tuần sau đó, Washington Mutual đã trở thành ngân hàng thất bại thê thảm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngày 25/9/2008, tài sản của ngân hàng đã bị phong tỏa để ngăn chặn thiệt hại lan rộng.

Trong những tuần tiếp sau đó, tổng cộng 16 tỷ USD trong các khoản tiền gửi đã được rút khỏi ngân hàng này. Một thỏa thuận bán lại WaMu đã được ký kết nhanh chóng với JP Morgan và không lâu sau đó tất cả các chi nhánh của nó đã chuyển hết thành thương hiệu mới - Chase.

2. Blockbuster

Sự biến mất của công ty cho thuê DVD và video trò chơi là ví dụ mới nhất cho hậu quả của việc không theo kịp các xu hướng công nghệ hiện đại cũng như các công ty mới nổi.

Trong suốt 10 năm từ 2000-2010, Blockbuster đã đi từ một công ty hầu như nắm phần lớn thị phần cho thuê DVD thành  một công ty lạc hậu và buộc phải đệ đơn xin phá sản vào năm 2010, kéo theo sự đóng cửa của hàng loạt cửa hàng và khiến hàng ngàn người mất việc (vào năm 2004, Blockbuster từng có tời 9.000 cửa hàng vào 60.000 nhân viên).

Sự phát triển không ngừng của Internet đã tạo nên một cuộc cách mạng, nhiều người đã chuyển từ xem phim DVD sang xem phim trực tuyến cùng truy cập các nội dung khác qua mạng Internet, trong khi đó Blockbuster lại không chịu thay đổi nhanh chóng để bắt kip xu thế này.

Netflix, đối thủ “sừng sỏ” của Blockbuster trong những năm 2000 đã từng đề xuất lập một công ty liên doanh và thừa nhận vị trí của Blockbuster như một đơn vị chủ đạo trong ngành giải trí gia đình hiện đại ngày nay nhưng bất thành.

Tháng 11/2013, Blockbuster đã truyên bố đóng cửa 300 cửa hàng còn lại thuộc công ty, tuy nhiên các cửa hàng nhượng quyền thương mại tại 50 quốc gia khác vẫn sẽ mở cửa.

Trong khi thương hiệu Blockbuster đã “về hưu”, Dish tiếp tục được cấp phép cung cấp dịch vụ video trực tuyến "Blockbuster on Demand" cho các địa điểm nhượng quyền thương mại dưới dạng gói cước truyền hình "Blockbuster @ Home".

1. Nokia

Nokia, thương hiệu điện thoại hàng đầu trong những năm 1990, có lẽ cũng không thể ngờ được sự bùng nổ của công nghệ hiện đại lại nhanh chóng đẩy mình xuống vực sâu đến vậy.

Sự ra đời và phát triển thần tốc của nhiều công ty công nghệ thế hệ sau, đặc biệt là các công ty phát triển smartphone đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và doanh số của Nokia. Mặc dù cũng đã nỗ lực để cải tiến các dòng điện thoại và cho ra đời các smartphone nhưng sự thay đổi chậm chạm của Nokia đã không để lại nhiều ấn tượng và nhanh chóng bị nhấn chìm bởi những “ngôi sao” của làng công nghệ.

Cuối cùng, gã khổng lồ điện thoại một thời đã phải “bán mình” cho Microsoft. Sau khi đổi chủ, Nokia cũng không thể giữ nổi thương hiệu khi Microsoft tuyên bố sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Nokia. Điều này đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn của thương hiệu Phần Lan đã hơn 100 năm lịch sử.

>> Công ty thành công nhất thế giới

Theo Đinh Thơm

Cùng chuyên mục
XEM