Câu chuyện hoa tulip và bong bóng bitcoin

16/09/2017 13:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Câu chuyện bong bóng hoa tulip mà CEO của JPMorgan từng nhắc đến khi cảnh báo đồng "bitcoin là trò lừa bịp" hóa ra có nhiều điểm tương đồng với tình hình thị trường tiền điện tử hiện tại.

Hôm thứ 4, CEO của JPMorgan, ông Jamie Dimon đã khuấy động thị trường tiền điện tử chỉ bằng 1 câu nói "Bitcoin chỉ là một trò lừa đảo, còn tồi tệ hơn cả hiện tượng bong bóng hoa tulip". Ông so sánh giá trị bitcoin là bong bóng và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Jamie Dimon thậm chí tuyên bố sa thải bất cứ nhân viên nào trong bộ phận giao dịch có hành vi đầu cơ tiền điện tử.

Sau khi cảnh báo của ông được đưa ra, giá đồng bitcoin có lúc lao xuống xuống 3.772 USD so với mức đỉnh 5.000 USD mà đồng tiền này từng đạt được hồi 1/9. Như vậy, sau đợt rớt giá mạnh này, giá trị vốn hóa của đồng tiền điện tử số 1 thế giới giảm 18,5 tỷ USD.

Câu chuyện hoa tulip và bong bóng bitcoin - Ảnh 1.

Đồng tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới là ethereum cũng giảm 11% xuống còn 260,13 USD, kéo giá trị vốn hóa giảm 11 tỷ USD.

Vậy bong bóng hoa tulip mà CEO JPMorgan đề cập đến thực chất là gì? Câu chuyện bắt đầu từ năm 1636-1637 khi nền kinh tế Hà Lan phục hồi sau cơn khủng hoảng. Lúc đó, điều thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Hà Lan không phải là chỉ số chứng khoán Dow hay Nasdaq mà chính là giá của những bông hoa tu-lip.

Việc mua bán củ hoa tu-lip trở thành cách đầu cơ điên cuồng vì họ tin là giá loại hàng hoá này sẽ tăng lên trong tương lai. Có những tuần giá có thể tăng gấp đôi. Doanh nhân, thợ nề, mục sư và cả luật sư đều trở thành những thương nhân đổ mạnh dòng vốn ra thị trường. Giá cả tăng nhanh đến chóng mặt. Cho đến đỉnh điểm, một số củ tu-lip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay. Khi cơn sốt hoa tu-lip lên tới đỉnh điểm vào tháng 2 năm 1637, một số củ tu-lip được bán với giá gấp hơn 10 lần thu nhập hàng năm của một thợ thủ công lành nghề. Đây nhìn chung được coi là bong bóng đầu cơ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử (hay là bong bóng kinh tế).

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt, đến tháng 2 năm 1637 giá đột nhiên rơi xuống mức không ngờ. Các nhà buôn hoảng hốt khi giá của củ tu-lip giảm xuống chỉ còn 1% so với trước và đôi khi còn giảm hơn. Lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xoá sạch. Hội chứng hoa tu-lip đã kết thúc nhanh chóng giống hệt như lúc nó bắt đầu.

Nhìn lại những gì đã diễn ra thời gian gần đây có thế thấy trường hợp của đồng bitcoin khá giống so với câu chuyện hiệu ứng hoa tulip. Đồng bitcoin liên tục tăng giá mạnh kể từ đầu năm nay khi giá trị của nó đã tăng tới 300% trong năm 2017. Thế nhưng diễn biến giá của đồng tiền này rất thất thường và biến động mạnh, có lúc tăng lên mức 5.000 USD nhưng sau đó giảm xuống còn 4.000 USD chỉ trong 2 ngày. Ngay cả khi đồng bitcoin đang trong đợt tăng giá mạnh nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng và cảnh báo rồi cũng có ngày bong bóng tiền điện tử sẽ vỡ.

Sau nhận định của ông Jamie Dimon rằng "bitcoin chỉ là trò lừa đảo", nhà đầu tư nổi tiếng Mohamed El-Erian – Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz Global Investors đã "thêm dầu vào lửa" khi dự đoán đồng bitcoin có thể giảm 1/3 thậm chí 1/2 giá trị.

Những câu chuyện bàn tàn tán về bóng bóng tiền điện tử đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, tạo ra bước ngoặt lớn cho loại tiền đang gây tranh cãi. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng đồng tiền này có được công nhận là công cụ tài chính chính thống và thách thức các đồng tiền pháp định khác như USD, yên Nhật...hay không.

Tuy nhiên, theo tờ CNBC nhận định trên thực tế, bitcoin vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của một đồng tiền trên nhiều khía cạnh.

Một đồng tiền được xác định bởi 3 yếu tố

1. Tính bảo lưu về giá trị

2. Là đơn vị dễ tính toán

3. Vật trung gian để trao đổi

Nếu xét quy chiếu vào 3 yếu tố trên thì dường như bitcoin khó lòng đáp ứng cả 3.

Rất khó để xác định tính bảo lưu về giá trị của đồng tiền này do giá trị của nó có thể biến động 5%- 10% chỉ trong 1 ngày thậm chí có thể tăng vọt đến chóng mặt.

Là đơn vị dễ tính toán, nhưng dành cho ai?

Bitcoin có thể là vật trung gian để trao đổi nhưng tính đến hiện tại số lượng người dùng trên thế giới không nhiều. Hơn nữa, dạo gần đây, việc Trung Quốc siết chặt tiền ảo, đặc biệt là bitcoin càng cho thấy tương lai không mấy tươi sáng của đồng tiền này. Trong khi đó, Trung Quốc lại là trung tâm hoạt động giao dịch bitcoin, chiếm 20% hoạt động đào và giao dịch bitcoin, Charles Hayter, nhà đồng sáng lập của CryptoCompare cho biết. Một số tin đồn còn cho rằng nhiều nước đang lên kế hoạch cấm hoạt động giao dịch bitcoin, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về việc sử dụng của đồng tiền điện tử thế nào nếu điều ấy xảy ra thật. Sự việc phức tạp đến mức nhiều người lo ngại rằng tiền điện tử sẽ là công cụ rửa tiền lý tưởng trên các "trang web đen".

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng blochchain và thị trường tiền điện tử là một bước đột phá mới của công nghệ đầy hứa hẹn. Charles Hayter nhận định "Tôi cho rằng việc đánh giá thấp thị trường mới nổi là khá thiển cận, đặc biệt là đối với ai chưa am hiểu chuyên sâu về thị trường đó".

Bharath Rao, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của nền tảng giao dịch tiền ảo Leverj cho rằng "Bitcoin là một đột phá về công nghệ giống như động cơ hơi nước lần đầu tiên được phát minh hàng trăm năm nước. Những ai gọi bitcoin là trò lừa đảo thì họ sẽ phải choáng ngợp về đồng tiền này. Rất nhiều người cất giữ, đầu tư tài sản vào đồng bitcoin vì họ đặt niềm tin vào tương lai của nó. Số lượng người tham gia đầu tư tăng lên từng ngày".

Không ai có thể đoán trước được tương lai của tiền điện tử nói chung và đồng bitcoin nói riêng, tất cả đều là dự đoán. Và những dự đoán này sẽ gây biến động mạnh cho thị trường. Vấn đề còn lại chỉ là nhà đầu tư còn đủ sức chống chọi với các đợt biến động giá lên xuống thất thường giống như trò tàu siêu tốc trong công viên giải trí không?

Theo Đức Quýnh

Cùng chuyên mục
XEM