Câu chuyện của đường - vàng trắng, thuốc độc hay quỷ dữ

07/03/2017 10:13 AM | Kinh doanh

Là câu chuyện về một thứ hàng hoá tuy bé nhỏ quen thuộc nhưng lại chứa đựng không ít điều thú vị suốt chiều dài hơn 100 năm lịch sử.

“Vàng trắng” một thời

Trong lịch sử, đường từng được coi là vàng trắng, có giá trị thậm chí hơn cả loại vàng thông thường. Chính những người đi khai phá thuộc địa của Anh là những người đầu tiên tìm ra đường và gọi nó là “vàng trắng”.

Giữa thế kỷ 16, người Ấn Độ khám phá ra cách tạo ra tinh thể đường và từ đây, một cuộc cách mạng mới bắt đầu. Các nhà khai phá nước Anh gọi đường là “vàng trắng” không chỉ bởi tính chất đặc biệt của nó mà còn vì lợi nhuận cho đường mang lại. Lợi nhuận từ việc buôn bán đường lớn đến mức nạn buôn nô lệ ngày càng lan rộng. Hàng triệu nô lệ châu Phi đã bị bán vào Mỹ để làm việc trong các đồn điền mía, phục vụ cho các xưởng sản xuất đường.

Trong suốt ba thế kỷ, đường là thứ hàng hoá quan trọng nhất xuất khẩu ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ đường chiếm 1/3 nền kinh tế của các nước châu Âu. Khi công nghệ được cải tiến, các sản phẩm phụ chế biến từ đường như mật, rượu rum và sô-cô-la đã giúp nhiều thương nhân trở nên giàu có.

Đến thế kỷ 18, đường trở nên cực kỳ phổ biến. Do châu Âu đã thiết lập các xưởng sản xuất đường trên các đảo lớn ở vùng biển Caribean, giá đường cũng giảm xuống. Cuối thế kỷ 18, tất cả mọi thành phần trong xã hội đều trở thành khách hàng bình thường của một mặt hàng từng được xem là quý giá. Ban đầu, đường ở Anh dùng trong trà, nhưng sau đó được dùng để sản xuất kẹo và sô-cô-la và cuối cùng trở nên cực kỳ phổ biến.

Hai mặt của “vàng trắng”

Ngọt ngào, quen thuộc và từng được trân trọng là thế, nhưng khá bất ngờ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có không phải một, mà khá nhiều tác hại của thứ từng được coi là “vàng trắng” này.

Đầu tiên, tiêu thụ đường quá mức có thể làm tăng lượng insulin- một trong các nguyên nhân gây ung thư và tăng huyết áp. Các nhà khoa học Mỹ cũng cho biết, tiêu thụ nhiều chất ngọt cũng góp phần làm cho lượng đường huyết trong cơ thể mất ổn định, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Age Journal (Mỹ) cho thấy, lượng đường huyết trong cơ thể có ảnh hưởng rất lớn đến làn da. Cứ tăng 1 milimole đường/ 1 lít máu có thể khiến khuôn mặt con người già hơn.

Theo báo cáo của Hiệp hội chống cận thị Nhật Bản, tiêu thụ nhiều đường mỗi ngày có thể dẫn đến bệnh cận thị. Ở những người ăn nhiều đường, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin B12, caxi, magie và sắt. Và chỉ 15 phút sau khi ăn, các vi sinh vật sẽ hấp thu và tiêu hoá chất thường, biến thành axit hữu cơ làm mất men răng gây sâu răng.

Lượng đường trong máu tăng cao cũng dẫn đến việc kích thích các hormone gây ra tình trạng cáu kỉnh, bực bội. Trong các nghiên cứu trên chuột bạch, các nhà khoa học cũng chỉ ra ăn quá nhiều đường cũng ảnh hưởng đến não bộ, gây suy giảm trí nhớ và làm bộ não bị lão hoá.

Thậm chí theo Robert Lustig- Đại học California San Francisco, đường còn được mô tả là “quỷ dữ”, “thuốc độc”, nguy hiểm không kém gì thuốc lá, rượu, cocain, heroin và morphin.

Trong những năm 1960, chính ngành công nghiệp đường đã bí mật hối lộ một số nhà khoa học để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng đối với tác hại của đường. Nó đã tạo ra những hướng dẫn chế độ ăn sai lầm được áp dụng trong hàng thập kỷ, và để lại rất nhiều hệ luỵ cho tới tận ngày hôm nay.

Tất nhiên, không dễ để có thể từ bỏ thói quen tiêu thụ đường vốn đã quá quen thuộc tuy nhiên với những tác hại không ngờ của đường, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị một chế độ tiêu thụ đường ít hơn 10% tổng năng lượng ăn vào. Đặc biệt, việc giảm tỷ lệ xuống dưới 5% mang lại lợi ích gia tăng, đặc biệt với vấn đề sâu răng. Bên cạnh đó, thay vì dùng trực tiếp, có thể chuyển sang các chất làm ngọt tự nhiên như hạnh nhân, vani tinh chế, gia vị, thảo mộc, trái cây… mà vẫn đảm bảo đủ lượng đường huyết cần thiết cho cơ thể.

Hơn 100 năm lịch sử, hàng trăm nghiên cứu cùng những tranh cãi chưa có hồi kết giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành, nhưng câu chuyện về đường cho ta thấy những điều đôi khi vô cùng căn bản:

Mọi thứ đều tương đối và không phải cứ ngọt ngào đã là tốt!

Quảng cáo là Gió, PR là Mặt trời.

Đàm Linh

Cùng chuyên mục
XEM