Cạnh tranh trong cuộc thi thiết kế phần mềm cho ô tô tự lái, sinh viên Việt Nam liệu “có cửa” để thắng sinh viên nước ngoài?

22/05/2019 17:30 PM | Công nghệ

Việt Nam từng được dự báo sẽ trở thành trung tâm gia công phần mềm thế giới sau Ấn Độ nhưng thực tế chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể tự sáng tạo công nghệ của riêng mình.

Trong vòng chung kết Cuộc đua số mùa 3 diễn ra vào 25/5 tới đây, 8 đội thi đến từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng với 2 đội thi quốc tế sẽ có cơ hội tranh tài trong lĩnh vực thiết kế phần mềm cho xe tự lái, một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay.

Cụ thể, các đội thi sẽ phải sáng tạo và ứng dụng công nghệ xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để lập trình cho xe tự định vị, tìm đường đi ngắn nhất, vượt qua các chướng ngại vật với tốc độ cao nhất trong điều kiện ánh sáng thay đổi.

Đây không chỉ là sân chơi công nghệ dành cho sinh viên Việt Nam thỏa chí chứng tỏ bản lĩnh mà còn là dịp để trí tuệ Việt Nam cạnh tranh với trí tuệ thế giới ở một trong những lĩnh vực công nghệ hàng đầu hiện nay.

Nhà vô địch của Cuộc đua số sẽ nhận được tổng giá trị giải thường là 1,2 tỷ đồng, (trong đó có 1 chuyến trải nghiệm tìm hiểu công nghệ thực tế tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong thời gian 1 tuần, 15 triệu đồng tiền mặt và 1 suất học bổng Tiến sĩ về ngành trí tuệ nhân tạo với trị giá 700 triệu đồng).

Theo tiết lộ từ ban tổ chức, những chiếc xe tự lái mô hình chỉ có kích thước bằng 1/7 so với sản phẩm thực tế nhưng tốc độ tối đa lên tới 50km/h. Nếu nhân với tỷ lệ thực tế (gấp 7 lần) thì xe tự hành của cuộc đua số có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 350km/h, gần bằng tốc độ cao nhất của xe đua công thức 1, khoảng 360km/h.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT cho biết mục tiêu của FPT khi tổ chức Cuộc đua số không chỉ là tạo sân chơi công nghệ cho giới trẻ Việt Nam mà còn tạo ra một môi trường toàn cầu, trang bị kỹ năng cần thiết cho người trẻ trước khi bước vào cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên thực tế. Các thí sinh tham gia ngoài việc cọ xát với đối thủ nước ngoài còn còn cơ hội trải nghiệm, tiềm hiểu công nghệ mới tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản,...

"Đó cũng chính là tham vọng của FPT: Mang trí tuệ Việt ra biển lớn, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới".

Sau 3 mùa tổ chức Cuộc đua số, đã có hàng nghìn bạn trẻ được tiếp cận và thực hành nền tảng công nghệ mới nhất hiện nay như xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo,...Đã có nhiều câu lạc bộ nghiên cứu về robot, xe tự hành được thành lập tại các trường đại học. Một số trường thậm chí còn mạnh dạn đầu tư, trang bị xe mô hình và tự chức cuộc thi ở phạm vi cấp trường để giúp sinh viên nâng cao khả năng học tập, phát triển công nghệ.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM