Càng khéo ăn khéo nói, chúng ta lại càng dễ mất cảnh giác và làm hỏng mối quan hệ của mình với những người thân thương nhất!

03/05/2019 13:07 PM | Sống

Chúng ta, dễ thấy nhất ở những người khéo ăn khéo nói, thường trình diễn những mặt tốt nhất của mình để đối nhân xử thế với người ngoài, và phơi bày những gì xấu nhất cho người thân trong gia đình gánh chịu.

(01)

Tôi đang ngồi trong quán ăn. Bên cạnh tôi là một cậu thanh niên gọi điện thoại. Anh để loa ngoài, cằn nhằn với người ở đầu dây bên kia: "Con biết rồi, khổ lắm, mẹ cứ nói mãi. Bây giờ con còn bận tối mặt tối mũi đi làm, không có thời gian rảnh đâu". 

Ngưng một chập, rồi một người, có lẽ là bố của anh chàng này cất tiếng: "Người yêu mày, nó muốn kết hôn với người có thể sống với nó tới đầu bạc răng long, chứ không bao giờ chịu gả mình cho một cỗ máy di động làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, đến chút thời gian dành cho nó cũng chẳng có. Tiền nhiều để làm gì, mày nghĩ mày làm cho nó, nhưng nó chẳng thấy được mày, chẳng mấy khi được đi chơi cùng mày, thì làm sao có thể nghĩ được mày đang làm vì nó. Mày cứ thế là mất nó đấy con ạ."

Người liên tục thúc giục bạn làm việc gì, thực chất họ đang sốt sắng cho hạnh phúc mà bạn có thể đánh mất. Đừng làm tổn thương họ bằng những lời lẽ nặng nề, mà hãy lựa lời để xoa dịu sự khó chịu của họ khi thấy sự chậm trễ, kém khẩn trương của mình.

Khi con mình đến độ tuổi nào đó mà chưa yên bề gia thất, rất nhiều bậc phụ huynh sẽ "khởi động" dự án mang tên: ĐI TÌM MỘT NỬA CHO CON MÌNH. Khởi nguồn bằng loạt câu hỏi dồn dập:"Con đã phải lòng ai chưa? Bao giờ con định cưới?", một số đấng sinh thành thậm chí còn tuyển lựa luôn người họ nghĩ là phù hợp để kết đôi với con mình. 

Có một lần tôi đến nhà bạn, vừa hay chứng kiến được cảnh tượng như thế. Người con sau khi thấy cha mẹ mình giục, mỉm cười hiền lành, bưng ấm trà rót nước cho cha mẹ, gật gật đầu nói: "Con biết rồi ạ. Con cũng biết bây giờ con chưa tự chăm sóc bản thân tốt. Bố mẹ cứ yên tâm, chỉ ít nữa thôi, con sẽ kiếm được vợ hiền con ngoan. Nếu không, đến lúc ấy chắc chắn sẽ làm bố mẹ tự hào vì khả năng độc lập, tự nuôi sống bản thân của mình."

Chúng ta, đặc biệt dễ thấy ở những người khéo ăn khéo nói, thường trình diễn những mặt tốt nhất của mình để đối nhân xử thế với người ngoài, nhưng khi đối diện với người thân trong gia đình mình lại hành xử không đúng mực, nói những lời khó nghe. Điều này thực sự trái với luân lý, nhà phải là nơi bình yên nhất, chứ không phải nơi để ta xả sự bức bối, buồn bực.

Hãy học cách để hiếu kính hơn với cha mẹ, nói chuyện với họ, thấu hiểu họ và chia sẻ mọi điều với họ. Họ có thể không cho bạn hướng giải quyết tốt nhất, nhưng chắc chắn họ sẽ tránh được cho bạn những sai lầm không đáng có.

Càng khéo ăn khéo nói, chúng ta lại càng dễ mất cảnh giác và làm hỏng mối quan hệ của mình với những người thân thương nhất! - Ảnh 1.

(02)

Mối quan hệ giữa người với người trở nên tồi tệ đi, đại đa số bắt nguồn từ những thanh âm vô tình phát ra từ miệng của chúng ta.

Từng có chuyện thế này: Một ông chồng đi làm về muộn, hờ hững cởi giày đặt trên sàn nhà sạch sẽ bóng loáng, chọn một cái áo từ hàng áo được phơi đều tăm tắp ở ban công để thay. Anh cứ âm thầm lặng lẽ thực hiện những công việc thường ngày đó, rồi hỏi vợ mình: "Cây ngoài hiên em tưới chưa ấy nhỉ?"

Thấy vợ ngập ngừng không đáp, anh vặn âm lượng giọng nói mình lên cực đại: "Có cái việc tưới cây thôi mà làm cũng không xong, cứ để tôi phải nhắc". Lời vừa dứt, không để tâm đến vợ mình nữa, anh rảo chân đến phòng ăn, và thấy trên bàn ngoài những món ăn nóng hôi hổi kia, còn bày biện một bánh gato. Trên bề mặt bánh ghi: "Cố lên chồng ơi!".

Đến lúc này, anh mới nhận ra những lời vừa rồi của mình có phần hơi nặng nề. Nhưng lời nào gió bay ấy chứ, những lời lăng mạ kia không bao giờ có thể vãn hồi, mà đã hằn sâu trong tâm trí của vợ anh. Trong một thời gian dài, vợ anh không còn niềm nở mở cửa mừng anh về nhà. Hai nếp ở khoé môi của vợ cũng trùng xuống, tựa hồ như không gì có thể kéo lên được. Chỉ đến khi anh dốc ruột gan nói lời xin lỗi, vợ anh mới nguôi ngoai phần nào, nhưng niềm hạnh phúc giữa hai người không còn được đầy đặn như ngày xưa.

Tôi quen một cặp đôi được ngợi ca là "Vợ chồng mẫu mực". Họ chia sẻ với nhau mọi mặt trong cuộc sống, kể cả những bí mật khó nói nhất. Những ngày đầu sau kết hôn, người chồng luôn lần lữa, không chủ động làm việc nhà. Người vợ đã nghĩ ra cách trị chứng "lười" này, bằng cách đơn giản không ngờ. Cô chủ động nhờ chồng, kèm theo lời động viên: "Chồng em đang bận gì không, giúp em dọn nhà đi. Lần trước thấy chồng làm nhà sạch xuất sắc luôn". Thấy vợ mình "ngưỡng mộ", người chồng cảm thấy đắc chí, sẵn sàng đảm nhận ngay "nhiệm vụ được uỷ thác".

Tìm thấy một nửa của mình và chung sống với họ là một điều may mắn với bất kì ai. Nhưng chỉ những người biết "lựa lời mà nói cho toại lòng nhau" mới hưởng một hôn nhân hạnh phúc viên mãn.

Càng khéo ăn khéo nói, chúng ta lại càng dễ mất cảnh giác và làm hỏng mối quan hệ của mình với những người thân thương nhất! - Ảnh 2.

(03)

Gia đình hạnh phúc là tập hợp của những người biết quan tâm săn sóc lần nhau, cả về hành động lẫn lời nói. Lời nói phù hợp sẽ dẫn lối cho những hành động phù hợp, giúp mọi người chung sống hoà thuận, yên vui.

Gặp chuyện cấp bách, trước khi nói hãy điều hoà nhịp thở để mình bình tĩnh trước.

Làm gì làm, lúc nóng giận thì đừng quyết định một cái gì cả. Những người đang giận run cả người, hoa cả mắt sẽ không bao giờ có thể nói được một câu tử tế, mà chỉ trực chờ tìm cớ gây sự, vì vậy người nghe cũng không cần thiết phải đáp lại, chỉ cần gật đầu và lắng nghe.

Muốn nhờ người khác làm việc gì, hãy nhờ bằng giọng tươi vui, hài hước. Gương mặt nghiêm túc, giọng nói cứng ngắc sẽ làm người nghe rơi vào trạng thái phòng thủ, và khi ấy sẽ chẳng có ai chấp nhận buông khiêng mà tiếp nhận những lời nhờ vả.

Nói gì nói, những chuyện chưa nắm được gốc rễ vấn đề thì tuyệt đối không bàn luận. Với những chuyện bản thân mình vẫn còn mơ hồ, những lời mình nói sẽ thiếu sức thuyết phục, người nghe sẽ không thể tin được bạn. Mà cuộc sống này, "một lần bất tín vạn lần bất tin", chỉ một lần như thế, người nghe sẽ không bao giờ xem trọng những gì đến từ miệng của bạn nữa.

Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, đừng để thanh quản của bạn rung lên những thanh âm sắc bén, cắt đứt mối quan hệ hữu hảo của bạn với người xung quanh. Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau các bạn nhé.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM