Cần xây dựng phong trào năng suất quốc gia như Singapore

23/03/2019 09:00 AM | Xã hội

Trong khoảng một thập niên gần đây, năng suất lao động tại Việt Nam dù thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, nhưng lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại...

Dù đã có chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động song hiện vẫn thiếu sự hỗ trợ và cam kết cấp cao, thiếu ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia, thiếu các thiết kế chi tiết hiệu quả dẫn đến việc chuyển động năng suất cho đến nay vẫn còn quá nhỏ, phân tán và chỉ được thực hiện một phần, không đủ để thay đổi tư duy quốc gia và tạo ra kết quả rõ ràng...

Con số đưa ra tại hội thảo "Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam" ngày 21/3 cho thấy, trong khoảng một thập niên gần đây, năng suất lao động tại Việt Nam dù thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, nhưng lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Điều này gợi ra những lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình ngay từ giai đoạn đầu.

Các nước khu vực bỏ xa Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 10 năm 2008-2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore 0,9%/năm, Malaysia 1,1%/năm, Thái Lan 2,6%/năm...

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt trên 10 nghìn USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia...

Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Đi sâu phân tích khuynh hướng của quá trình tăng năng suất lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, năng suất bình quân của Việt Nam tăng từ 18,886 triệu đồng/lao động (1991) lên mức 54,427 triệu đồng/lao động (2015). Như vậy, sau 25 năm năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng chưa tới 3 lần (2,88).

Cụ thể hơn, ông Thành cho biết, năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng là cao nhất, tiếp đó là nhóm ngành dịch vụ và thấp nhất là nhóm ngành nông, lâm và thuỷ sản. Xét về khía cạnh đóng góp của 3 nhóm ngành này vào GDP thì nhóm nông, lâm và thuỷ sản có năng suất lao động thấp nhất và tỷ lệ đóng góp cũng giảm dần (duy trì quanh mức 2%). Năng suất lao động nhóm dịch vụ dù nhỏ hơn công nghiệp và xây dựng nhưng tỷ lệ đóng góp của hai ngành này gần tương đương với nhau (quanh mức 40%).

Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng mạnh cho tới năm 2001, sau đó có dấu hiệu chững lại. Từ năm 2007, phần lớn các dự án FDI tập trung cho nhóm các ngành công nghiệp và xây dựng. Điều này kéo theo một lượng lớn đất đai nông nghiệp được chuyển thành các khu công nghiệp. Đi liền với quá trình này là hiện tượng lao động nông thôn di chuyển ra thành thị tìm kiếm việc làm hoặc chuyển sang làm việc tại chính các khu công nghiệp đó.

Nông nghiệp đóng góp chủ đạo vào giá trị gia tăng (khoảng 76%), lâm nghiệp và thủy sản chiếm lần lượt 4% và 20% giá trị gia tăng của toàn ngành giai đoạn 1991-2015. Do đó, năng suất lao động ngành nông nghiệp là nhân tố chi phối chính đến năng suất lao động của cả nhóm ngành.

Phân tích theo thành phần sở hữu, ông Thành cho rằng, trong giai đoạn 1991 – 2001, năng suất lao động của tất cả các khu vực trong nền kinh tế tăng đều đặn. Trong đó năng suất lao động của khu vực FDI cao nhất và gần như gấp đôi so với năng suất lao động của hai khu vực còn lại cộng gộp.

Từ năm 2002 trở đi xu hướng này đã đảo chiều, năng suất lao động của khu vực FDI giảm mạnh, trong khi khu vực nhà nước tiếp tục tăng trưởng, và thậm chí vượt qua khu vực FDI vào năm 2015. Khu vực tư nhân vẫn có năng suất lao động rất thấp. Năm 2015, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI lần lượt là 35,8%; 49,5% và 14,7%.

Cấp thiết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

"Hiện nay năng suất quốc gia của Việt Nam vẫn ở mức thấp và tăng trưởng chưa đủ nhanh để bắt nhịp được với quá trình hội nhập sâu rộng sắp tới. Tăng năng suất của Việt Nam trong thời gian chủ yếu do chuyển dịch lao động theo ngành từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ chứ không phải cải thiện hiệu quả trong từng ngành cụ thể", ông Thành nói.

Các chuyên gia đều nhận định, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp. Điều này bắt nguồn từ điều kiện làm việc, môi trường làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và vốn của Việt Nam còn thấp cũng như tay nghề kỹ năng của người lao động còn thấp. Và điều đó giải thích vì sao hiện nay thu nhập của chúng ta còn thấp vào loại thấp nhất trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung.

Do đó, để tăng năng suất đủ nhanh để cất cánh, ông Lộc cho rằng, cải cách công tác giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là chìa khóa để thúc đẩy nâng cao năng suất của Việt Nam trong thời gian tới. Cần phát động phong trào tăng năng suất lao động trong tất cả các khu vực của nền kinh tế. Đại diện VCCI cũng đề xuất chọn một tháng trong năm là tháng năng suất lao động quốc gia.

Dự kiến tháng 11 sẽ được coi là "Tháng năng suất" ở Việt Nam với việc công bố giải thưởng Top 100 doanh nghiệp, tổ chức có cải thiện năng suất cao trong năm. "Đây như là ngọn hải đăng trong việc tăng năng suất lao động trong thời gian tới", ông Lộc đề xuất.

Hơn nữa, "Việt Nam cần xây dựng một chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài với sự cam kết của lãnh đạo cao nhất, tương tự sự quan tâm của Thủ tướng Lý Quang Diệu dành cho Phong trào năng suất ở Singapore - một yếu tố quan trọng cho thành công của các chính sách lớn, mang tính bao trùm, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực", ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Thành, đối với Việt Nam, ảnh hưởng của hiệu ứng dịch chuyển đã giảm dần, thay vào đó là hiệu ứng nội ngành. Tuy nhiên, lao động của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm ngành nông, lâm và thủy sản, cho thấy vẫn còn khả năng chuyển dịch lao động giữa các ngành. Để tăng năng suất lao động, Việt Nam phải khơi thông hiệu ứng dịch chuyển, đồng thời tiếp tục tăng trưởng hiệu ứng nội ngành.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy và tìm kiếm thị trường cho các ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt khu vực tư nhân, để tạo thêm lực hút cho quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động, từ đó tăng năng suất lao động chung.

Theo Song Hà

Cùng chuyên mục
XEM