Căn bệnh khiến nữ tiếp viên hàng không 25 tuổi tử vong đang vào mùa ở Việt Nam

08/08/2019 20:45 PM | Sống

Nữ tiếp viên hàng không Surintra Chareondee, 25 tuổi, sống tại Thái Lan vừa qua đời vào ngày 29/7 vì bị sốt xuất huyết. Căn bệnh này đang bắt đầu vào mùa tại Việt Nam.

Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Surintra Chareondee bị sốt xuất huyết và ba ngày sau cô có biểu hiện đau bụng, ói mửa. Surintra Chareondee đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết cô đã bị nhiễm trùng máu và không thể qua khỏi, do gan, tim, lục phủ ngũ tạng xuất huyết nặng và bị phá hủy hoàn toàn. Tất cả đều là biến chứng của sốt xuất huyết nội.

Từ khi bị bệnh sốt xuất huyết đến thời điểm qua đời xảy ra rất nhanh, chỉ 3 ngày sau khi nữ tiếp viên phát hiện mình mắc bệnh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 22.000 người chết mỗi năm bởi dịch sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, phác đồ điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng.

 Căn bệnh khiến nữ tiếp viên hàng không 25 tuổi tử vong đang vào mùa ở Việt Nam - Ảnh 1.

Surintra Chareondee đã qua đời vì mắc sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến và hiện bệnh đang vào mùa cao điểm. Theo báo cáo của các địa phương hàng tuần có từ 4000 – 5000 ca bệnh sốt xuất huyết.

Theo báo cáo tình hình công tác y tế tháng 7/2019 gửi Văn phòng Chính của Bộ Y tế, chỉ từ 18/6 đến 18/7, cả nước đã 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 ca tử vong tại Bình Phước, TP. HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận vì bệnh này.

Số mắc tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ và tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cử 8 đoàn kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc bệnh tại nhiều địa phương.

Sốt xuất huyết do 4 chủng vi rút Dengue: Den 1, Den 2, Den 3, Den 4. Một người mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại thậm chí tối đa có người mắc tới cả 4 chủng. Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue được biểu hiện với các triệu chứng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng… Mỗi lần mắc sốt xuất huyết bệnh sẽ nặng hơn.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh

Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Ở giai đoạn sốt, người bệnh có triệu chứng như cảm cúm như sốt cao đột ngột, nhiệt độ từ 39 - 40 độ C, kéo dài trong 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Cảm giác đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau sau nhãn cầu, đau nhức xương khớp. Một số trường hợp có thể xuất hiện nổi mẩn, phát ban da.

 Căn bệnh khiến nữ tiếp viên hàng không 25 tuổi tử vong đang vào mùa ở Việt Nam - Ảnh 2.

Chảy máu chân răng cảnh báo biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Thạc sĩ Hà cho biết sốt xuất huyết có thể tự điều trị ở nhà được. Tuy nhiên, bệnh hay biến chứng nhất là giai đoạn sau sốt hay cong gọi giai đoạn nguy hiểm. Với các triệu chứng như trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím tại chỗ tiêm, nôn, ói ra máu tươi hoặc máu đen, đại tiện phân có màu đen.

Người bệnh bị đau bụng, buồn nôn, nôn, tay chân lạnh, vật vã, hoảng loạn, tụt huyết áp. Đây là giai đoạn sốt xuất huyết biến chứng nếu người bệnh không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo thạc sĩ Hà, lây truyền sốt xuất huyết chủ yếu là do muỗi. Muỗi gây ra bệnh là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày nhất là thời điểm sáng sớm và chiều tối.

Đặc điểm của loài muỗi này là không sống ở nước thải, nước bẩn mà hay đậu ở các góc tối, chăn màn, quần áo các đồ dùng trong nhà. Chúng đẻ trứng vào các dụng cụ đựng nước trong như chum vại, chai lọ, các vũng nước sạch. Phòng bệnh tốt nhất là phòng muỗi đốt, tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM