‘Cẩm nang ma mới’ giúp công việc thuận lợi ngay từ tháng đầu đi làm

07/05/2018 14:48 PM | Nghề nghiệp

Chừng nào còn có người chú ý tới bạn, tức là bạn vẫn còn cơ hội để gây ấn tượng với đồng nghiệp và cấp trên.

Tìm được một công việc như mong muốn đã không phải là dễ dàng, để gắn bó với công việc ấy lâu dài thì càng khó hơn nữa. Mà mọi việc, như người ta vẫn nó: "Đầu xuôi đuôi lọt", phải bắt đầu một cách suôn sẻ thì mới là tiền đề tốt đẹp cho công việc sau này. Việc bắt đầu một công việc mới đôi khi khiến chúng ta có phần e dè và lo lắng, nhưng đã mất bao công sức để giành lấy công việc thì đừng khiến bao nỗ lực kia thành ‘đổ sông đổ biển’. Làm ‘ma mới’ cũng cần có bí kíp!

Dưới đây là những ‘bí kíp’ được ghi lại từ những nhân vật thành công trong cuộc sống, về thói quen và những việc họ làm trong tháng đầu tiên đi làm. Cùng lật mở cuốn ‘cẩm nang’ và học tập kinh nghiệm từ những người đi trước nhé!

Tự giới thiệu bản thân với mọi người

Vào ngày đầu tiên trình diện tới văn phòng, hãy tự giới thiệu bản thân mình với các đồng nghiệp một cách tự nhiên và chân thành. Việc giới thiệu bản thân giống như một tuyên ngôn của bạn tới mọi người xung quanh, vừa khiến họ chú ý tới bạn, hiểu đôi chút về con người bạn, vừa khiến các đồng nghiệp có cảm giác gần gũi hơn với bạn. Thực tế thì, cùng làm việc trong một công ty, một văn phòng, chắc hẳn sẽ còn phải liên quan tới nhau. Đừng sống câm lặng như một cái bóng, đừng cố gắng giấu kín bản thân và tuyệt đối đừng tránh những mối giao thiệp với người khác.

Nói những điều tích cực

Rõ ràng rằng chẳng ai thích những người luôn nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng tiêu cực và suốt ngày bàn lùi. Việc bạn thể hiện ra sao trong những ngày đầu đi làm sẽ hình thành quan điểm của mọi người về bạn, và khi đã thành quan điểm thì khó để thay đổi, phải không? Vậy nên, việc xây dựng được một hình tượng tích cực là vô cùng quan trọng. Hãy mỉm cười với mọi người, tích cực trong công việc và thành thật với tham vọng muốn được người khác công nhận của bản thân.

Biết bản thân cần điều gì

Sau một thời gian đi làm, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được chân thật nhất công việc của mình. Mọi vấn đề phát sinh trong quãng thời gian này nên được giải quyết bằng một cuộc trò chuyện với cấp trên, hoặc, chưa cần yêu cầu thì bạn đã được gọi riêng ra để ‘hỏi thăm’ về tình hình làm việc rồi. Điều bạn cần biết là chính xác công việc mình đang làm, những trở ngại đang gặp phải và cả những đề nghị để công việc được hiệu quả hơn. Quản lý luôn đánh giá cao những người biết việc và biết tiếp thu.

Đặt những câu hỏi ‘có giá’

Ai cũng muốn nhanh chóng làm quen với công việc mới, nhưng đừng khiến mọi người ‘bội thực’ bởi số lượng câu hỏi bạn đặt ra trong ngày đầu đi làm. Bạn có thời gian để dần dần tìm hiểu và tự mình học hỏi, việc đặt những câu hỏi quá đơn giản đôi khi khiến người khác khó chịu và có những suy nghĩ không đúng về bạn. Hãy đặt những câu hỏi thông minh và có chiều sâu để mọi người cảm thấy bạn không phải là ‘thùng rỗng kêu to’.

Lấy lòng cấp trên

‘Cẩm nang ma mới’ giúp công việc thuận lợi ngay từ tháng đầu đi làm - Ảnh 1.

Chuyện đi làm phải khiến cấp trên hài lòng là điều đương nhiên, thậm chí đôi khi ‘nịnh nọt thảo mai’ cũng là cần thiết. Đừng nghĩ chỉ những người giả tạo vụ lợi mới ‘nịnh sếp’. Không nhất thiết phải quá sát sao làm thân, chỉ cần khiến sếp cảm thấy thoải mái về bạn là đã có lợi hơn rất nhiều rồi.

Ưu tiên giấc ngủ để làm việc hiệu quả hơn

Việc đi làm trong tình trạng vẫn còn ngái ngủ không chỉ khiến chúng ta giảm hiệu suất công việc mà còn khiến ta thiếu đi sự hứng thú khi làm việc, chưa kể việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng mọi thứ từ bộ nhớ tới huyết áp.

Trích lời của CEO Amazon, ông Jeff Bezos: "Một giấc ngủ chất lượng kéo dài 8 giờ đồng hồ đã tạo nên khác biệt lớn với tôi, và tôi đang cố gắng để ưu tiên duy trì điều này."

Giao thiệp với tất cả mọi người trong nhóm

Quên việc ăn trưa một mình đi và hãy tìm cách hòa nhập với mọi người, để các đồng nghiệp thấy rằng bạn sẵn sàng hòa nhập với họ, với văn hóa công ty, với những công việc sắp tới.

Kiểm tra những gì mình đã làm

Theo các chuyên gia, mỗi ngày bạn nên dành ra 30 phút để tự đánh giá bản thân. 15 phút mỗi sáng trước khi bắt tay vào công việc để xác định các mục tiêu trong ngày cũng như những công việc cần làm; 15 phút cuối giờ để đánh giá mình đã làm được những gì so với mục tiêu đặt ra. Việc này giúp bạn đánh giá được năng lực của mình cũng như tìm ra những vấn đề phát sinh (nếu có) để sửa chữa trước khi một ai đó tìm ra nó.

‘Cẩm nang ma mới’ giúp công việc thuận lợi ngay từ tháng đầu đi làm - Ảnh 2.

Ghi lại những yếu tố có thể làm hỏng thành quả của cả nhóm

Khi đã quen với môi trường và công việc, bạn hãy tập thói quen ghi lại những vấn đề phát sinh cũng như những trở ngại khiến công việc của cả nhóm bị trì trệ. Đó có thể là một bước trong phương án giải quyết, cả một quá trình hoặc là thái độ của một đồng nghiệp. Dành thời gian tìm hiểu tại sao những điều này lại làm phát sinh vấn đề trước khi đưa ra bất kì đề xuất gì. Không ai bắt bạn phải xử lý vấn đề, nhưng nếu bạn có thể hiểu và tìm ra vấn đề, bạn đã trở thành một thành viên tích cực hơn trong nhóm rồi.

Tìm một người hướng dẫn

Cuối cùng, một người thành công là người có thể tìm được người giúp họ nhìn nhận và đưa ra hướng dẫn để họ vượt qua những trở ngại. Cố gắng tìm một người có thể giúp đỡ mình ngay trong công ty, trong văn phòng để có được những chỉ dẫn xác đáng nhất. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn chỉ đang ‘tận dụng’ người hướng dẫn này, chứ không phải đang lợi dụng họ.

Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM