Cấm dạy thêm, học thêm: Giáo viên đang bị xã hội quay lưng?

27/09/2016 20:07 PM | Sống

Đó là những tâm sự rất chua chát của người nghiên cứu về giáo dục, ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, khi bình luận về những bất cập của việc cấm dạy thêm, học thêm, đang thực thi tại TP.HCM.

LTS: Để độc giả có thêm cái nhìn của người trong cuộc xung quanh vấn đề cấm dạy thêm, học thêm, Infonet xin đăng tải những chia sẻ, góc nhìn cá nhân của ThS Lê Thị Lan Anh, viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt.

Cấm dạy thêm học thêm đã khiến cho những dòng tít “lạ lùng” trên báo chí cứ đập vào mắt, kiểu như "Phát hiện giáo viên A dạy thêm ở khu B", "Hai cô giáo trường LTK thuê nhà dạy thêm cho học sinh chính khóa", "Dân phát hiện giáo viên dạy thêm "chui".... Bất giác tôi nổi da gà: Phải chăng giáo viên dạy thêm đang đứng trước một cuộc đấu tranh không khoan nhượng?

Có đáng không khi cái nghề "kỹ sư tâm hồn" mà phải sống trong ức chế, lo lắng, thấp thỏm? Đã ức chế, đã bất an là tâm loạn, tâm loạn thì không thể tạo ra những bài giảng hay, gieo được những mầm thiện, trao truyền được tri thức quý đến học trò.

Người "kỹ sư" làm sao dạy nổi chứ chưa nói "kiến tạo tâm hồn" cho thế hệ sau trước bão táp ngoài kia???

Đành rằng, mặt trái của dạy thêm tràn lan là có thực, phải chấn chỉnh, phải xử lý triệt để.

Nhưng, có ai dám khẳng định, dạy thêm không có giá trị tích cực? Thử nhìn học thêm từ góc độ khác, chúng ta sẽ thấy, học thêm, dạy thêm không đến nỗi “xấu”.

Thứ nhất, học trò nghèo cần.

Con muốn có cơ hội cuộc đời tốt hơn nên muốn giỏi tiếng Anh. 2 tiết ít ỏi ở trường với 30-50 học sinh/1 lớp có đảm bảo đủ cho con chạm đến ước mơ chính đáng đó? Nơi con ở không có trung tâm tiếng Anh uy tín, con không có tiền đi học thêm ở trung tâm, cô giáo lại dạy hay, chăm chút đến học trò. Vậy, con có nên học không?

Thứ 2, học trò chưa giỏi cần.

Con học chưa giỏi, muốn được cô hướng dẫn thêm mà 1 lớp đông quá, mỗi tiết chỉ 45 phút, chạy tướt bơ theo giáo án, chạy thanh tra, chạy tiến độ... đã kiệt quệ tâm trí. Cô giáo chẳng thể dạy cho trên lớp, về nhà hướng dẫn thêm thì có gì sai?

Thứ 3, quan hệ cung cầu hiện hữu.

Cô dạy giỏi, trò yêu mến thì phụ huynh tin tưởng gửi gắm là đương nhiên. Có cầu ắt có cung. Mà quan hệ cung cầu ở đây đều chính đáng. Người thầy dùng tài của mình để có thêm thu nhập, trò được học Thầy tốt thì còn gì quý hơn? Các cụ xưa đã dạy: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" cơ mà. Bây giờ, Thầy "được yêu" như đấu tố thế kia, Thầy nào muốn "sống chết" với nghề?

ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt
ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt

Thứ 4, giảm nguy cơ chảy máu chất xám.

Đồng ý dạy thêm không có phép là sai. Nhưng, phải tìm hiểu cho rõ, căn nguyên cai sai đó từ đâu. Nếu giáo viên sống đàng hoàng với nghề, bằng đồng lương do nhà trường trả xứng đáng với chính mồ hôi, nước mắt, tâm sức của mình làm ra; hẳn chẳng ai muốn đêm hôm sớm tối cắm đầu đi dạy.

Giáo viên cũng là người, cũng có gia đình, cũng phải nuôi con, cũng gánh vác 2 bên nội ngoại, cũng phải quan hệ họ hàng, bạn bè... Không có tiền, giáo viên sống hay chết?

Chẳng lẽ, phải đẩy hết giáo viên ra đứng đường buôn thúng bán bưng, phải cắp ôm bê bưng đeo vác những công việc chưa hề qua đào tạo để mưu sinh? Giáo viên cứ phải nghèo thì mới là Thầy?

Còn giáo viên giàu có thì không được phép? Giáo viên buộc họ phải sống lay lắt, sống khổ sở, sống cam chịu, sống mòn với đồng lương ba cọc ba đồng?

Chảy máu chất xám cũng từ đó. Giáo viên giỏi bị "câu" sang trường tư, trường quốc tế. Giáo dục công vì thế vốn đã oằn mình với bệnh thành tích, nay lại càng oặt ẹo khi nguy cơ những người giỏi nhất sắp phải ra đi trước nạn đấu tố.

Chảy máu chất xám cũng từ đó. Khi ngành sư phạm lẽ ra phải quy tụ những sinh viên ưu tú, xuất chúng nhất; thì cái nôi đào tạo con người này đang phải đứng trước thực trạng chua xót khi "hứng" những cô cử, cậu cử với đầu vào cực thấp.

Đầu vào thấp, đào tạo không đến nơi đến chốn, đầu ra cũng kém cỏi. Sinh viên sư phạm ra trường hầu như không thể ngay lập tức đứng lớp. Cơn cớ nào đẩy họ đến chất lượng đào tạo như vậy?

Chảy máu chất xám cũng từ đó. Khi những giáo viên kiệt xuất, những người giỏi thường đã là giáo viên đầu quân cho các nước phát triển hết. Họ nhìn giáo dục Việt Nam mà hổ thẹn, nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn. Ốc phải mang nổi mình ốc trước khi lo cho thế sự.

Thứ 5, phải có cơ chế cho giáo viên dạy thêm đàng hoàng như mọi nghề khác.

Tôi cứ tự nhủ, buồn cười nhỉ, bác sĩ được mở phòng khám tư, thợ may biên chế trong 1 nhà máy vẫn có thể mở tiệm tại nhà. Họ là con người, họ có quyền, họ có cơ chế để làm thêm.

Còn giáo viên thì sao, họ có phải là con người không, sao lại cấm cái quyền được làm của họ? Lương ít là bắt họ phải sống nghèo. Nay họ muốn dùng tài của mình để mưu sinh thì cấm.

Tại sao không cho họ 1 cơ chế thỏa đáng để vượt nghèo, sống đường đường chính chính bằng tiền do trí tuệ mình làm ra.

Rồi hàng loạt các hệ lụy khác mà chúng ta, ngay thời điểm này, chưa thể nhìn thấu hết. Nhưng rõ ràng, thay vì cấm 100%, cần có một cơ chế minh bạch, rõ ràng về dạy thêm học thêm thì thỏa đáng hơn.

Theo tôi, khi chính sách giáo dục công còn đang lồi lõm, chắp vá; khi giáo viên đang phải chết mòn, sống èo uột với đồng lương biên chế thì bắt buộc phải có cơ chế tài chính tương xứng với tâm sức trí mà người Thầy bỏ ra - khi đó, hãy cấm gì thì cấm.

Bài viết thể hiện quan điểm, ngôn ngữ riêng của tác giả

Theo ThS Lê Thị Lan Anh

Cùng chuyên mục
XEM