Cái kết bi thảm cho một huyền thoại: Boeing muốn giảm hoặc ngừng sản xuất 737 Max

16/12/2019 15:42 PM | Xã hội

Là bản nâng cấp của dòng máy bay huyền thoại 737, Boeing gần như đã quyết định cắt giảm hoặc ngừng sản xuất những chiếc 737 Max nếu việc cấm bay kéo dài lâu hơn dự kiến.

Trong ngày 16/12, Boeing sẽ công bố quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng, thậm chí là đình chỉ sản xuất những chiếc Boeing 737 Max trong bối cảnh không chắc chắn về thời điểm loại phi cơ này được cấp phép bay trở lại. Trước đó, Boeing đã nhiều lần cảnh báo với các nhà đầu tư về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng Boeing 737 Max hoặc tạm thời đóng cửa dây chuyền sản xuất nếu lệnh cấm bay kéo dài hơn dự kiện.

Theo CEO Dennis Muilenburg, việc đình chỉ sản xuất có thể sẽ mang lại những hiệu quả lớn hơn cho Boeing so với việc tiếp tục cắt giảm sản lượng một lần nữa. Hiện tại, Hội đồng quản trị của Boeing đang họp theo kế hoạch tại Chicago để đưa ra quyết định cuối cùng. Trước đó, họ cắt giảm 20% sản lượng Boeing 737 Max vào tháng 4 sau 2 sự cố làm hơn 300 người thiệt mạng.

Trước khi bê bối xảy ra, Boeing 737 Max là dòng máy bay bán chạy nhất trong vòng 5 tháng. Nó là phiên bản cải tiến của dòng Boeing 737 huyền thoại, loại máy bay chở khách bán chạy nhất trong lịch sử hàng không hiện đại. Thiết kế thân hẹp, phù hợp cho các lộ trình ngắn và trung bình giúp những chiếc Boeing 737 rất được các hãng hàng không ưa chuộng.

Tuy nhiên, kết cục buồn với dòng máy bay này, đặc biệt là phiên bản Boeing 737 Max, tới sau khi chính Boeing thừa nhận rằng các nhà quản lý khó có thể cấp phép cho những chiếc Boeing 737 Max cất cánh trở lại vào cuối năm nay. Hiện tại, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều không được phép sử dụng dòng máy bay này.

Tuy nhiên, quyết định cắt giảm sản lượng hay thậm chí là đình chỉ sản xuất sẽ tiếp tục tạo gánh nặng lên Boeing, nhất là khi công ty này đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện liên quan. 5 tỷ USD doanh thu trong quý 2 đã được Boeing sử dụng để bồi thường cho các hãng hàng không sử dụng Boeing 737 Max nhưng đang bị cấm bay.

Lỗi phần mềm, được xác định là việc hệ thống tự động của phi cơ vô hiệu hóa tín hiệu điều khiển trực tiếp từ phi công và không thể tắt, là nguyên nhân gây ra 2 vụ tai nạn thảm khốc trong vòng vài tháng của Boeing. Sau vụ tai nạn đầu tiên tại Indonesia, Boeing không hành động đủ mạnh, dẫn tới một thảm kịch thứ 2 vài tháng sau đó. Gần 400 người đã chết.

Hiện tại, các vụ kiện dân sự nhằm vào Boeing vẫn đang được gia đình các nạn nhân tiến hành nhằm truy trách nhiệm của hãng máy bay Mỹ. Nếu thua, Boeing chắc chắn sẽ phải gánh chịu những khoản bồi thường khổng lồ.

Cổ phiếu Boeing có lúc giảm tới 20% kể từ sau vụ tai nạn hồi tháng 3 nhưng lại tăng lên 6% trong thời gian gần đây.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM