Cái giá đắt đỏ của các nhà hàng Michelin đáng hay không?

31/07/2019 09:15 AM | Sống

Phản ứng đầu tiên của hầu hết mọi người khi nhìn vào những món ăn phục vụ trong nhà hàng Michelin luôn là: Tại sao đám nhà giàu lại bỏ từng ấy tiền cho một mẩu đồ ăn thế kia? Trước khi chỉ trích những người chịu bỏ tiền đầu tư cho một bữa ăn đắt đỏ đến thế, hãy học một khoá học kinh tế nhà hàng cấp tốc sau đây.

Nguồn gốc của huy hiệu Michelin bắt nguồn từ những năm 1900, khi mà ngành công nghiệp xe hơi vẫn còn ở thời sơ khai, rất ít người có khả năng sở hữu một chiếc xe riêng. Hai anh em nhà Michelin đã xuất bản một cuốn cẩm nang du lịch cho vào năm 1920 nhằm giới thiệu cho giới tinh hoa - những người hiếm hoi có khả năng chi trả cho chiếc xe hơi - những điểm vui chơi thú vị, những khách sạn, nhà hàng, trạm dừng nghỉ ven đường và tất nhiên là có đồ ăn ngon.

Từ đó, Michelin Guide trở nên nổi tiếng đối với những người đam mê du lịch hạng sang. Hơn thế nữa, đây chính là bảng xếp hạng tối cao trong lĩnh vực dịch vụ mà bất cứ nhà hàng, khách sạn nào cũng muốn đạt đến.

Ngày nay, để đạt tiêu chuẩn Michelin, một nhà hàng phải thật sự nổi bật so với các đơn vị kinh doanh cùng loại trong khu vực. Đạt hai sao đồng nghĩa với chất lượng hàng đầu. Và để đạt ba sao danh giá, nhà hàng nhất thiết phải tạo được phong cách ẩm thực riêng biệt.

Và dĩ nhiên, nếu muốn thưởng thức món ăn ở những nhà hàng đạt tiêu chuẩn Michelin, thực khách phải sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền kha khá, tầm 200-600 USD cho một người. Không dừng lại ở đó, phải đặt chỗ trước hàng năm trời và nếu thực khách có việc đột xuất không thể tới theo kế hoạch, khoản phí đặt chỗ cũng sẽ không hề được hoàn trả.

Và dù rằng những người từng bước vào nhà hàng Michelin đều công nhận, mỗi trải nghiệm mà họ nhận được đều đáng giá tới từng xu, hình ảnh một mẩu thức ăn đặt trên một chiếc đĩa lớn vẫn bị số đông coi là biểu tượng cho lối sống chỉ “bọn thừa tiền” mới dám chi trả.

Cái giá đắt đỏ của các nhà hàng Michelin đáng hay không? - Ảnh 1.

Trước khi chỉ trích những người chịu bỏ tiền đầu tư cho một bữa ăn đắt đỏ đến thế, hãy học một khoá học kinh tế nhà hàng cấp tốc sau đây:

Nguyên liệu xa xỉ

Bạn có bao giờ để ý rằng những nhà hàng thông thường rất hiếm khi phục vụ trứng cá tầm muối Caviar, tôm hùm Langoustine, gan ngỗng, thịt bò Kobe, thịt lưng nai hay dẻ sườn cừu? Đây đều là những thực phẩm có giá thành cao và bạn sẽ khó thấy chúng ở một quán ăn như KFC hay McDonald's. Bởi vậy, một trong những điểm thu hút của các nhà hàng tầm cỡ Michelin chính là các nguyên liệu xa xỉ. 

Cùng với đó, rất nhiều sản phẩm còn được nhà hàng chọn hoàn toàn bằng tay. Thịt gà sẽ đến từ một trang trại nhỏ, nơi mà có thể kiểm tra chất lượng dễ dàng nhất. Bếp trưởng Michelin thậm chí còn có một anh chàng nuôi lợn cho riêng mình và nuôi thêm một người phụ giúp dành nửa tiếng ở trang trại để chọn ra những quả cà chua tươi ngon nhất. Mọi thứ đều được đảm bảo chất lượng cao nhất và đi kèm với đó là một đống tiền đầu tư cho khâu kiểm duyệt trước khi xuất chuồng.

Độ kì công và đầu tư thời gian

Những nhà hàng này không phải là kiểu quán nhậu nhận tới hàng nghìn lượt khách một ngày. Một bữa ăn ở đẳng cấp Michelin có thể kéo dài tới 3 tiếng, nghĩa là một buổi tối họ sẽ chỉ tiếp đón TỐI ĐA 2 lượt, trong trường hợp có ai đó hứng thú ngồi ăn từ 5 giờ chiều. Mọi người thường sẽ muốn bắt đầu dùng bữa vào khoảng 7 giờ tối. 

Đồng nghĩa với việc một nhà hàng 100 chỗ sẽ chỉ tiếp nhiều nhất là 150 người, trong khi đó một quán nhậu với cùng sức chứa sẽ có khoảng 400-500 thực khách ghé qua mỗi tối. Đó là chi phí vận hành quá tốn kém cho một không gian ăn uống, nơi mà bạn không thể kéo bàn gần lại với nhau bởi vì khách của bạn đang trả tiền cho sự thanh lịch và yên tĩnh.

Cái giá đắt đỏ của các nhà hàng Michelin đáng hay không? - Ảnh 2.

Thưởng thức chuẩn mực

Nghĩ về những gì có trên tường một nhà hàng bình dân: áp phích bia, đèn neon, vài đồ trang trí... Bạn sẽ nhận ra một nhà hàng sao Michelin đặc biệt hơn với những vật liệu lát tường phải đánh bóng bằng tay cùng những bộ sưu tập nghệ thuật được chọn lựa kỹ càng. Các phòng ăn sẽ được dựng với màu sắc nhẹ nhàng để mang lại cảm giác tươi sáng, trái ngược với bóng tối bạn thấy ở những quán bar. 

Điều này cũng có nghĩa số lượng nhân viên vệ sinh sẽ nhiều hơn những nhà hàng ăn uống bình thường. Ngoài ra, hoa còn được bày xung quanh phòng ăn và ngay cả trên bàn. Tưởng tượng mà xem, một người trồng hoa chuyên nghiệp xuất hiện với một thùng hoa tươi lớn có giá cả lên đến cả trăm đô chỉ để trang trí cho một bữa tối!

Nhân công, đặc biệt là trong bếp

Những nhà hàng có sao Michelin cần nhiều người phục vụ hơn và tham gia khâu chuẩn bị hơn. Hãy nhớ rằng chúng ta đã thiết lập một nhà hàng cao cấp phục vụ ít khách nhưng nhiều nhân lực phải làm việc để phục vụ số khách ít ỏi đó. Để trả lương cho họ, nhà hàng cũng tốn không ít tiền. Nếu là một nhà hàng ba sao, số nhân viên có thể nhiều hơn số khách trong một tối vắng vẻ. 

Ở những nhà hàng cao cấp thì luôn là vậy. Những nhà hàng đẳng cấp Michelin này có thể không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu xa xỉ, nhưng cũng chẳng tiết kiệm gì hơn do công sức nấu nướng. Rất hiếm khi có một món nào đó chỉ cần ướp qua, nấu chín và đặt lên đĩa. Tại những nơi này, nguyên liệu sẽ được thăng hoa, làm thành dạng gel, mousse, kẹo, bọt, sốt mịn hoặc nhũ tương. 

Một món có thể chỉ toàn là cà rốt, nước ép cam và bơ mà vẫn cần 2 người làm trong 3 tiếng, nên bạn sẽ phải trả tiền giống như khi ăn ức vịt. Và dù không thể phủ nhận là món đó ngon tuyệt, bạn sẽ thấy bất ngờ nếu đi vào trong bếp, 20 người nấu bếp đã đứng đó từ 9 giờ sáng, mặc dù nhà hàng không mở cửa trước 6 giờ.

Bùi Thảo

Cùng chuyên mục
XEM