Cách tập đoàn logistics Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’ vào Việt Nam: Đổ 30 triệu Euro xây kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce

02/05/2022 10:30 AM | Kinh doanh

Sau 5 năm âm thầm phát triển, FM Logistic có 1 cơ sở hạ tầng đáng kể tại Việt Nam: 2 trung tâm phân phối hạng A với giá trị đầu tư gần 30 triệu Euro và sắp khai trương thêm 1 trung tâm khác. FM Logistic Việt Nam không làm giao vận xuyên biên giới, mà chỉ tập trung vào thị trường nội địa, phục vụ cả những đơn hàng nhỏ nhất cho hệ thống bách hóa truyền thống và cửa hàng tiện lợi.

Tập đoàn FM Logistic là một công ty gia đình được thành lập vào năm 1967 tại Pháp, bắt đầu từ lĩnh vực kinh doanh gỗ rồi đến quản lý kho và dần lấn sân sang mảng logistics như bây giờ. Hiện FM Logistic hoạt động trên 14 quốc gia với 27.000 nhân sự và có 1,34 tỷ Euro doanh thu trong năm 2021.

Chiến lược mới của tập đoàn này có tên là "Powering 2030" (Tăng cường sức mạnh 2030), được thiết kế nhằm giải quyết những thay đổi nhanh chóng trong ngành bán lẻ & FMCG, cũng như trong quản lý chuỗi cung ứng khi người tiêu dùng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn.

FM Logistic đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu lên 3 tỷ Euro vào năm 2030 bằng cách tập trung vào các dịch vụ chuỗi cung ứng đa kênh, hậu cần đô thị, tự động hóa và tính bền vững.

Tại khu vực châu Á, Việt Nam đang là thị trường được FM Logistic đầu tư trọng điểm – ngoài Ấn Độ. Khác với các doanh nghiệp logistics khác, FM Logistic không làm vận chuyển xuyên biên giới mà thường tập trung vào chuỗi cung ứng quốc nội ở mỗi thị trường mà mình đến.

VẬY TẠI SAO FM LOGISTIC LẠI XEM TRỌNG THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM NHƯ THẾ?

Theo Báo Cáo từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam E-commerce White book) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA) phát hành, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18% vào năm 2020 với quy mô đạt 11,8 tỷ USD.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) dự kiến là 56 tỷ USD vào năm 2026.

B2B Ecommerce, mô hình kinh doanh thương mại điện tử nhằm phân phối các mặt hàng tiêu dùng nhanh qua những ứng dụng mua sắm đang là xu hướng mới ở Nam Á và Đông Nam Á, tiêu biểu là Amazon, Flipkart, TataCliq ở Ấn Độ; Tokopedia ở Indonesia; Vinshop, Gro 24/7 và Telio ở Việt Nam.

Cách tập đoàn logistics đến từ Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’: Đổ khoảng 30 triệu Euro vào xây dựng kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce - Ảnh 1.

Trung tâm phân phối đô thị loại A tại VSIP Bắc Ninh của FM Logistic.

Cách tập đoàn logistics đến từ Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’: Đổ khoảng 30 triệu Euro vào xây dựng kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce - Ảnh 2.

Có rất nhiều cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp này phát triển, một phần do tốc độ thâm nhập thị trường thương mại hiện đại rất thấp ở hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á và Nam Á. Cùng với đó, mức độ số hóa của các mạng phân phối truyền thống hiện tương đối thấp (các cửa hàng bán lẻ nhỏ ở Việt Nam, Kiranas ở Ấn Độ, v.v.).

Mặc dù thị trường e-B2B vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam (dưới 150 triệu USD vào năm 2020), tuy nhiên, các giải pháp hậu cần kỹ thuật số và đô thị được triển khai bởi những doanh nghiệp e-B2B đã mang lại một bước ngoặt đáng kể trong quá trình chuyển đổi lâu dài mạng lưới phân phối đô thị.

Điều này đặc biệt đúng đối với Việt Nam, quốc gia có tỷ trọng kênh bán lẻ không tổ chức cao nhất trong các nước ASEAN, ở mức 88% (trong danh mục FMCG) với doanh số bán hàng trực tuyến hiện chiếm chưa đến 1% doanh số FMCG của cả nước.

Không như các nước phương Tây, hệ thống các cửa hàng bách hóa truyền thống đã bị triệt tiêu sau sự xuất hiện của mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Tại Việt Nam, với sự ra đời của các startup như VinShop (One Mount) và Bách Hóa Việt (K Group) hay sự ‘tiếp tay’ của các doanh nghiệp sản xuất – phân phối lớn như Unilever cùng DKSH, đã khiến cả hai hình thức cửa hàng bách hóa truyền thống cùng hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển song song.

Thực trạng này khiến quá trình phân phối B2B Ecommerce tại Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, thay vì xem đây là thách thức thì FM Logistic nghĩ đây là cơ hội. Hơn nữa, 'nhập gia phải tùy tục'! Cùng với đối tác lớn là Smart Logs – phụ trách phần cứng, FM Logistic có thể giúp những VinShop – Gro 24/7 của Unilever quản lý và vận chuyển hàng hóa đến những shop nhỏ nhất – xa nhất ở 2 đô thị Hà Nội – TP.HCM.

Cách tập đoàn logistics đến từ Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’: Đổ khoảng 30 triệu Euro vào xây dựng kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce - Ảnh 3.

Tất nhiên, để có thể thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ nói trên, FM Logistic buộc phải đầu tư lớn tại Việt Nam. FM Logistic Việt Nam hiện có diện tích hơn 60.000m2, cùng đội ngũ 350 nhân viên hoạt động trên 7 trung tâm kho bãi.

Với mạng lưới đối tác vận tải địa phương rộng khắp cả nước và các hoạt động được kỹ thuật số hóa toàn diện (các giải pháp về WMS, TMS, OMS, BI); FM Logistic Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ hậu cần thứ ba (3PL) hàng đầu tại Việt Nam vào 2030.

Hiện tại, FM Logistic Việt Nam có 3 địa điểm kho gồm Trung tâm phân phối đô thị loại A tại VSIP Bắc Ninh; Trung tâm phân phối đô thị tại Dĩ An - Bình Dương và Trung tâm phân phối đa khách hàng (MCF) tại VSIP 2 Bình Dương sẽ được khai trương vào tháng 12/2022.

Giá trị đầu tư cho 2 kho ở VSIP Bắc Ninh cùng Dĩ An - Bình Dương vào khoảng 30 triệu Euro; đó là chưa kể tới đầu tư về nhân sự - công nghệ - hệ thống vận hành. Ông Stephane Descarpentries - Thành viên Ban quản trị phụ trách kinh doanh khu vực châu Á tiết lộ: thị trường Việt Nam đang chiếm khoảng 15% đến 20% tổng đầu tư trung bình mỗi năm của toàn Tập đoàn FM Logistic.

NHỮNG THÁCH THỨC MÀ FM LOGISTIC PHẢI ĐỐI MẶT TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Cách tập đoàn logistics đến từ Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’: Đổ khoảng 30 triệu Euro vào xây dựng kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce - Ảnh 4.

Ông Hamza Harti - Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam

"Sự tăng trưởng vượt bật của ngành FMCG tại Việt Nam đòi khỏi các nhà cung cấp logistic phải phát triển cùng tốc độ. Việc hệ thống tạp hóa truyền thống phát triển song song cùng chuỗi cửa hàng tiện lợi, khiến các kênh phân phối ngày càng nhiều hơn và số lượng order ngày càng nhỏ hơn. Hậu quả là chuỗi cung ứng cùng hệ thống vận hành ngày càng phức tạp hơn.

Vậy nên, một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phải làm sao để dự đoán và có thể mở rộng khả năng cung ứng trước 2 đến 3 năm cho khách hàng. Việc chúng tôi luôn xây kho lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu hiện tại và dù cả 2 kho ở Bắc Ninh – Dĩ An mới chỉ sử dụng 50% công suất, song vẫn có kế hoạch xây thêm kho mới; chính là để chuẩn bị cho câu chuyện này", ông Hamza Harti - Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam, cho biết thêm.

Bên cạnh đó, với nhiều hạn chế về khung giờ quy định giao hàng trong khu vực nội ô, giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng; khiến các thương hiệu, nhà sản xuất và nhà phân phối tại Việt Nam nói riêng và Đông nam Á nói chung đang chịu áp lực trong việc tìm ra những cách thức đổi mới nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, FM Logistic đã chọn lọc một số ý tưởng hiệu quả từ kinh nghiệm ở các đô thị khác. Ví dụ: ở Pháp, với chi phí giao hàng tận nhà hiện đã rất cao (phù hợp với sự thâm nhập của thương mại điện tử), các công ty như FM Logistic đã bắt đầu phát triển các tủ khóa di động nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lấy hàng tại một địa điểm cố định.

Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, những giải pháp này khó có thể trở thành xu hướng phổ biến tại các đô thị lớn bởi trong cuộc đua mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng siêu tốc hiện đang được ưa chuộng hơn (so với hình thức giao hàng tận nhà hoặc giao hàng trong vòng 24/48 giờ).

Cách tập đoàn logistics đến từ Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’: Đổ khoảng 30 triệu Euro vào xây dựng kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce - Ảnh 5.
Cách tập đoàn logistics đến từ Pháp – FM Logistic ‘nhập gia tùy tục’: Đổ khoảng 30 triệu Euro vào xây dựng kho vận lớn chỉ phục vụ B2B Ecommerce - Ảnh 6.

"Cách nhìn của chúng tôi trong sự phát triển các mạng lưới giao hàng chặng cuối ở Việt Nam gần giống với những gì FM Logistic thực hiện ở Tây Ban Nha, Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới phân phối đô thị rộng khắp trung tâm thành phố, đôi khi được xây dựng từ các khu vực không có nhiều đơn hàng – ví dụ như Dĩ An – Bình Dương.

Tại Việt Nam, chúng tôi có tham vọng hợp nhất các chuỗi cung ứng phân phối FMCG trong thành thị với mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí tổng thể và giảm thiểu tác động đến môi trường", ông Hamza Harti- Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam bày tỏ.

Đóng vai trò là một đơn vị trung lập trong Chuỗi cung ứng FMCG, FM Logistic có thể tận dụng các giải pháp "Tổng Hợp Đơn Hàng Chung (Pooling)", được triển khai lần đầu tiên tại châu Âu vào đầu những năm 2000, nơi nó đã được áp dụng cho các ngành FMCG và Mỹ phẩm để tương hỗ các nguồn lực giao hàng trong đô thị (xe tải, trung tâm lưu trữ, nhân lực và đôi khi là quản lý đơn đặt hàng) nhằm tăng tỷ lệ công suất sử dụng lên đến 100% cho tất cả các nguồn lực liên quan.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM