Cách nuôi dạy một đứa trẻ trở thành doanh nhân

07/04/2017 07:44 AM | Sống

Bạn không cần phải là doanh nhân, con cái bạn vẫn có thể xây dựng tư duy doanh nhân ngay từ khi còn rất nhỏ.

Dưới đây là chia sẻ của anh Chris Myers, CEO, người sáng lập công ty BodeTree, chuyên cung cấp các giải pháp kinh doanh cho những doanh nghiệp nhỏ.

Là CEO của một công ty công nghệ đang phát triển, tôi gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm: trách nhiệm với nhân viên, với khách hàng, với nhà đầu tư. Tôi phải làm việc chăm chỉ mỗi ngày để đảm bảo lợi ích của họ.

Tuy nhiên, những trách nhiệm này đều nhạt nhòa nếu so với nghĩa vụ thiêng liêng hơn: làm cha. Và mục tiêu quan trọng nhất của tôi là làm sao để nuôi dạy con trai mình trở thành một người đàn ông trung thực, dũng cảm, đáng tin cậy. Bạn biết đấy, trong thế giới hiện nay, việc này có vẻ nói thì dễ làm thì khó.

Thời thế đã khác

Thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ sau những năm 1980 và đầu 1990. Con người dễ dàng kết nối với nhau hơn nhưng cũng tranh cãi nhiều hơn và ngày càng trở nên khó hiểu hơn.

Trong quá khứ, bạn chỉ cần học hành chăm chỉ ở trường, sau đó học tiếp lên đại học, tìm kiếm một công việc tốt và gắn bó lâu dài với công ty, vậy là bạn đã có một cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ không còn đơn giản như thế nữa.

Cha mẹ nên từ bỏ lối suy nghĩ rằng chỉ cần mình dạy con cẩn thận, bọn trẻ sẽ lớn lên yên ổn mà không gặp quá nhiều rắc rối. Trong môi trường đầy cạnh tranh và hỗn loạn hiện nay, để thành công, đứa trẻ cần có một tinh thần gan góc, sự thông minh và ý chí kinh doanh mạnh mẽ.

Nếu chúng ta biết cách giúp con trẻ trau dồi những phẩm chất này ngay từ khi còn nhỏ, chúng sẽ có lợi thế hơn các bạn đồng trang lứa trong quá trình trưởng thành sau này. Dưới đây, tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên giúp cha mẹ khơi dậy tư duy doanh nhân ở con cái.

Trở thành tấm gương để con cái học tập

Trẻ con luôn học theo những gì mà người lớn thể hiện, và đó là lý do tại sao cha mẹ nên thể hiện tinh thần doanh nhân ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Tôi là một doanh nhân và tôi nhận thấy cậu con trai sáu tuổi luôn bắt chước những việc tôi đã làm. Thằng bé tự lập “kế hoạch kinh doanh” để giải quyết vấn đề của mình, biết cách đàm phán và trao đổi đồ chơi, đồ ăn, hoặc một thứ gì đó với các bạn khác để giành lấy những thứ mình muốn.

Một số bạn sẽ thắc mắc: Vì tôi là doanh nhân, nên con trai tôi mới có thể phát triển tư duy như của doanh nhân. Không phải vậy đâu. Bạn không cần là một nhà sáng lập công ty hay chủ sở hữu doanh nghiệp, bạn vẫn có thể trở thành tấm gương cho con cái học tập.

Tinh thần doanh nhân nằm ở thái độ, chứ không phải nghề nghiệp. Cha mẹ muốn con cái phát huy tinh thần này, hãy luôn thể hiện cho trẻ thấy mình là những người chủ động, luôn tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và giữ tư duy lạc quan khi đối diện với thất bại.

Giới thiệu cặp đôi khái niệm: rủi ro và phần thưởng

Tôi luôn tin rằng để hiểu được giá trị của một công việc, trước tiên bạn phải có hiểu biết cơ bản về hai khái niệm: rủi ro và phần thưởng. Rủi ro luôn đi kèm với phần thưởng. Rủi ro càng cao, phần thưởng càng xứng đáng.

Các bậc cha mẹ ngày nay thường có tâm lý phải bảo về con mình tránh xa rủi ro nhưng vẫn cho chúng phần thưởng. Điều này dẫn đến thái độ chỉ thích hưởng quyền lợi và thiếu trách nhiệm mà tôi đã nhìn thấy ở một số đứa trẻ.

Theo tôi, cha mẹ nên kiềm chế “nhu cầu muốn bảo vệ” đối với con cái và giúp chúng có cái nhìn rõ ràng về hiện thực cuộc sống. Ở nhà, tôi và vợ tôi luôn cố gắng để con trai hiểu có một mối liên hệ giữa rủi ro và phần thưởng.

Vì con trai còn nhỏ nên chúng tôi dùng khái niệm “sáng kiến” thay vì rủi ro. Chúng tôi khuyến khích thằng bé suy nghĩ sáng tạo và hành động tích cực để đạt được những gì mình muốn. Dĩ nhiên không phải lúc nào thằng bé cũng thành công nhưng ít nhất nó đã học được rủi ro có thể đem lại thành tựu.

Luôn xem xét các ý tưởng của con một cách nghiêm túc

Một lần, con trai tôi nhìn thấy một người đàn ông vô gia cư và hỏi chúng tôi lý do tại sao người này chỉ đứng yên tại góc phố. Sau khi được giải thích, thằng bé đã đưa ra ý tưởng về một doanh nghiệp chuyên giúp đỡ những người vô gia cư. Công ty sẽ quyên góp tiền từ cộng đồng, sau đó cấp cho mỗi người vô gia cư “100 quả chuối, một cái giường có thể di chuyển, và 1 triệu USD”.

Ý tưởng này rất đáng yêu, nhưng lại phi thực tế. Tôi và vợ tôi đã cố gắng không cười và thay vào đó, khuyến khích thằng bé thử tìm cách để thực hiện ý tưởng xem thế nào. Dĩ nhiên cuối cùng con trai tôi cũng nhận ra việc tặng chuối có thể khả thi nhưng 1 triệu USD thì không.

Qua câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói rằng: Nếu bạn đã xác định sẽ giúp con mình hình thành tư duy doanh nhân ngay từ khi còn nhỏ, sớm hay muộn bọn trẻ cũng sẽ nghĩ ra những ý tưởng hay kế hoạch độc đáo, thậm chí có phần kỳ quặc.

Dù thế nào, cũng đừng làm bọn trẻ xấu hổ hoặc nản lòng. Hãy lắng nghe các ý kiến của con một cách nghiêm túc. Vạch ra định hướng và để con tự quyết định nên làm gì với kế hoạch của mình.

Đức Thọ

Cùng chuyên mục
XEM