Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Myanmar: Cú nhảy vọt của ngành viễn thông

08/09/2018 11:14 AM | Xã hội

Từ một quốc gia lạc hậu, đang tập trung phát triển để thích ứng và bắt kịp với các quốc gia khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, việc mở cửa ngành viễn thông đem lại một cú nhảy vọt cho Myanmar trong áp dụng những ứng dụng của cuộc cách mạng 4.0 cho đời sống người dân.

Kết quả ngạc nhiên sau mở cửa ngành độc quyền

Chỉ trong 3 năm, sự bùng nổ của ngành viễn thông đã thay đổi nền tảng hạ tầng và công nghệ của quốc gia này một cách chóng mặt. Năm 2014, ngành viễn thông được Myanmar mở cửa để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng ngàn trạm thu phát sóng di động đã mọc lên trên khắp đất nước và hơn 30.000 km cáp sợi đã được kết nối. Mật độ thâm nhập của viễn thông đã tăng từ 10% lên đến hơn 70%, tốc độ Internet tăng vọt và việc sử dụng dữ liệu đã tăng gấp 1.500 lần.

Giai đoạn đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn thứ hai – giai đoạn đang diễn ra, là cuộc đua về sáng tạo nội dung và dịch vụ trực tuyến để cung cấp cho người tiêu dùng mọi thứ: từ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, nhạc pop Myanmar, đến hỗ trợ y tế và giáo dục.

Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Myanmar: Cú nhảy vọt của ngành viễn thông - Ảnh 1.

"Bạn sẽ thấy tất cả các bác sĩ và y tá tư vấn bằng các video phát sóng trực tiếp" - Wai Lin Tun - giám đốc điều hành của nhà cung cấp Internet Frontiir phát biểu tại một hội nghị công nghiệp ở Naypyitaw - "Myanmar Connect". "Không phải là 10 hay 20 năm nữa, bạn sẽ thấy điều xảy ra trong chỉ từ hai đến năm năm tới" , ông nói thêm.

Trung tâm công nghệ và đổi mới hàng đầu của Myanmar – Phandeeyar – đang khởi động cho sự phát triển tiếp theo. "Các ứng dụng mới bao gồm một ứng dụng cho học sinh học trực tuyến, và một ứng dụng cho phép bệnh viện và phòng khám truy cập hồ sơ y tế kỹ thuật số", Giám đốc điều hành Phandeeyar - Jes Kaliebe Petersen cho biết.

Là ngành trọng yếu trong lĩnh vực công nghiệp của Myanmar, nhưng viễn thông ở đây lại tập trung vào giải trí nhiều hơn là giáo dục. Tháng 3 năm 2017, nhà cung cấp video theo yêu cầu – Iflix, đã gia nhập thị trường và cạnh tranh với Netflix. Kênh truyền hình cáp Pháp Canal+ công bố đầu năm nay rằng họ đã hợp tác với công ty truyền thông địa phương Forever Group để gia nhập thị trường Myanmar. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa như Pyone Play và Mahar đã tung ra các dịch vụ phát sóng trực tuyến dành cho các chương trình địa phương.

Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Myanmar: Cú nhảy vọt của ngành viễn thông - Ảnh 2.

Đám đông quay một màn trình diễn trong lễ hội trên điện thoại thông minh của họ ở Yangon.

Ye Myat Min - người sáng lập công ty công nghệ cao Nexlabs ở Yangon cho biết: "Bạn đang thấy các công ty nước ngoài mua bản quyền đối với các bộ phim và chương trình truyền hình của Myanmar để phát sóng trên các kênh truyền hình trực tuyến". "Các nhạc sĩ đang tìm kiếm những thị trường mới để phát triển âm nhạc của họ".

Sự phát triển của ngành viễn thông đang thúc đẩy một làn sóng quan hệ đối tác giữa các công ty cung cấp dịch vụ Internet (bao gồm ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Ooredoo Myanmar, Telenor Myanmar, MPT) - và các công ty cung cấp nội dung. Iflix đã tuyên bố hợp tác với Ooredoo vào tháng 6 năm 2017.

Nhà khai thác thứ tư - Mytel, công ty hợp tác giữa Viettel của Việt Nam và các công ty Myanmar - đã gia nhập thị trường Myanmar vào tháng 6 năm nay. Mytel đặt mục tiêu trở thành nhà mạng lớn tại Myanmar nhất cả về hạ tầng và kinh doanh. Đây là mạng di động đầu tiên và duy nhất ở Myanmar được đầu tư xây dựng hạ tầng 4G phạm vi toàn quốc ngay khi khai trương.

Là công ty duy nhất có kênh hỗ trợ khách hàng qua video call, giải đáp thắc mắc bằng tiếng dân tộc Shan (ngôn ngữ bản địa của người Shan tại Myanmar với khoảng 6 triệu dân, các mạng khác chỉ có tiếng Myanmar và tiếng Anh), Mytel đầu tư hơn 7.000 trạm thu phát sóng 4G và hơn 30.000 km cáp quang, phủ khắp đất nước Myanmar. Bên cạnh một hạ tầng băng rộng di động rộng khắp, Mytel cung cấp thêm nhiều giải pháp góp phần xây dựng xã hội thông minh như: giải pháp nông nghiệp thông minh (Nextfarm), hệ thống quản lý tín hiệu đèn giao thông (Smart Light), ví điện tử, thiết bị giám sát hành trình.

Công ty truyền thông xã hội Myanmar MySQUAR thông báo vào ngày 19 tháng 10 đã ký một bản hợp đồng với các công ty địa phương khác để cung cấp wi-fi miễn phí trên mạng lưới đường sắt quốc gia. MySQUAR cho biết, một phần của luồng doanh thu ​​sẽ đến từ khoản thanh toán của người dùng cho nội dung phát trực tuyến.

Cuộc chiến băng rộng

Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Myanmar: Cú nhảy vọt của ngành viễn thông - Ảnh 3.

Song song với việc sáng tạo và tìm kiếm nội dung là nỗ lực để thay đổi cách mọi người ở Myanmar sử dụng Internet. Bởi cải cách viễn thông đã đến quá muộn với đất nước này, kinh nghiệm Internet của người dân chủ yếu là trên các thiết bị di động. Ba năm sau, việc sử dụng Internet ở Myanmar vẫn chủ yếu là bằng smartphone – chiếm 80% người dùng điện thoại di động - và chủ yếu sử dụng hai dịch vụ: Facebook và YouTube.

Một cuộc khảo sát năm 2016 từ think tank LIRNEasia cho kết quả rằng: chưa tới 1% dân số Myanmar có truy cập Internet thông qua nguồn mà không phải điện thoại di động. Những gì các nhà cung cấp dịch vụ Internet đang hy vọng là một sự bùng nổ trong lĩnh vực băng thông rộng tại nhà.

Dịch vụ Internet ở Myanmar đang được cung cấp theo hai cách, tương ứng với 2 loại nhà cung cấp khác nhau. Những nhà cung cấp như Frontiir cung cấp dịch vụ mạng không dây, và những nhà cung cấp khác thông qua hệ thống mạng dây. Mặc dù có một loạt các nhà cung cấp Internet mới, nhưng Broadband tại nhà vẫn chỉ có sẵn ở một số khu vực của các thành phố lớn và vẫn không thể đáp ứng được hết nhu cầu của cư dân.

"Giá cả đang ngày càng phải chăng hơn, giá đã giảm 50% đến 75% trong năm 2016", Min đến từ Nexlab cho biết. Giá ​​dịch vụ viễn thông được kỳ vọng rằng sẽ giảm thêm 50% trong thời gian ngắn. "Telenor đang trong quá trình thí điểm một dự án để cung cấp broadband tại một số thị trấn ở Yangon. Chúng tôi đang cân nhắc có đầu tư lớn vào lĩnh vực này hay không", Giám đốc điều hành Telenor Myanmar - Lars Erik Tellman - nói với các đại biểu của Myanmar Connect . Trang web của Telenor công bố, giá của họ thấp hơn từ 5 đến 10 lần so với các đối thủ cạnh tranh.

MPT gia nhập thị trường băng rộng vào tháng 8 năm 2017, cho ra mắt gói broadband gia đình với mức giá tương đồng với giá của Telenor. Hãng này mở rộng trên khắp Yangon và Mandalay vào đầu năm 2018 và có kế hoạch triển khai dịch vụ đến các thành phố lớn khác trong suốt năm 2018, Benino cho biết. Ông hy vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng truy cập băng thông rộng trong năm tới.

Ooredoo tụt lại phía sau hai đối thủ cạnh tranh của họ, ngày 21 tháng 10 năm 2017, Ooredoo công bố rằng họ đang hợp tác với nhà cung cấp địa phương Yatanarpon Teleport để cung cấp Broadband trong và xung quanh Mandalay từ tháng 11 năm 2017. Thông báo của MPT đã kích hoạt một làn sóng giảm giá từ các đối thủ cạnh tranh, với tốc độ giảm bằng một nửa hoặc thậm chí là nhanh gấp đôi.

Bùng nổ băng thông

Không phải ai cũng đang đặt cược vào sự bùng nổ của broadband. Tốc độ Internet trên các thiết bị di động ở Myanmar đã tăng gần gấp đôi trong những năm gần đây. Tiện lợi, rẻ và nhanh chóng, smartphone vẫn là lựa chọn ưu tiên cho các CEO và sinh viên.

"Hầu hết những thứ bạn có thể làm được nhờ băng rộng cố định thì điện thoại di động cũng vẫn làm được. Tôi không thấy rằng có nhiều hộ gia đình sử dụng băng rộng cố định như một nhu cầu thiết yếu." Petersen nói.

Dù bằng cách nào thì tốc độ truy cập và chất lượng dịch vụ sẽ đều cải thiện. Cáp điện trên đất liền và biển đang tạo ra nhiều băng thông tiềm năng hơn tại Myanmar. Myo Ohn - Giám đốc điều hành của công ty Singapore Campana, cung cấp dịch vụ kết nối Internet giữa các vùng. Ông cho biết tổng lưu lượng truy cập Internet của Myanmar ước tính là 324 gigabits/giây và cầu vẫn đang vượt xa cung, công ty ông đang hỗ trợ giá bán buôn cho kết nối băng rộng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Myanmar: Cú nhảy vọt của ngành viễn thông - Ảnh 4.

Con số 324 gigabits là gấp đôi so với năm 2016 và Ohn hy vọng nó sẽ tiếp tục tăng gấp đôi hàng năm - đạt 1 terabit/giây vào khoảng năm 2020 hoặc 2021 - khi hệ thống mới hoàn thiện. Đó là kết nối cáp biển, Ohn cho biết, sẽ "đáp ứng nhu cầu truy cập của Myanmar trong 15 đến 20 năm tới". Cáp biển sẽ có tổng công suất 20 terabit/giây - gấp 60 lần nhu cầu hiện tại của Myanmar - và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.

"Điều đó sẽ phát triển một hệ sinh thái dữ liệu hoàn toàn mới - điện toán đám mây, truyền tải nội dung và lưu trữ nội dung - điều đó mang Myanmar đến gần hơn và gần gũi hơn với thế giới hiện đại", ông nói.

Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
XEM