Cách kẻ tội đồ của thế giới vượt qua khủng hoảng: "Dù sao vẫn có mẹ yêu thương tôi"

15/09/2016 15:23 PM | Kinh doanh

Kể từ khi khủng hoảng tài chính, Fuld hầu như không xuất hiện trước công chúng. Ông giữ im lặng mặc cho thế giới gọi ông với những cái tên "đáng sợ". Cho đến tháng 5/2015, ông quyết định "đã đến lúc để tôi ngẩng cao cái đầu xấu xí của mình".

Mùa thu năm 2008, Dick Fuld trở thành người đàn ông bị ghét nhất nước Mỹ.

Là CEO cuối cùng của Lehman Brothers , ông đã làm nên vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Fuld nhanh chóng trở thành ví dụ điển hình cho hậu quả của việc chấp nhận rủi ro một cách thiếu thận trọng.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính, Fuld hầu như không xuất hiện trước công chúng. Ông giữ im lặng mặc cho thế giới gọi ông với những cái tên "đáng sợ". Cho đến tháng 5/2015, ông quyết định "đã đến lúc để tôi ngẩng cao cái đầu xấu xí của mình".

"Suốt 7 năm qua, không ngày nào mà tôi không nghĩ về Lehman Brothers", Fuld chia sẻ tại cuộc họp báo ở Manhattan. Ông nói về những điều mọi người không ưa về mình, nhưng không hề nhắc đến những lời chỉ trích thậm tệ.

"Đối với tôi, chuyện trước đây thì hãy để nó qua đi, cuộc sống của tôi là hiện tại". Fuld chia sẻ. "Dù sao vẫn có mẹ yêu thương tôi. Bà ấy đã 96 tuổi".

Tại Phố Wall, Fuld giống như một thứ tài sản độc hại. Sau khi Lehman Brothers sụp đổ, không có một công ty lớn nào dám thuê ông vào làm việc. Fuld cũng là chủ đề của vô số vụ kiện tụng trong đó có vụ ông và một vài giám đốc khác của Lehman bị một cổ đông kiện phải trả 90 triệu USD năm 2011. Tại toà án xét xử, ông nhận được tràng pháo tay khiêm tốn chủ yếu đến từ các chuyên gia tài chính.

Nỗ lực quay trở lại

Cuộc họp báo năm 2015 là nỗ lực quay trở lại sau 5 năm im lặng kể từ khi Fuld bị điều tra bởi Uỷ ban Điều tra Khủng hoảng Kinh tế. Nhân cơ hội này, ông nói về Matrix Advisors - công ty tư vấn được ông thành lập 1 năm sau khi Lehman Brothes sụp đổ.

Sau khi làm ra và cũng mất đi một khoản tài sản không hề nhỏ trị giá 1 tỷ USD tại phố Wall, Fuld nói ông không nghĩ mình "có lựa chọn nào khác" ngoài việc trở lại với thị trường tài chính.

Trong suốt khủng hoảng tài chính, Lehman và một vài ngân hàng lớn khác ở Mỹ đã mắc kẹt trong tài sản thanh khoản kém. Điều đó có nghĩa rằng, chúng không thể mua hoặc bán ngay tức thời để "chữa cháy" trong khi khủng hoảng xảy ra. Nếu có thể trở lại quá khứ, ông sẽ làm điều gì đó khác đi để cứu Lehman.

Tuy nhiên, ông nhất quyết không nhận lỗi đã đẩy ngã Lehman. Ông khẳng định: Lehman là nạn nhân của những nhóm quyền lực bất chính. Đó không đơn thuần chỉ là một vụ phá sản ngân hàng.

"Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể chưa? Có chứ". Fuld nói.

Giống như nhiều chuyên gia tài chính khác, vị CEO cuối cùng của Lehman tin rằng khủng hoảng năm 2008 được kích hoạt bởi những xung đột quyền lực. Ông tin rằng chính sự nôn nóng muốn người dân được sở hữu nhà đất đã châm ngòi cho bong bóng bất động sản tại Mỹ năm 2008.

Theo Anh Sa

Cùng chuyên mục
XEM