Cách duy nhất để tỷ phú Masayoshi Son cứu mình, lấy lại danh tiếng trong năm mới 2020: Sống thực tế hơn!

24/12/2019 14:25 PM | Kinh doanh

Vận may của SoftBank và Masayoshi Son có thể cải thiện vào năm 2020 với tầm nhìn và những căn cứ thực tế hơn.

Với khoản lỗ gây sốc vượt 6,4 tỷ USD trong quý 3, 2019 trở thành năm không may mắn đối với tập đoàn SoftBank và giám đốc điều hành - Masayoshi Son. Sự việc còn nghiêm trọng hơn khi xuất hiện các rắc rối đến từ một loạt các công ty mà quỹ Tầm nhìn của SoftBank đã đầu tư vào. Những công ty này làm tổn hại nặng nề danh tiếng vàng của Son. Năm 2020 tiếp theo đây sẽ cho chúng ta biết liệu mọi sai lầm có được sửa chữa hay không.

Nửa đầu năm 2019, các thương vụ IPO đáng thất vọng của SoftBank Mobile, dịch vụ gọi xe Uber và dịch vụ nhắn tin Slack không chỉ làm giảm giá trị tài sản ròng của quỹ Tầm nhìn 1 mà còn làm lung lay niềm tin vào khả năng của Son có thể lập lại kỳ tích như khoản đầu tư huyền thoại của mình vào gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Với Alibaba, khoản tiền đầu tư ban đầu 20 triệu USD đã nhân lên nhiều lần và trở thành số cổ phần trị giá hơn 100 tỷ USD.

Nhưng chính sự thất bại của WeWork đã khiến lần đầu tiên có nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu có phải Son đang rơi vào trong những rắc rối không thể thoát ra được hay không? Các tài liệu của WeWork cho thấy họ đã phải chi 1,50 USD trên mỗi 1 USD doanh thu, xua tan giấc mơ định giá 47 tỷ USD mà SoftBank đã mua vào tháng 1.

Cách duy nhất để tỷ phú Masayoshi Son cứu mình, lấy lại danh tiếng trong năm mới 2020: Sống thực tế hơn! - Ảnh 1.

Uber, WeWork, Slack là những cái tên gây thất vọng gần đây của SoftBank

SoftBank đã phải chi thêm 9,5 tỷ USD để WeWork có thể trang trải, tiếp tục duy trì hoạt động, ít nhất là trong nửa đầu năm 2020. WeWork là một minh chứng điển hình cho thấy rằng quyết định đầu tư của Son là sai lầm, vậy còn những khoản đầu tư khác thì sao, bao giờ những "quả bom" đó sẽ nổ?

Công ty chia sẻ không gian văn phòng này đã làm lung lay niềm tin về các khoản đầu tư khác của Son. Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2019, SoftBank tự hào rằng quỹ Tầm nhìn 1 đã đạt được tỷ lệ hoàn vốn đáng kinh ngạc 62%. Khi kiểm tra kỹ hơn, các con số này đều dựa trên các định giá trên giấy và nó giống như các kết quả mà WeWork cho chúng ta thấy, số tiền này sẽ bốc hơi khi thực sự được thử nghiệm trên thị trường.

Theo tiết lộ mới nhất về kế hoạch năm 2020, số tiền mà Son dự định huy động cho quỹ Tầm nhìn 2 lên đến 108 tỷ USD. Nếu Son và SoftBank muốn phục hồi vào năm 2020, họ sẽ cần khôi phục niềm tin bằng cách chấm dứt các mánh lới về kế toán, cải thiện công tác quản trị và giám sát độc lập cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về danh mục đầu tư của họ. SoftBank cần ngừng việc tính toán đối với các khoản lỗ lãi của quỹ Tầm nhìn như một khoản thu nhập. Sẽ rất khó cho các nhà đầu tư để có thể hiểu về bản công bố tài chính của SoftBank. Một điều có ích khác có thể giúp cải thiện tình hình đó là các quỹ đầu tư trực thuộc SoftBank cũng cần phải ngừng vung tiền cho các công ty khởi nghiệp có khả năng rủi ro cao như Wag ứng dụng dắt chó đi dạo hay Zume công ty pizza robot.

Cách duy nhất để tỷ phú Masayoshi Son cứu mình, lấy lại danh tiếng trong năm mới 2020: Sống thực tế hơn! - Ảnh 2.

Các quỹ đầu tư trực thuộc SoftBank ngừng vung tiền cho các công ty khởi nghiệp có khả năng rủi ro cao như Wag

Bỏ qua những vấn đề xấu của năm 2019, trên thực tế, cũng có quan điểm cho rằng có thể SoftBank đang bị đánh giá một cách quá thấp. Giá trị các mảng kinh doanh chính của SoftBank - Alibaba, SoftBank Mobile, công ty viễn thông Sprint và nhà sản xuất chip Arm - là khoảng 27 nghìn tỷ yên (tương đương 248 tỷ USD) so với khoản nợ ròng 4,5 nghìn tỷ yên của công ty, từ đó có thể thấy giá trị tài sản ròng rơi vào khoảng 20 nghìn tỷ yên.

Tuy nhiên, giá trị thị trường của SoftBank chưa bằng một nửa con số trên, khoảng 8,8 nghìn tỷ yên. Nhìn dưới góc độ này, Quỹ Tầm nhìn 1, chiếm khoảng 3,2 nghìn tỷ yên trong bảng cân đối kế toán của SoftBank. Có thể kết luận rằng Quỹ Tầm nhìn 1 không ảnh hưởng đáng kể đến SoftBank ngay cả khi nó trở nên vô giá trị, ngoài ra nó có thể giúp SoftBank kiếm được nhiều tiền hơn nếu như xuất hiện một Alibaba khác đang ở đâu đó trong danh mục đầu tư.

Một giải pháp đơn giản khác cho SoftBank là bắt đầu kế hoạch chia nhỏ vào năm 2020. Mặc dù Son phản đối lập luận này nhưng trên thực tế có rất ít sự phối hợp giữa các bộ phận cấu thành của SoftBank. Việc tách rời đế chế SoftBank sẽ cản trở tham vọng của Son để tạo ra công ty lớn nhất thế giới nhưng sẽ cân bằng lại hiệu quả giá trị sổ sách của công ty; giải quyết các xung đột lợi ích giữa các cổ đông của các bộ phận khác nhau và cơ cấu lại đế chế thành các đơn vị nhỏ dễ quản lý hơn.

Khi tìm kiếm câu trả lời, Son cũng nên xem xét lại tính cách và phong cách lãnh đạo của chính mình vì có thể nó chính là tác nhân gây ra các vấn đề gần đây. Mặc dù tuyên bố rằng vận mệnh của SoftBank là "mang lại hạnh phúc cho mọi người", nỗi ám ảnh của Son với việc phải hình thành quy mô thật lớn trái ngược hẳn với kết quả đem lại lợi nhuận từ việc đầu tư. Việc trì hoãn trao quyền cho một người kế nhiệm mới của Son khiến mọi người hoài nghi rằng SoftBank là một giáo phái chứ không phải là một doanh nghiệp kinh doanh trong thế giới thực.

Vận may của SoftBank và Son có thể cải thiện vào năm 2020 với tầm nhìn và những căn cứ thực tế hơn.

Duy Thắng

Cùng chuyên mục
XEM