Các thương hiệu thời trang, đồ uống ngoại đổ xô vào Sài Gòn, giá mặt bằng bán lẻ tăng mạnh

29/09/2017 14:34 PM | Kinh doanh

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm TP HCM tăng 4,8% so với quý trước và giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm tăng 1,5% so với quý trước. Ở khu trung tâm, việc bố trí, tân trang lại Vincom Center Đồng Khởi đã làm giá thuê tăng khoảng 10-15% so với quý trước, chủ yếu là ở tầng trệt và tầng 1.

Theo ghi nhận của CBRE, Không có nguồn cung mới mặt bằng hạng sang nào trong quý 3 năm nay. Nguồn cung tích lũy hiện tại ở mức 845.765 m2 mặt bằng hạng A (hạng sang) từ 52 dự án, cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay nhưng chỉ tương đương 1/10 ở Bangkok (Thái Lan) và 1/15 ở Singapore.

Thị trường mặt bằng bán lẻ hoạt động sôi nổi với sự gia nhập của những nhãn hàng mới và sự mở rộng của những thương hiệu hiện hữu. Tại khu vực trung tâm, Vincom Centre Đồng Khởi đã chào đón thương hiệu thời trang quốc tế H&M lần đầu gia nhập thị trường Việt Nam, chiếm trên 3.000 m2 diện tích sàn ở tầng một và tầng lửng. Cũng tại Vincom Centre Đồng Khởi, Pull & Bear, Stradivarius và Massimo Dutti đều chiếm những diện tích đáng kể trên những tầng cao hơn.

Tại khu vực ngoài trung tâm, Thuận Kiều Plaza đã mở cửa vào tháng 8 (dự kiến khai trương chính thức vào quý 4 năm 2017) và dành đa số diện tích tầng trệt cho những thương hiệu thức ăn và đồ uống (F&B). Cơ cấu các khách thuê tại đây hướng chính xác đến nhu cầu thực của cư dân trong quận. Một số thương hiệu đáng chú ý bao gồm KOI, Gong Cha, Maku, Buffalo Wild Wings, McDonald's...


Nguồn: CBRE

Nguồn: CBRE

Giá thuê ở khu vực trung tâm tăng 4,8% so với quý trước và giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm tăng 1,5% so với quý trước. Ở khu trung tâm, việc bố trí, tân trang lại Vincom Center Đồng Khởi đã làm giá thuê tăng khoảng 10-15% so với quý trước, chủ yếu là ở tầng trệt và tầng 1. Giá thuê tại những trung tâm thương mại tổng hợp và các loại hình bán lẻ khác ở khu trung tâm không thay đổi.

Ở khu vực ngoài trung tâm, trái với những trung tâm mua sắm thu hút được lượng khách cao như Crescent Mall, Lotte Mart, có thể tăng giá thuê 2-5% so với quý trước một cách dễ dàng, một số khác không thể duy trì mức giá thuê. Với lưu lượng khách và tốc độ lấp đầy các diện tích trống chậm, một số trung tâm bán lẻ hỗ trợ những khách thuê hiện hữu bằng cách giảm giá thuê cố định khoảng 3-5% cho đến 10% so với quý trước.

Do thiếu hụt nguồn cung mới và Index Living Mall tại Vincom Megamall Thảo Điền (chiếm diện tích khoảng 3.500m2) đóng cửa, tỷ lệ hấp thụ ròng chỉ ở mức -943 m2. Được biết, diện tích này sẽ được lấp đầy bởi một khách thuê quốc tế lớn vào năm tới. Ngoài những điều kể trên, không có sự thay đổi đáng kể nào trong cơ cấu khách thuê tại những trung tâm mua sắm khác.

Dựa trên số liệu về nguồn cung trong tương lai, TP.HCM sẽ chào đón hơn 500.000 m2 mặt bằng cho thuê hạng A mới từ nay đến năm 2019, bao gồm cả những dự án đang thi công và đang trong giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, không phải tất cả những dự án kể trên đều công bố chi tiết về việc khai trương, hoạt động, ý tưởng thiết kế, cơ cấu ngành hàng.

Mặt bằng bán lẻ - con gà đẻ trứng vàng

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn rất tiềm năng khi mới thu hút khoảng 20-25% tiêu dùng của người Việt, tỷ lệ này ở Thái Lan là 46%, Malaysia là 53% và Trung Quốc là 64%.

Đáng chú ý là, với quy mô 110 tỷ USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 798 triệu USD, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo các chuyên gia kinh tế , thị trường bán lẻ Việt Nam với dân số trẻ, đầy tiềm năng sẽ tiếp tục là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư mặt bằng bán lẻ.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM