Các startup được cam kết đầu tư trong Shark Tank Việt Nam đừng vội mừng, có thể 30-40% các thương vụ sẽ bị hủy

13/01/2018 09:09 AM | Kinh doanh

Một vấn đề rất được quan tâm, đó là trên truyền hình các startup được cam kết đầu tư nhưng trên thực tế thì có phải tất cả các cam kết đó đều trở thành hiện thực.

Câu chuyện thực tế các cam kết trên truyền hình được đi tới đâu được đề cập đến trong chương trình giao lưu với các "shark" tại TP HCM ngày 12/1/2018. Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Thế Kỷ CEN GROUP; Chủ tịch Công ty CP Đầu tư & Phát triển BĐS Thế Kỷ CEN INVEST, đã có những chia sẻ liên quan đến startup và đầu tư ở Shark Tank.

Hủy ngay các thương vụ “diễn” trên truyền hình, tỷ lệ này chiếm đến 30-40%

Trong buổi gặp gỡ, shark Hưng khẳng định việc thẩm định startup là rất quan trọng. Sau khi cam kết đầu tư trên truyền hình, cộng sự của ông sẽ thẩm tra startup ở nhiều góc độ. Ông Hưng chia ra làm 3 trường hợp.

Thứ nhất, sẽ bỏ ngay nếu ý tưởng của startup khác hoàn toàn trên truyền hình, có nghĩa là “đã diễn” trên truyền hình và thực tế thì hoàn toàn khác. Tỷ lệ này theo ông Hưng, như ở các nước khác, đâu đó khoảng 30-40%.

Thứ hai, đầu tư hơi giống thiên thần. Theo ông Hưng, trường hợp này ông đầu tư theo kiểu “thích thì đầu tư thôi”, nhằm giúp các startup có bước khởi đầu thuận lợi. Và với các startup này ông không tham gia kiểm soát hoặc điều hành công ty, vì đa số các startup này có ý tưởng sơ khai.

Thứ ba, là các thương vụ đầu tư lớn và ông tham gia với tỷ lệ cổ phần lớn. Ông sẽ tham gia quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của startup nhằm thay đổi toàn diện doanh nghiệp đó.

Các startup được cam kết đầu tư trong Shark Tank Việt Nam đừng vội mừng, có thể 30-40% các thương vụ sẽ bị hủy - Ảnh 1.

Các startup có yếu tố nước ngoài có lợi thế về vận hành công ty

Ông Hưng cũng đưa ra một số nhận xét khác liên quan đến các startup trong chương trình. Theo ông, các startup có yếu tố nước ngoài như founder từng học, từng làm việc hay từng hoạt động ở nước ngoài thường có lợi thế hơn về vận hành.

Ông Hưng giải thích rằng, ở các quốc gia như Mỹ, Úc, Singapore… họ đã phát triển một cách có hệ thống nên việc vận hành doanh nghiệp là yếu tố rất đời thường, không có gì khó. Các startup này thường trình bày rõ ràng, các con số rõ nét.

Các startup trong nước thường yếu hơn về vận hành, do hạn chế về kinh nghiệm quản trị. Ông Hưng đồng tình với quan điểm của founder Umbala: CEO phải là người “ngu nhất”, dùng được người giỏi hơn mình.

Chọn co-founder: 2 người nói cùng một ý là thừa một người

Theo shark Phạm Thanh Hưng, người đồng sáng lập phải là người có chung ý tưởng, khát vọng. Tuy nhiên, đó phải là những năng lực bổ sung cho nhau. “Hai người cùng nói chung một ý, ắt hẳn thừa một người”, shark Hưng khẳng định.

Nhưng khi lựa chọn người đồng hành, thường sẽ lên kế hoạch, tuyển dụng. Nhưng khi công ty lớn mạnh hơn, thì sự hòa hợp sẽ phát huy tác dụng hơn là ra lệnh. Vì vậy, việc bàn bạc được với nhau sẽ phát huy được hiệu quả.

Sự giao cảm đặc biệt trong những phút đầu gặp gỡ startup

Theo ông Hưng, cảm nhận ban đầu trong thời điểm đầu gặp gỡ giữa nhà đầu tư và startup rất quan trọng và khó giải thích vì có sự giao cảm đặc biệt, mang tính bản năng. Rất khó để giải thích tại sao lại chọn con người đó.

Với ông, ông có cảm tình với những founder có tố chất về kinh doanh, hoài bão đam mê, có ánh nhìn thái độ gây ấn tượng.

Ông tự tin khẳng định, sau khi kết thúc ghi hình, ông thấy các startup mà ông đầu tư đều có vẻ đúng (cười).

9 tập Shark Tank trên truyền hình đã qua đi nhưng Shark Hưng chưa xuống tiền cho thương vụ nào. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ban tổ chức, Shark Hưng đã đầu tư nhưng tập đó chưa được lên sóng truyền hình.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM