Các "ông vua" thủy sản liên tiếp gặp khó: "Vua tôm" Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế, "Vua cá" Hùng Vương kinh doanh trục trặc

13/06/2019 16:22 PM | Kinh doanh

Không chỉ trải qua năm 2018 với tình hình thị trường đầy biến động, các doanh nghiệp thủy sản lớn đang gặp liên tiếp các trục trặc liên quan đến cáo buộc tránh thuế và hoạt động kinh doanh khó khăn.

Con đường thủy sản gập ghềnh

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) là doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ hàng đầu tại Việt Nam, ước tính chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Ngày 5/6, Thủy sản Minh Phú nhận được thông tin về việc ngài Darin LaHood, Nghị sĩ Hoa Kỳ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử gửi đến Nghị sĩ LaHood, cáo buộc Thủy sản Minh Phú có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam.

Doanh nghiệp Minh Phú đã lên tiếng về sự việc trên, cho rằng đó chỉ là cáo buộc một phía và lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%).

Tuy nhiên, phản ứng thông tin chính thức này vẫn khiến cho cổ phiếu MPC rớt giá 2.200 đồng khi đóng cửa ngày giao dịch 6-6, kéo dài chuỗi suy giảm suốt một tuần lễ.

Tháng 5/2019 chứng kiến cổ phiếu MPC có dấu hiệu giảm so với đà tăng trưởng sau Tết nguyên đán. Nếu so với thời điềm 2/5 thì cổ phiếu MPC đã mất khoảng hơn 20% giá trị.

Bên cạnh Thủy sản Minh Phú, một doanh nghiệp thủy sản khác là công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) vừa công bố việc thoái vốn tại nhiều công ty con.

Cụ thể, Thủy sản Hùng Vương thoái toàn bộ 180 tỉ đồng vốn góp tại Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre (tương ứng tỉ lệ sở hữu 90%) và thoái một phần vốn gồm 22.370.625 cổ phiếu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã chứng khoán AGF), dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu từ 79,58% xuống còn dưới 50%

Trước đó, Thủy sản Hùng Vương cũng phát đi thông báo thoái toàn bộ vốn cổ phần tại một công ty con khác là công ty CP Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là hơn 31 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%.

Như vậy, sau quá trình thoái vốn, Thủy sản Hùng Vương chỉ còn nắm giữ 6 công ty con ở các tỉnh/thành là An Giang, Tiền Giang, Bến Tre và TP.HCM.

Cổ phiếu HVG cũng đang bị kiểm soát và giảm sàn sau khi kết thúc ngày giao dịch 12-6 công bố việc thoái vốn. Mức giá giao dịch của HVG khá bèo bọt, chỉ 3.250 đồng/cổ phiếu.

Các ông vua thủy sản liên tiếp gặp khó: Vua tôm Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế, Vua cá Hùng Vương kinh doanh trục trặc - Ảnh 1.

Bước sang năm 2019, các doanh nghiệp dự báo sản lượng tôm dồi dào, kéo theo giá nguyên liệu giảm, lợi nhuận kỳ vọng gia tăng.


Một năm kinh doanh đầy khó khăn

Thủy sản Hùng Vương thoái một phần vốn khỏi Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang trong lúc doanh nghiệp này bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo khả năng đưa cổ phiếu vào diện bị tạm ngừng giao dịch do tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Bản thân Thủy sản Hùng Vương cũng đang gặp khó khăn khi lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2-2019 chỉ còn hơn 6 tỉ đồng, giảm mạnh so với ba quý liền trước.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 của Thủy sản Hùng Vương, đơn vị kiểm toán độc lập lưu ý về khoản lỗ lũy kế gần 528 tỉ đồng ở thời điểm kết thúc kỳ kế toán bán niên. Đồng thời, kiểm toán đưa ra quan điểm "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn".

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 do Thủy sản Hùng Vương lập ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6 tháng là gần 25 tỉ đồng, tuy nhiên, báo cáo đã soát xét lại cho thấy khoản lỗ gần 112 tỉ đồng.

Cũng trong báo cáo nói trên, Thủy sản Hùng Vương đang có khoản nợ quá hạn lên đến gần 1.260 tỉ đồng và thế chấp nhiều hàng tồn kho, quyền sử dụng đất, cổ phiếu của các công ty có liên quan để đảm báo các khoản vay ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn nợ Vietcombank gần 602 tỉ đồng đến hạn nhưng chưa thể thanh toán và đang xin giãn nợ.

Thủy sản Minh Phú dù có quy mô kinh doanh lớn và tình hình kinh doanh không quá khó khăn nhưng vẫn chứng kiến một số chỉ tiêu tài chính đi xuống.

Trong quý 1/2019, giá vốn bán hàng tăng mạnh nên Minh Phú phải điều chỉnh lợi nhuận gộp về mức 344 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ điều chỉnh đáng kể về gần 87 tỷ đồng, so với mức 102 tỷ đồng của cùng kỳ, giảm 15%.

Thủy sản Minh Phú nhận định giá tôm năm 2018 giảm mạnh, dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí đóng cửa nhà máy, đồng thời việc huy động vốn từ ngân hàng cũng bị hạn chế...

Những tác động của thị trường năm 2018 có ảnh hưởng nhất định đến các tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, bước sang năm mới, các doanh nghiệp dự báo sản lượng tôm dồi dào, kéo theo giá nguyên liệu giảm, lợi nhuận kỳ vọng gia tăng.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM