Các ông lớn ngân hàng bỏ túi bao nhiêu từ phí thẻ ATM?

11/07/2018 08:13 AM | Kinh doanh

Với khoảng 70 triệu thẻ, tối thiểu số tiền từ phí thẻ ATM mà các ngân hàng bỏ túi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đầu tháng 7, phí rút tiền nội mạng của các ngân hàng Top 4 gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank được thông báo tăng lên 1.650 đồng (bao gồm thuế VAT) cho mỗi lần giao dịch. Tuy nhiên, sáng nay (10/7), một lần nữa, thông báo tăng phí rút tiền nội mạng ATM của các ngân hàng thương mại lại nhận được yêu cầu tạm dừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định các loại phí bắt buộc khách hàng sử dụng thẻ ATM phải nộp gồm, phí phát hành, thay đổi thẻ, phát hành mới, phí duy trì thường niên.

Áp theo biểu phí của các ngân hàng hiện nay, nếu một chủ thẻ nhận lương qua tài khoản, tổng cộng các loại phí cố định phải trả cho năm đầu là 130.000 – 140.000 nghìn đồng.

Đối với các loại phí khách hàng được quyền lựa chọn sử dụng gồm: Phí sao kê, thanh toán thuế, phí giao dịch, vấn tin tài khoản... nếu khách hàng tối giản các giao dịch và chịu phí rút tiền thẻ ATM là 1.650 đồng, thì chủ thẻ phải trả cho ngân hàng khoảng 400.000 – 450.000 đồng/năm.

Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, trong số 77 triệu thẻ đang hoạt động thì có 70 triệu là thẻ ATM. Như vậy, theo tính toán, mỗi năm ít nhất các ngân hàng đã thu được từ 28 – 31,5 nghìn tỷ đồng (chưa tính tiền phí phát hành lần đầu) từ phí thẻ ATM .

Trong đó, VietinBank với 22,59% thị phần thẻ ghi nợ nội địa, ước tính thu về khoảng hơn 6,3 tỷ đồng phí thẻ ATM .

Theo báo cáo kinh doanh quý I/2017, số lượng thẻ ghi nợ nội địa (ATM) của Vietcombank vào khoảng trên 12 triệu thẻ.

Nếu mỗi thẻ chỉ thực hiện một giao dịch rút tiền nội mạng/tháng, một giao dịch chuyển khoản nội – ngoại/tháng, có sử dụng dịch vụ Internet Banking và SMS Banking và hạn chế chỉ thực hiện một giao dịch như vấn tin, in sao kê… với mức điều chỉnh phí rút tiền nội mạng ATM mới, ước tính, chủ thẻ phải trả phí cho thẻ ATM khoảng 34.000 đồng/tháng (chưa tính phí phát hành, phí thường niên, cấp lại mã pin…).

Theo tính toán, mỗi tháng, ít nhất ngân hàng này có thể thu được hơn 400 tỷ đồng từ phí thẻ ATM. Một năm, tối thiểu có thể thu về hơn 4,8 nghìn tỷ đồng từ loại thẻ này.

 Các ông lớn ngân hàng bỏ túi bao nhiêu từ phí thẻ ATM? - Ảnh 1.

Biểu phí thẻ điều chỉnh của ngân hàng Vietcombank áp dụng từ 15/7, trong đó phí giao dịch rút tiền nội mạng ATM tăng lên 1.650 đồng/lần.

Lý giải cho việc tăng phí nội mạng ATM, các ngân hàng khẳng định đây là động thái cần thiết để đầu tư cho chính hạ tầng dịch vụ thẻ (trong đó có đầu tư kinh phí cho cây rút tiền ATM bao gồm chi phí đầu tư, bảo trì, vận hành, quản lý ATM, quỹ tiền mặt, thuê địa điểm…). Mức tăng lên 1.650 đồng (đã bao gồm VAT) vẫn dưới mức trần là 3.000 đồng/giao dịch mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đây không phải lần đầu các ngân hàng rục rịch tăng phí ATM. Từ tháng 3 và tháng 5, Vietcombank, Agribank đã có động thái tăng nhiều loại phí. Hiện tại, phí chuyển khoản liên ngân hàng trên ATM của Vietcombank tăng lên 3.300 đồng/giao dịch.

Agribank đã tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại các ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking lên 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần.

Trong khi đó, tới nay nhiều ngân hàng cổ phần miễn phí rút tiền ATM cả nội mạng lẫn ngoại mạng nhằm khuyến khích khách hàng như VPBank, VIB, Techcombank, hay TPBank.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM