Các nhà khoa học điên đầu: Suốt 4 năm không có bạn tình, cá mập cái ở Úc vẫn sinh tới 3 con bằng cách nào?

18/01/2017 16:35 PM | Công nghệ

Vụ việc này đã được Christine Dudgeon, giáo sư tại Đại học Queensland thành phố Brisbane (Úc) nghiên cứu. Giả thuyết đầu tiên được bà đưa ra là cá mập cái bằng cách nào đó vẫn còn lưu lại tinh trùng của chú cá mập đực và hình thành trứng từ đó.

Cá mập vằn cái ở Úc mới đây đã gây sốc cho các nhà khoa học khi "hạ sinh" lứa 3 cá mập con, trong điều kiện không có bạn tình suốt 4 năm trời. Ngay sau đó thì các nhà phân tích đã khám phá ra được rằng cá mập vằn cái có khả năng tự sinh sản mà không cần đến "đối tác".

Cụ thể, cá mập có tên Leonie, đã cùng chung sống suốt 12 năm với 1 chú cá mập khác tại 1 hồ cá tại thành phố Townville, Úc. Trong suốt thời gian đó, Leonie "hạ sinh" được 24 con cá mập con, nhưng tới năm 2012, Leonie bị tách ra nuôi ở 1 hồ riêng.

Kể từ đó đến nay, Leonie vẫn được nuôi riêng ở đó mà không hề có tác động nào từ bên ngoài và bất ngờ sinh ra 3 chú cá mập khỏe mạnh.

Vụ việc này đã được Christine Dudgeon, giáo sư tại Đại học Queensland thành phố Brisbane (Úc) nghiên cứu. Giả thuyết đầu tiên được bà đưa ra là Leonie bằng cách nào đó vẫn còn lưu lại tinh trùng của chú cá mập đực và hình thành trứng từ đó.

Nhưng kết quả xét nghiệm DNA từ lứa con này của Leonie lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược, chúng hoàn toàn chỉ có DNA của Leonie và bà đã xác định loài cá mập này có thể có khả năng sinh sản tự phối.

Đây là 1 phát hiện mới trong việc nghiên cứu loài cá mập vằn. Theo tờ New Scientist:

"Trước đây đã phát hiện một số loài có khả năng sinh sản tự phối, dù chúng vẫn có thể giao phối và sinh sản theo cách thông thường. Trong đó có 1 số loài cá mập, rắn, gà tây hay rồng Komodo…".

Nhưng với cá mập Leonie, đây lại là trường hợp hoàn toàn hiếm gặp khi hình thức sinh sản tự phối thường chỉ xuất hiện ở những cá thể cái chưa 1 lần giao phối. Theo các nhà khoa học, chỉ có 2 trường hợp tương tự từng được ghi nhận, đó là trường hợp của 1 con cá đuối sao và rắn Boa constrictor, 1 loài rắn lớn.

Russell Bonduriansky - giáo sư tại Đại học New South Wells cũng cho biết: "Ở những loài có khả năng tự phối và giao phối thông thường rất hiếm gặp trường hợp chúng thay đổi phương thức sinh sản hữu tính sang sinh sản vô tính như thế này".

Trong trường hợp của loài cá mập, điều này là hoàn toàn có thể xảy ra nhờ vào sự tiến hóa để phù hợp với hoàn cảnh. Các nhà khoa học cho rằng, một tế bào nào đó trong cơ thể của loài cá mập có khả năng kết hợp với chính trứng của chúng để tạo ra các phôi.

"Tuy nhiên đây không phải là cách để chúng sống sót qua nhiều thế hệ, vì việc tự phối sẽ làm chúng giảm đi khả năng thích ứng và đa dạng giống loài", giáo sư Dudgeon cho biết thêm.

Các giáo sư ở Úc đều đồng tình đánh giá đây là chức năng tạm thời của 1 bộ phận cá thể cái, giúp chúng tiếp tục thực hiện chức năng sinh sản cho đến khi tìm được cá thể đực phù hợp.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
XEM