Các ngân hàng trung ương đang không chắc mình đang làm gì

07/10/2016 09:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Tình hình trớ trêu hiện nay cho thấy các ngân hàng trung ương hiện nay thậm chí không thấy tự tin với những chính sách và kế hoạch mà mình đưa ra, qua đó làm nhà đầu tư và thị trường bối rối.

Trong thế kỷ 21, các ngân hàng trung ương luôn cố gắng tuân thủ quy tắc rõ ràng trong chính sách và tránh sự không chắc chắn. Đây là điều hiển nhiên bởi những tổ chức này là điểm tựa của cả nền kinh tế. Các nhà phân tích dữ liệu cũng như chuyên gia của các ngân hàng trung ương cần chắc chắn về những chính sách mà mình đưa ra.

Tuy nhiên, tình hình trớ trêu hiện nay cho thấy các ngân hàng trung ương hiện nay thậm chí không thấy tự tin với những chính sách và kế hoạch mà mình đưa ra, qua đó làm nhà đầu tư và thị trường bối rối.

Mới đây, nhiều quan chức Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định nước này đã sẵn sàng cho việc nâng lãi suất trong dài hạn. Những số liệu về tăng trưởng việc làm, lạm phát hay tiêu dùng đều cho thấy FED đã có thể tăng lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ lại có vẻ hoài nghi về khả năng nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 tới đây.

Đây là điều dễ hiểu khi những lần trước đó, FED đưa ra những lời giải thích không rõ ràng và khiến các nhà đầu tư bối rối, không hiểu tại sao Mỹ chưa thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục giữ chính sách lãi suất âm và kích thích kinh tế, tiếp tục chương trình cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe. Mặc dù Thống đốc Haruhiko Kuroda tuyên bố việc duy trì mức lãi suất âm không tương đương với một gói kích thích kinh tế nhưng ông cũng không đưa ra giải pháp cụ thể nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho Nhật Bản.

Hiện nay, thị trường Nhật Bản và các nhà đầu tư vẫn còn đang tranh luận liệu sẽ thực hiện thêm chính sách kích thích kinh tế hay chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ trong tương lai.

Đặc biệt hơn, một trường hợp khác là ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) cũng khiến các nhà đầu tư phải đau đầu. Cựu Thống đốc Raghuram Rajan đã xác định chắc chắn với nhà đầu tư rằng nước này đặt kucj tiêu lạm phát 4% vào tháng 3/2018 và Phó Thống đốc khi đó là ông Urjit Patel cũng ủng hộ quyết định này.

Tuy nhiên, khi ông Patel lên nắm quyền điều hành RBI thì mọi chuyện lại thay đổi mà không có lời giải thích rõ ràng nào với nhà đầu tư. Ông Patel từ chối việc ủng hộ kế hoạch trước đây cũng như tuyên bố tỷ lệ lạm phát nên ở mức 1,5-2%.

Phức tạp hơn, việc giảm mức lạm phát mục tiêu thường đi kèm với chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất, nhưng RBI lại hạ 25 điểm phần trăm lãi suất mới đây và làm bất ngờ toàn thị trường.

Hiện lạm phát tại Ấn Độ đã giảm xuống dưới 6% và đang nằm trong mức chấp nhận được của RBI, nhưng nước này cho rằng đà giảm lạm phát hiện nay là quá nhanh cũng như gây ảnh hưởng xấu trong dài hạn. Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng sự suy giảm lạm phát hiện nay tại Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn từ giá dầu thấp hơn là các yếu tố khác của nền kinh tế.

Trước đây, những chính sách và quyết định của ngân hàng trung ương thường phù hợp với các mục tiêu và kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên, hiện có vẻ các điểm tựa tài chính này không biết họ có làm đúng hay không và đây có lẽ là lý do cho hàng loạt những quyết định gây bối rối cho thị trường.

Nguy hiểm hơn, tình trạng này có thể khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào các nhà hoạch định chính sách, khiến thị trường diễn biến trái với mong muốn của các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM