Các doanh nghiệp mía đường sẽ ăn mừng trước dự báo này

04/04/2016 10:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo ngân hàng Rabobank, thị trường mía đường toàn cầu năm nay sẽ bị thiếu khoảng 6,8 triệu tấn đường.

Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường hàng đầu thế giới và sự biến động về kinh tế của nước này từ năm 2015 cũng như nhu cầu đường tăng cao đã khiến loại hàng hóa này tăng giá.

Thời gian đầu, giá đường đã giảm do tác động từ thị trường tiền tệ và giá dầu.

Trong năm ngoái, đồng Real của Brazil đã giảm giá 30% so với đồng USD và các chuyên gia phân tích dự đoán nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 3,5%. Chính việc đồng nội tệ giảm giá khiến giá đường trong nước tăng mạnh và chi phí nhân công sản xuất giảm, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường sản xuất đường.

Hơn nữa, trong khi Mỹ và một số nước sản xuất sử dụng ngô làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học Ethanol thì Brazil lại dùng đường. Hậu quả là khi giá dầu giảm, nhu cầu xăng sinh học giảm theo và một lượng lớn đường bị thừa trên thị trường.


Nhu cầu đường trên toàn cầu đang ngày càng gia tăng (triệu tấn)

Nhu cầu đường trên toàn cầu đang ngày càng gia tăng (triệu tấn)

Kết quả là giá đường đã giảm xuống khoảng 10 cent/pound vào tháng 8/2015, thấp hơn 20% so với mức đầu năm.

Tuy nhiên, tình hình đã chuyển biến đột ngột khi đồng real bắt đầu tăng giá so với đồng USD trong tháng 2/2016 khiến chi phí sản xuất đường tăng lên, qua đó khiến các doanh nghiệp Brazil giảm sản lượng sản xuất loại nguyên liệu này.

Nguyên nhân này khiến giá đường ngay lập tức tăng lên 15 cent/pound vào ngày 1/4/2016.


Giá đường tăng do sản lượng suất khẩu của Brazil suy giảm (USD/pound)

Giá đường tăng do sản lượng suất khẩu của Brazil suy giảm (USD/pound)

Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino khiến các nông trại trồng mía của Brazil chịu thiệt hại và các chuyên gia dự đoán sản lượng mía đường trong thời gian tới của nước này sẽ còn giảm mạnh.

Hơn nữa, những nước như Thái Lan, Ấn Độ nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu mía đường hàng đầu thế giới cũng chịu ảnh hưởng của hạn hán nên nguồn cung mía đường cũng giảm theo.

Theo ngân hàng Rabobank, thị trường mía đường toàn cầu năm nay sẽ bị thiếu khoảng 6,8 triệu tấn đường.

Trong khi đó, hãng Carden Capital nhận định do giá vốn hàng bán (Cost of good sold) của những mặt hàng nguyên vật liệu hàng hóa tăng lên, các công ty buộc phải nâng giá bán và khiến người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình khi đường đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, không chỉ là nguyên liệu nấu ăn mà còn tham giá quá trình sản xuất thuốc, các loại đồ uống và nhiều công đoạn sản xuất khác.

Với tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia dự đoán giá đường sẽ còn tăng trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy giá nhiều loại hàng hóa khác cũng tăng theo.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM