Các DN không thể bỏ qua: Chính phủ đang làm một cuộc "đại phẫu" về môi trường kinh doanh

24/09/2016 20:21 PM | Kinh doanh

Dự kiến có ba luật mới liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hải quan và sửa đổi các vấn đề về đầu tư kinh doanh liên quan tới 12 luật, nhằm tháo gỡ những nút thắt lớn nhất cho DN và môi trường kinh doanh.

Xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN là những gì mà Chính phủ từ sau khi được kiện toàn vào tháng 4 đến nay, đã luôn nỗ lực hoàn thiện. Từ yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không được “bàn lùi” trong việc rà soát lại các điều kiện đầu tư kinh doanh, cho đến những chỉ đạo quyết liệt về cải cách thể chế, sửa đổi các quy định luật về đầu tư kinh doanh.

Tại buổi lễ ký cam kết giữa VCCI và 21 địa phương vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại câu chuyện này, như một sự khẳng định Chính phủ đang nỗ lực làm hết mình để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước là tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trở thành lực lượng xung kích đi đầu trên mặt trận kinh tế.

Cải cách phải đi vào thực chất

“Doanh nghiệp đang nhìn mình” – Phó Thủ tướng nhắc như vậy với 21 lãnh đạo địa phương khi tham dự cam kết để nhấn mạnh: Đừng để những cam kết chỉ là sự lãng phí và hình thức, mà vấn đề là phải đi vào thực chất, tạo thuận lợi cho DN thực sự để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Là người trực tiếp chủ trì và chỉ đạo triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng kể lại câu chuyện các thành viên Chính phủ, các cơ quan liên quan và các chuyên gia đã làm việc không mệt mỏi trong suốt thời gian qua.

Theo đó, sẽ bãi bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và sửa đổi các điều kiện đầu tư tồn tại ở các đạo luật khác có liên quan đến kinh doanh. Theo đó, các quy định về đầu tư kinh doanh đang tồn tại trong các luật được sửa bao gồm: Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị và cả Luật Điện ảnh.

Tuy nhiên, một thông tin được Phó Thủ tướng đưa ra tại chính lễ ký cam kết với 12 doanh nghiệp là Chính phủ sẽ bổ sung thêm 3 luật nữa liên quan đến những quy định về kiểm tra chuyên ngành hải quan. Theo Phó Thủ tướng thì đây là những rào cản, nút thắt lớn nhất đang làm khó DN, nên sẽ gộp vào 12 luật trên để sửa đổi: “Nội dung vấn đề này ít nhưng tác động cực lớn đến DN nên đã thống nhất trình Quốc hội sửa 1 luật liên quan đến 15 luật”.

Tinh thần không bàn lùi, cải cách vấn đề gai góc nhất

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) những nỗ lực trong cải cách trong thời gian qua đang tạo nên sức nóng và niềm tin cho cộng đồng DN. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết 35 về tháo gỡ khó khăn cho DN mới chỉ được ban hành trong thời gian ngắn, nhưng đã khẳng định được quyết tâm, bản lĩnh của Chính phủ.

“Chính phủ đã vắt chân lên cổ để sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến Luật đầu tư và DN, soạn thảo một luật sửa nhiều luật, Luật DNNVV… Với yêu cầu làm đi làm lại, không đạt yêu cầu thì phải làm lại và tất cả đều không bàn lùi. Tinh thần rất quyết liệt và cách làm khác trước, các cơ quan Chính phủ chung tay với DN để xây dựng. Tôi rất cám ơn khi Chính phủ và VCCI trong quá trình làm, đã rà soát từng điểm một theo đúng kiến nghị và phản biện với DN, nếu thấy hợp lý thì tiếp thu” – Chủ tịch VCCI nói.

Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng DN. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng dự án Luật sửa đổi bổ sung các luật đầu tư, kinh doanh là cuộc đại phẫu về môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển.

Đặc biệt, với việc đưa các nội dung kiểm tra chuyên ngành vào Luật này sửa đổi được DN kỳ vọng sẽ tháo gỡ những rào cản thủ tục hải quan đang làm tiêu tốn chi phí cho DN xuất nhập khẩu. Tính toán của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc giảm thủ tục hành chính, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu có thể giúp DN tiết kiệm được 1 tỷ USD mỗi năm.

Do đó, quyết tâm cải cách đi vào tận gốc rễ của vấn đề khó khăn nhất của DN hiện nay mà Chính phủ đặt ra, được kỳ vọng là không phải chỉ là "bắn chỉ thiên" mà thực sự tháo gỡ những bức xúc nhất của DN hiện nay, để mục tiêu 1 triệu DN được thành lập mới đến năm 2020 sẽ thực sự là trong tầm tay.

Theo N. An

Cùng chuyên mục
XEM