Các 'đại gia' nước sạch tại Sài Gòn

02/11/2019 09:41 AM | Kinh doanh

TP HCM quyết định tăng giá nước từ 15/11 sẽ giúp nhiều doanh nghiệp lớn hưởng lợi như Sawaco, REE, Saigon Water. Hiện Sawaco cung cấp nước 23/24 quận huyện trong thành phố, còn Saigon Water cung cấp cho huyện Củ Chi. Với các nhà máy công suất lớn, lâu năm như Thủ Đức, Tân Hiệp…

Ủy ban nhân dân TP HCM mới đây đã ban hành giá nước sạch sinh hoạt lộ trình 2019 - 2022. Theo đó, giá nước bán lẻ sinh hoạt trên địa bàn thành phố chính thức tăng từ ngày 15/11 với mức tăng trung bình 5 - 7% mỗi năm tùy theo lượng nước sử dụng.

Theo một báo cáo của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), giá nước sạch vẫn chưa được điều chỉnh từ năm 2013 đến nay. Trong khi Sawaco phải thực hiện đảm bảo mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy tăng hàng năm, khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn.

 Các đại gia nước sạch tại Sài Gòn  - Ảnh 1.

Biểu giá nước TP HCM từ 2010-2013 và được áp dụng đến nay. Nguồn: Cấp nước Chợ Lớn.

Với giá bán lẻ được điều chỉnh tăng, Sawaco sẽ có dư địa thương thảo điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch từ các đối tác. Tổng công ty cũng đàm phán lại sản lượng và đơn giá mua sỉ nước sạch với các nhà máy xã hội hóa theo khả năng tiêu thụ, phát huy công suất các nhà máy.

Hiện TP HCM là khu vực có dân số và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, nhu cầu về nước sạch của người dân theo đó rất lớn. Sawaco vẫn là đơn vị tham gia điều phối áp lực và mạng lưới nước sạch cho phần lớn thành phố. Nhưng với quá trình xã hội hóa ngành nước sau đó, nhiều đơn vị tư nhân khác đã dần tham gia vào mảng kinh doanh thiết yếu này.

Sawaco chi phối ngành nước tại Sài Gòn

Hệ thống cấp nước Sài Gòn bắt đầu xây dựng từ thời Pháp thuộc (những năm 1880) và đến nay là hệ thống có quy mô lớn nhất Việt Nam. Cấu thành cơ bản của hệ thống này gồm 3 bộ phận: nguồn nước, các hệ thống xử lý nước và hệ thống phân phối. Nguồn nước hiện nay chủ yếu là nước mặt chiếm 95% được khai thác từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Theo quy hoạch cấp nước TP HCM đến năm 2025, tổng nhu cầu nước toàn thành phố là 3,57 triệu m3/ngày, trong đó nước sinh hoạt cần 1,9 triệu m3/ngày. Với nhu cầu lớn, thành phố dự kiến đến 2025 có 6 nhà máy nước (NMN) tại nguồn sông Đồng Nai, 5 NMN lấy nguồn sông Sài Gòn và một số nguồn nước ngầm.

Nhằm đồng bộ hệ thống nước cho thành phố, Sawaco được thành lập năm 2005 theo mô hình công ty mẹ - công ty con với nhiệm vụ chính là sản xuất, điều phối mạng lưới nước sạch trong thành phố.

Từ năm 2014, TP HCM chủ trương đẩy nhanh việc cung cấp nước sạch với mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch. Trong năm 2018, Sawaco đã thực hiện cấp nước đạt 100% cho 1,9 triệu hộ dân tại 23/24 quận huyện (trừ huyện Củ Chi do CTCP Cấp nước Hạ tầng nước Sài Gòn đảm nhận). Sản lượng nước năm 2018 của Sawaco là 683 triệu m3 và tiêu thụ được 524 triệu m3.

 Các đại gia nước sạch tại Sài Gòn  - Ảnh 2.

Với sản lượng cấp nước trên, tổng doanh thu của Sawaco hiện đã xấp xỉ 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Với việc công suất nước liên tục gia tăng và chính sách giá mới sắp được áp dụng, doanh thu các năm tới của Sawaco còn có thể tăng nhanh hơn.

Cơ cấu doanh thu của Sawaco vẫn phụ thuộc toàn bộ vào mảng kinh doanh nước sạch, năm 2018 là 4.820 tỷ đồng (tỷ trọng 97%). Lợi nhuận gộp từ kinh doanh nước là hơn 2.059 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp gần 43%, một mức sinh lời rất hấp dẫn đối với ngành sản xuất.

 Các đại gia nước sạch tại Sài Gòn  - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Sawaco có các khoản chi phí rất lớn ăn mòn dần lợi nhuận. Năm 2018, doanh nghiệp có chi phí lãi vay 243 tỷ đồng, chi phí bán hàng 1.621 tỷ đồng (chủ yếu là khấu hao tài sản và dịch vụ mua ngoài do nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động) và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 550 tỷ đồng. Theo đó, công ty chỉ có lợi nhuận trước thuế 406 tỷ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 259 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng vào khoảng 5,3%.

Theo thời gian, chi phí khấu hao giảm dần sẽ làm tăng lợi nhuận trong tương lai, cùng với việc hưởng lợi từ tăng công suất và giá nước tăng. Ngược lại, bài toán nợ vay và chi phí lãi sẽ là áp lực lớn khi doanh nghiệp đang tăng vay nợ lên trên 4.500 tỷ đồng.

Trong đợt tổng kết 9 tháng, Sawaco ước sản lượng nước đạt 411 triệu m3, tăng 6,4% so với cùng kỳ và đạt 75% kế hoạch năm. Doanh thu tiền nước ước đạt 3.792 tỷ đồng, bằng 73% kế hoạch năm và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện Sawaco sở hữu 100% vốn 2 nhà máy nước lớn nhất Sài Gòn là NMN Thủ Đức (750.000 m3/ngày) và NMN Tân Hiệp (300.000 m3/ngày). Ngoài tự sản xuất, Sawaco còn mua sỉ nước sạch từ các nhà máy xã hội hóa như Kênh Đông, BOO Thủ Đức (Thủ Đức II), BOT Bình An, Tân Hiệp II… Bên cạnh sản xuất, Sawaco cũng nắm phần lớn thị phần cấp nước thông qua các đơn vị thành viên như Cấp nước Chợ Lớn, Bến Thành, Gia Định, Thủ Đức, Nhà Bè, Tân Hòa…

 Các đại gia nước sạch tại Sài Gòn  - Ảnh 4.

NMN Thủ Đức thuộc Sawaco - nhà máy lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh SGGP.

Sự tham gia của REE và Saigon Water

Việc xã hội hòa ngành nước đã giúp một số đơn vị tư nhân tạo được chỗ đứng lớn trong ngành, tiêu biểu tại TP HCM có các đại gia nước sạch như Cơ điện lạnh ( HoSE: REE ) và Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water, HoSE: SII ).

REE được biết đến là một doanh nghiệp dạng holdings với việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngành tiện ích điện nước được doanh nghiệp rót vốn từ năm 2010 và xem đây là mảng đầu tư chiến lược dài hạn.

Hiện nay REE có tham gia góp vốn vào 4 nhà máy nước dạng xã hội hóa bao gồm 3 nhà máy tại TP HCM và 1 nhà máy tại Hà Nội (nhà máy nước sạch sông Đà - Viwasupco). Ba nhà máy tại Sài Gòn của REE đều ở dạng liên kết bao gồm BOO Thủ Đức, Thủ Đức III, Tân Hiệp II với tổng công suất thiết kế 900.000 m3/ngày và được Sawaco bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

 Các đại gia nước sạch tại Sài Gòn  - Ảnh 5.

REE có 2 nhà máy lâu năm và 2 nhà máy mới phát nước.

Năm 2018, các nhà máy nước thuộc REE thực tế phát hơn 1 triệu m3/ngày giúp mang về doanh thu 1.502 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế 513 tỷ đồng, tăng 30%. Đóng góp lớn là BOO Thủ Đức và Viwasupco do đây là 2 nhà máy vận hành lâu năm với tập khách hàng ổn định, 2 nhà máy còn lại mới đi vào hoạt động nên khấu hao cao và đang tối ưu công suất.

Bên cạnh đó, REE còn tham gia phân khúc phân phối nước sạch tại Sài Gòn thông qua 3 đơn vị là Cấp nước Thủ Đức (HoSE: TDW), Cấp nước Gia Định (HNX: GDW) và Cấp nước Nhà Bè (HNX: NBW). Sản lượng cấp nước của 3 đơn vị này là 203 triệu m3, chiếm 39% thị phần tại Sài Gòn. Tuy nhiên mảng cấp nước có biên lợi nhuận thấp hơn nên đóng góp của các đơn vị này khá thấp với hơn 48 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018.

Saigon Water cũng là "tay chơi" lớn trong ngành nước. Được thành lập năm 2004 với ngành nghề thi công hạ tầng, SII bắt đầu chuyển đổi hoạt động chính sang hạ tầng môi trường và từ đó bước vào mảng nước sạch. Mảng kinh doanh nước sạch theo đó ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn, hiện đã gần 80% tổng doanh thu.

Saigon Water là đơn vị tư nhân duy nhất được phân vùng cấp nước tại huyện Củ Chi (với sở hữu nhà máy nước Củ Chi), phần còn lại 23/24 quận huyện khác do Sawaco quản lý. Đây là pháp nhân của công ty CII và đối tác chiến lược Manila Water (Philippines).

Hoạt động của SII khá khác biệt khi vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn (đang bị lỗ gộp). Tuy nhiên công ty vẫn có lãi đều đặn do nhận được một khoản hỗ trợ không hoàn lại của UBND TP HCM cho dự án nhà máy nước Củ Chi với số tiền 600 tỷ đồng (phân bổ từ năm 2017 đến 2019).

 Các đại gia nước sạch tại Sài Gòn  - Ảnh 6.

Lỗ gộp nhưng Saigon Water vẫn có lãi sau thuế đều đặn.

Những năm gần đây, lợi nhuận gộp của Saigon Water liên tục đi xuống, thậm chí là lỗ gộp xuất phát một phần từ giá nước vẫn giữ nguyên theo năm 2013 trong khi các chi phí đầu vào gia tăng hàng năm. Việc giá nước được tăng giá thời gian tới sẽ giúp doanh thu và biên lợi nhuận gộp của SII có thể được cải thiện.

Hiện hoạt động của SII chủ yếu tại TP HCM với tỷ trọng khoảng 60% tổng doanh thu, còn lại là Gia Lai và Lâm Đồng. Việc có nhiều nhà máy đi vào hoạt động giai đoạn đầu hoặc đang được đầu tư như Củ Chi, An Khê đã khiến cho chi phí giá vốn và chi phí lãi vay tăng cao. Công ty hiện có tài sản cố định 2.687 tỷ nhưng mới khấu hao được 539 tỷ đồng, nợ vay của doanh nghiệp 1.126 tỷ dẫn đến áp lực lãi vay trên 100 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài sở hữu toàn bộ NMN Củ Chi, hiện Saigon Water còn có cổ phần trong một số NMN khác như BOO Thủ Đức, Tân Hiệp II, Dankia2, An Khê.

Nhờ tính độc quyền ở một số địa phương và rào cản gia nhập lớn, mảng kinh doanh nước sạch có tiềm năng trưởng lớn và thường cho tỷ suất sinh lời rất cao. Một số nhà máy hoạt động lâu năm như NMN mặt sông Đà (Viwasupco), NMN Dĩ An (TDM Water)… được biết đến là bán 2 đồng lãi 1 đồng.

Tuy nhiên, đầu tư ngành nước với bản chất đầu tư ban đầu lớn, thu hồi vốn lâu cũng rất kén chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, ngành nước cũng còn nhiều rủi ro liên quan đến cơ chế chính sách khác biệt của từng địa phương; hạ tầng còn kém phát triển và cần vốn đầu tư lớn; vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng gia tăng do khâu giám sát còn kém, quy trình xử lý nước thải chưa đạt chuẩn; cơ chế tăng giá nước còn chậm…

Theo Huy Lê

Cùng chuyên mục
XEM