Các công ty Nhật Bản đang ngồi trên núi tiền mặt trị giá 4,8 nghìn tỷ USD

03/09/2019 14:41 PM | Kinh doanh

Các công ty niêm yết tại Nhật Bản nắm giữ khoảng 506,4 nghìn tỷ yen (tương đương 4,8 nghìn tỷ USD) tiền mặt – mức cao kỷ lục theo dữ liệu của Bloomberg.

Trong các ngân hàng trên khắp Nhật Bản có chứa một lượng tiền khổng lồ - lớn hơn cả GDP của nhiều quốc gia – đó là tiền dự trữ của các công ty ở nước này. 

Cụ thể, các công ty niêm yết tại Nhật Bản nắm giữ khoảng 506,4 nghìn tỷ yen (tương đương 4,8 nghìn tỷ USD) tiền mặt – mức cao kỷ lục theo dữ liệu của Bloomberg. Con số này tăng gấp 3 lần kể từ tháng 3/2013, nhiều tháng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử.

Phía các công ty thì coi việc này như một "lá chắn" giúp công ty tồn tại trong những khoảng thời gian khó khăn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thì cho rằng số tiền đó nên được chi tiêu để giúp công ty tăng trưởng hay trả cổ tức nhiều hơn cho các cổ đông. Một trong những chính sách đáng khen ngợi nhất của thủ tướng Abe là cải tổ cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tìm cách khiến các công ty sử dụng vốn hiệu quả hơn thay vì để nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng.

Những nỗ lực của ông Abe có mang lại hiệu quả nhưng không nhiều. Các công ty đã trả mức lợi tức cao hơn cho cổ đông kể từ khi chính quyền ra luật mới. Tuy nhiên Zuhair Khan – Nghiên cứu trưởng tại Jefferies Japan tính toán rằng họ chỉ phân bổ khoảng 40% lợi nhuận cho cổ đông trong khi khả năng có thể trả tới 70%.

"Tình huống này cần phải được thay đổi", Naoki Kamiyama – Chiến lược gia tại Nikko Asset nói.

"Lý do lượng tiền mặt tăng cao đã thay đổi, chuyển từ để cất giữ sang cải thiện nền tảng. Trong 3 năm tài chính vừa qua, tỷ lệ mua lại cổ phiếu ở các công ty Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục và họ hầu hết dồn tài chính thông qua chính nguồn tự có của công ty thay vì vay nợ".

Tuyên bố mua lại của các công ty niêm yết ở Nhật Bản đã tăng lên khoảng 60 tỷ USD trong năm 2018. 5 tháng đầu năm đạt 50 tỷ USD khi các công ty như Sony và Softbank tuyên bố kế hoạch mua lại cổ phiếu ở mức kỷ lục.

Cùng thời điểm, các công ty đã trả 8,4 nghìn tỷ yen cổ tức trong năm 2019, cao nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên việc mua lại cổ phiếu vẫn ở mức thấp so với thị trường Mỹ - nơi 500 công ty lớn nhất cả nước tuyên bố mua lại 800 tỷ USD vào năm ngoái.

Các nhà phê bình thì cho rằng các công ty Nhật Bản chưa tận dụng triệt để số tiền mặt họ có. Hoạt động mua bán và sáp nhập là một ví dụ. Tổng các thương vụ được công bố bởi các công ty niêm yết ở Nhật Bản năm nay đã giảm xuống còn 95 tỷ USD từ mức 215 tỷ USD trong cùng giai đoạn vào năm ngoái.

Bằng việc ngồi trên đống tiền mặt ở mức lãi suất bằng 0, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các công ty cũng thấp hơn, Soichiro Matsumoto - Giám đốc Đầu tư tại Credit Suisse Group cho biết.

Thói quen tiết kiệm của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản không quá ngạc nhiên. Sau khi bong bóng tài sản vỡ vụn đầu thập niên 90, hầu hết doanh nghiệp có quan điểm thận trọng. Kinh tế trì trệ sau đó khiến nhiều tổ chức tài chính sụp đổ và không thể cho các doanh nghiệp vay tiền.

3 thập kỷ sau, các lãnh đạo công ty vẫn muốn độc lập tài chính, không phải đi vay. "Chiến lược là có nhiều tiền mặt. Vì nó giúp bạn linh hoạt khi làm M&A hoặc để dự phòng sau này. Ai mà biết được khi nào nền kinh tế chuyển xấu", Khan cho biết.

Nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ thay đổi nhiều hơn nữa, do ngày càng nhiều nhà hoạt động nhắm vào các công ty trả ít cổ tức. Dù vậy, phần lớn cho rằng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng cao. Còn lợi nhuận chia cho cổ đông sẽ chỉ nhích nhẹ.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM