Các cơ quan đều làm đúng quy định, vì sao 9 tấn chất cấm vẫn đường hoàng vào Việt Nam?

28/03/2016 16:08 PM | Chính sách

Bộ Công an chưa phát hiện trường hợp nhập lậu, Bộ Nông nghiệp cấm sử dụng, còn Bộ Y tế thì cấp phép nhập khẩu để về làm thuốc.

Chất tạo nạc Salbutamol bị xếp vào danh mục 18 hóa chất bị cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhưng hơn 6 tấn chất cấm Salbutamol lại được bán ra thị trường khá đường hoàng, vì theo Bộ công an, không hề có dấu hiệu nhập lậu các chất cấm này, còn Bộ Y tế thì vẫn cấp phép để nhập về làm thuốc.

Vì sao chất cấm vào được Việt Nam?

Từ lâu Salbutamol đã là chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc.

Người ăn thịt lợn chứa tồn dư chất cấm này có thể bị nhiễm độc, rối loạn tiêu hóa, tuần hoàn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa Salbutamol vào danh sách chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Song, Bộ Y tế lại cho phép nhập khẩu làm thuốc cho người.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2015, trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu hơn 9 tấn Salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp, trên 6 tấn đã được bán ra thị trường.

Tuy nhiên, chỉ có 10 kg, tức 1% chất cấm này được sử dụng đúng quy định. Gần như nguyên vẹn hơn 6 tấn chất cấm còn lại đã được sử dụng để giúp 6 triệu con lợn bung đùi, nở vai, và từ đó chui vào bụng người Việt.

Bộ nào cũng làm đúng quy định

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Mặc dù Bộ đã đưa Salbutamol vào danh sách chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi song Bộ Y tế lại cho phép nhập khẩu làm thuốc cho người.

“Đến nay chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nhập lậu chất cấm nên có thể khẳng định nguồn cung này thời gian qua chủ yếu là đi qua con đường nhập khẩu về làm thuốc” – Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết.

- Bộ Công an

Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh tra kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, xử lý những nơi vi phạm phát hiện được. Đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã nêu vấn đề, đề nghị ngành Dược kiểm tra có cho phép nhập quá nhiều so với nhu cầu làm thuốc chữa bệnh, và từ đó Salbutamol đã bị tuồn ra sử dụng cho chăn nuôi.

- Bộ Y tế

Salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay. Theo quy định, Salbutamol và các nguyên liệu làm thuốc khác được xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân.

Còn về Thông tư ban hành danh mục hóa chất cấm nhập khẩu sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (danh mục cấm bao gồm cả Salbutamol), Bộ Y tế cho rằng Bộ không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi ban hành để phối hợp quản lý.

Nhưng ngay khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc nguyên liệu Salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để kiểm soát việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích, bao gồm cả việc gửi văn bản thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các sở y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với C49 thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Chắc hẳn, người dân biết thông tin này đều phẫn nộ và lo lắng vì chắc ai cũng đã từng ăn ít nhiều thịt lợn trong thời gian qua. Nhưng nghe giải thích của các ngành thì có vẻ ngành nào cũng có lý. Nhưng cùng lúc, tất cả đều thấy có cái gì đó KHÔNG ĐÚNG. Vậy cái KHÔNG ĐÚNG đó là gì?

Mời quý vị xem bài viết:

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM