Các chuyên gia kinh tế thế giới chỉ ra nguyên nhân của cuộc suy thoái toàn cầu
Giá nhà tăng nhanh ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây đã làm dấy lên một số lo ngại về khả năng suy giảm và hậu quả tiềm tàng của nó.
Giáo sư đại học Yale Robert Shiller - người đạt giải Nobel Kinh tế 2013 cho rằng các nguy cơ chính mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt là khủng hoảng thị trường nhà đất, khủng hoảng thị trường ngoại hối, áp lực lãi suất. Hơn nữa, nền kinh tế đã qua thời kỳ hưng thịnh và đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ ba pha (phục hồi, bùng nổ và suy thoái).
Cụ thể, ông nhấn mạnh nhất vào khủng hoảng bất động sản.
Khủng hoảng nhà đất được cho là sẽ bắt đầu từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. IMF cảnh báo, cung nhà ở tại Mỹ và Trung Quốc tăng cao sẽ khiến giá bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, kéo nền kinh tế của họ vào suy thoái.
Với những bằng chứng mới nhất từ thị trường nhà đất toàn cầu, IMF cho biết, nguy cơ sụt giá nhà đất ở cả hai quốc gia này là do lãi suất thấp kéo dài và các tổ chức tài chính thì quá lỏng lẻo trong việc cho vay. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa giá nhà đất và hoạt động của toàn nền kinh tế từ năm 1990 đến 2017, ám chỉ rằng sức mạnh của thị trường nhà đất sẽ kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng thì toàn nền kinh tế cũng sẽ bị kéo theo.
Lãnh đạo IMF Christine Lagarde cho biết, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đã khiến thị trường tài chính gặp khó khăn nhiều hơn. Kết hợp với căng thẳng thương mại và mối lo ngại về Brexit, nền kinh tế toàn cầu trở nên ngày càng bất ổn trong những tháng gần đây. IMF có khả năng sẽ hạ mức dự báo tăng trưởng thế giới năm 2019 và 2020.
Giáo sư Robert Shiller nói: "Tỉ lệ thất nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến giá nhà đất. Nếu mọi người lo ngại về rủi ro thất nghiệp, họ sẽ không nhiệt tình lắm với việc mua nhà".
Trong trích đoạn từ Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu, IMF giải thích: mức độ rủi ro đối với thị trường nhà đất Hoa Kỳ hiện nay tương đương với giai đoạn 2002-2003. Nếu không có các quy định chặt chẽ hơn về cho vay, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào nguy cơ sụt giá nhà đất, dẫn đến một cú sốc đối với các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, ông Mark Zandi - kinh tế trưởng của Moody's Analytics lại cho rằng các khoản nợ lớn mới là nguy cơ chính dẫn đến suy thoái. Đến năm 2020, khi không còn các chính sách tài khóa mở rộng, cộng với việc FED tăng lãi suất, áp lực sẽ bùng nổ lên các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế: "Các công ty đa quốc gia đã tăng trưởng rất tốt trong thời gian gần đây, họ có rất nhiều tiền mặt và sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều từ các khoản nợ.
Tuy nhiên các công ty tư nhân và các tổ chức phi ngân hàng khác thì không như vậy. Họ đang cố gắng thúc đẩy việc tăng lợi nhuận, và vay nhiều hơn để phát triển. Tổng khoản nợ của họ đã lên đến 2.800 tỷ USD. Một con số khổng lồ".
FED tăng lãi suất cao sẽ khiến các khoản nợ phải thanh toán ngày càng phình to, gây áp lực lớn cho các công ty. Họ sẽ phải cắt giảm đầu tư, cắt giảm nhân công để trả nợ, đó chính là mầm mống của suy thoái kinh tế.
Ông Mark Zandi cho rằng phần lớn các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump là không hiệu quả: "Chính phủ đang vay nợ để tài trợ cho cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Điều đó chỉ làm giảm cơn "khát" tạm thời, cái ta còn lại là những khoản nợ khổng lồ. Mấu chốt là, thâm hụt không phải là vấn đề của riêng một thời điểm nào, mà nó là dài hạn.
Cũng như biến đổi khí hậu, chúng ta biết nó là một vấn đề nghiêm trọng, nếu như ta không hành động thì thảm họa sẽ xảy ra, nhưng ta lại không đoán được bao giờ nó đến. Tôi không biết chính xác khủng hoảng sẽ diễn ra khi nào, nhưng tôi chắc chắn sẽ có khủng hoảng, và ta nên hành động trước".