Cá sấu già nằm lỳ nhưng bắt được linh dương, cá sấu trẻ bơi mãi chỉ tìm được chú chim nhỏ và bài học về sức mạnh của “không làm gì”

03/10/2019 09:46 AM | Sống

Cá sấu nằm lỳ không có nghĩa là “há miệng chờ sung”, và đôi khi “không làm gì” cũng chẳng phải vì bạn lười nhác. Đó là cách giúp bản thân thư giãn, tự suy ngẫm rồi những ý tưởng mới mẻ sẽ tìm đến bạn.

Cá sấu già, cá sấu trẻ

Chuyện kể rằng có con cá sấu già nua đang nằm lỳ bên bờ sông thì một chú cá sấu trẻ bơi lại gần và lên tiếng hỏi: "Nghe nói bác là tay thợ săn ác liệt và hung dữ nhất ở dòng sông này. Làm ơn chỉ cho tôi vài kỹ thuật của bác được không?"

Bị đánh thức sau giấc ngủ chớp nhoáng vào một buổi chiều đẹp, cá sấu già liếc nhìn anh bạn trẻ bằng đôi mắt bò sát của mình, không nói không rằng, tiếp tục thiếp đi trên mặt nước.

Cảm thấy thất vọng và không được tôn trọng, cá sấu trẻ bơi ngược dòng để đuổi theo mấy con cá trê, bắn tung bọt nước phía sau. Nó tự nhủ: "Đợi đấy, tôi sẽ cho ông thấy."

Cuối ngày hôm đó, con cá sấu trẻ quay lại, thấy cá sấu già vẫn trườn dài người ra ngủ. Nó bắt đầu khoe khoang về chiến tích của mình: "Hôm nay tôi đã bắt được hai con cá trê. Bác đã kiếm được gì rồi. Không có sao? Có vẻ bác không lợi hại như lời đồn!"

Cá sấu già nằm lỳ nhưng bắt được linh dương, cá sấu trẻ bơi mãi chỉ tìm được chú chim nhỏ và bài học về sức mạnh của “không làm gì” - Ảnh 1.

Con cá sấu già vẫn điềm tĩnh, liếc nhìn rồi lại nhắm mắt, để thân nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một lần nữa, cá sấu trẻ giận dữ vì không được tiếp chuyện. Nó lại bơi ngược dòng, cố gắng săn thêm thứ gì đó.

Sau vài giờ quậy phá, lần này, cá sấu trẻ háo hức bơi về, miệng ngậm một con sếu nhỏ, khí thế hừng hực hòng chứng minh ai mới là thợ săn thực thụ. Và cảnh tượng vẫn vậy, cá sấu già nằm lỳ ở chỗ cũ.

Tuy nhiên khi ấy, có một con linh dương đang uống nước sông gần ngay đầu cá sấu già. Thế là nhanh như chớp, nó lao ra khỏi nước, hàm ngoặm chặt vào con mồi rồi lôi xuống. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, cá sấu trẻ chỉ biết lẳng lặng bò lên bờ với chú sếu nhỏ, nhìn bác cá sấu già thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn.

Cá sấu trẻ khẩn thiết: "Làm ơn…. hãy nói cho tôi! Thế nào mà bác lại làm được điều đó?"

Cá sấu già cuối cùng cũng đáp: "Tôi không làm gì cả."

Căn bệnh "cực kỳ bận rộn"

Nhà sáng lập JotForm, một công ty xây dựng phần mềm trực tuyến tại San Francisco chia sẻ trên trang Medium của mình: "Vào những ngày đầu xây dựng JotForm, tôi rất giống cá sấu trẻ - rằng tôi luôn phải làm gì đó để có kết quả."

"Trước kia, nếu ai nói rằng kết quả có thể sẽ tốt lên khi tôi dành nhiều thời gian hơn để không làm gì, tôi sẽ bỏ ngoài tai và tiếp tục lao vào công việc trong 16 tiếng mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng để thành công, phải liên tục xây dựng, làm việc, phát triển và phát triển những thứ tiếp theo - bất kể điều đó là gì."

Cá sấu già nằm lỳ nhưng bắt được linh dương, cá sấu trẻ bơi mãi chỉ tìm được chú chim nhỏ và bài học về sức mạnh của “không làm gì” - Ảnh 2.

Tất cả chúng ta đều đang gặp phải vấn đề với sự bận rộn. Thế giới hiện nay đang đang đo lường giá trị theo thuật ngữ "bận rộn" hơn là chất lượng công việc. Nói cách khác, nó đã trở thành một thứ biểu tượng – văn hóa "bận rộn".

Nếu bạn chào hỏi những nhân viên văn phòng tại New York rằng: "Anh/chị khỏe không?" thì câu trả lời phổ biến nhất là: "Tôi bận!". Không chỉ là biểu tượng, đó còn là một niềm tự hào. Nhưng chính tại Mỹ, trong một cuộc khảo sát với 2.000 nhân viên toàn thời gian, có tới 60% thú nhận phải đối mặt với cẳng thẳng ở mức 3 hoặc cao hơn (trên thang đo 5).

Ở phương Đông, người Nhật Bản hiện cũng loay hoay tìm "thuốc giải" cho căn bệnh "nghiện công việc" đã ám ảnh hàng trăm năm.

Lợi ích của "không làm gì"

Nếu người Mỹ tôn thờ văn hóa bận rộn thì người Hà Lan lại theo đuổi triết lý "không làm gì", hay còn gọi là Niksen.

Việc giữ mình luôn bận rộn mọi lúc có thể khiến chúng ta mất khả năng giữ sự trầm tĩnh vì bộ não liên tục được tua lại. Trong khi đó, đối với Niksen, "không làm gì" không đồng nghĩa với lười nhác mà là cách để tâm trí nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và sức sáng tạo.

Nghiên cứu từ Đại học Trung tâm Lancashire đã phát hiện ra rằng mơ mộng - một tác động không thể tránh khỏi của sự nhàn rỗi, nghỉ ngơi - theo nghĩa đen làm cho chúng ta sáng tạo hơn, giải quyết vấn đề tốt và đưa ra những ý tưởng sáng tạo tốt hơn. Họ cũng chia sẻ rằng: "Hãy để tâm trí tìm kiếm sự kích thích của riêng mình. Khi bạn có được giấc mơ và tâm trí lang thang là lúc bạn có nhiều khả năng để có được sự sáng tạo."

Cá sấu già nằm lỳ nhưng bắt được linh dương, cá sấu trẻ bơi mãi chỉ tìm được chú chim nhỏ và bài học về sức mạnh của “không làm gì” - Ảnh 3.

Hay một ý tưởng khác - "Think Weeks" (Tuần lễ suy ngẫm), được tỷ phú Bill Gates khởi xướng từ những năm 1980. Nhà sáng lập Microsoft dành 1 tuần, 2 lần/năm để "đi trốn" đến một cabin gỗ nhỏ bí mật nằm ở đâu đó trong khu rừng tuyết tùng ở Tây Bắc Thái Bình Dương, tự mình suy nghĩ về công việc, chiến lược cho công ty. Đến nay, Gates vẫn luôn kiên quyết với chương trình này, đến gia đình, nhân viên và cả nhân viên Microsoft cũng bị cấm.

Cá sấu già nằm lỳ nhưng bắt được linh dương, cá sấu trẻ bơi mãi chỉ tìm được chú chim nhỏ và bài học về sức mạnh của “không làm gì” - Ảnh 4.

Những nhà sáng lập trẻ như Mike Karnjanaprakorn của Skillshare hay Steve Jobs, Mark Zuckerberg và Tim Ferriss đều đã thực hiện phương pháp này.

Học cách "không làm gì"

"Tuần lễ suy ngẫm" hay Niksen đều có điểm chung là tách bản thân ra khỏi guồng quay bận rộn và đám đông thường ngày, tái tạo năng lượng bằng cách thư giãn. Đó có thể đơn giản chỉ là ngồi không bên bờ biển, đi dạo hay chọn không gian yên tĩnh, không bị quấy rối bởi đồng nghiệp, công nghệ và thậm chí là gia đình.

Nhưng bạn không nhất thiết phải cách ly với gia đình và bạn bè trong tuần lễ "Think Weeks". Nhà sáng lập JotForm chọn dành nguyên một tuần để thoát khỏi công ty, trở về quê hương, giúp bố mẹ thu hoạch ô-liu.

"Tất cả những suy nghĩ về tăng trưởng của công ty đều biến mất khi bạn chọn ô-liu. Nhưng đó là thiền định và giúp bạn bình tĩnh. Tôi biết rằng ô-liu không giúp mình đạt đến đỉnh cao của TechCrunch nhưng đó là thước đo thành công cá nhân."

Cá sấu già nằm lỳ nhưng bắt được linh dương, cá sấu trẻ bơi mãi chỉ tìm được chú chim nhỏ và bài học về sức mạnh của “không làm gì” - Ảnh 5.

Tuy nhiên, ông chia sẻ một cách đơn giản hơn để mọi người đều có thể làm được. Vào thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, hãy buộc mình tránh xa mọi hình thức công nghệ. Hãy tắt chiếc smartphone của bạn đi, giấu nó vào tủ quần áo. Tắt nguồn máy tính, cố gắng không mở Netflix.

Hãy để não bộ của bạn rời xa không gian hỗn độn và công việc bận rộn thường ngày. Việc còn lại chỉ là "không làm gì". Khi ấy, tâm trí sẽ có thời gian tìm đến những ý tưởng mới hoặc xử lý những vấn đề cũ theo cách tốt hơn.

Giống như bác cá sấu già ở đầu bài viết, bạn sẽ nhận thấy kết quả tích cực đến thế nào. Trong khi xã hội và chính bản thân bạn luôn nhắc nhở rằng ta sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn bằng cách bon chen, xô đẩy trên đường đời. Nhưng đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại, để tâm trí thả trôi, những chú linh dương sẽ đến.

T. Dương

Cùng chuyên mục
XEM