Cà phê Việt Nam – Đi sẽ thành đường

27/12/2018 10:00 AM | Kinh doanh

Việt Nam là một quốc gia có lượng cà phê xuất khẩu vào hàng “nhất nhì” trên thế giới. 25 năm trước, Việt Nam chỉ xuất khẩu từ 4 - 5 triệu bao (chừng 300.000 tấn). Vụ mùa 2017, Việt Nam xuất gần 30 triệu bao (tương đương 1.8 triệu tấn). Chúng ta chỉ lo về số mà quên về chất nên không khó trả lời vì sao đến giờ này, cà phê Việt Nam vẫn chưa được khách hàng biết đến!

Tôi chọn lối đi riêng cho mình, hầu góp chút gì cho hương vị cà phê Việt Nam bay xa hơn…

Có một nỗi buồn lớn

Chúng ta xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới. Nhiều quốc gia mua hạt cà phê từ Việt Nam. Như Tây Ban Nha, 70% lượng cà phê của quốc gia này mua từ Việt Nam. Ý và Đức cũng vậy, có những thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất nước này dùng tới 70% hạt cà phê Việt Nam. Nhưng hỏi đến một thương hiệu cà phê Việt Nam, lại không ai biết! Nhiều khách hàng chỉ nhớ đến: Colombia, Ấn Độ, thảng hoặc là Indonosia, không hề có ai nhắc đến hai tiếng: Việt Nam. Tôi xin nhắc lại, Việt Nam xuất 30 triệu bao, còn Colombia chỉ là 14 triệu bao, Indonesia có 10 triệu bao.

Tại sao thân phận cà phê của Việt Nam hẩm hiu như vậy? Hỏi chuyện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn, họ nói rằng, chỉ muốn bán sao cho nhiều, không hề nhớ đến chất lượng, còn chuyện quảng bá cà phê Việt Nam à, khó quá, bỏ qua đi.

Ai nói Việt Nam không "xúc tiến thương mại thế giới" là sai rồi nhưng qua đó, cứ "cưỡi ngựa xem hoa", vòng vòng vài nơi rồi… du lịch và mua sắm! Nói hay lắm, lập kế hoạch thật là xuất sắc nhưng không ai tính đến hiệu quả tương xứng với số tiền bỏ ra. Ngân sách quốc gia mà. Riết rồi quen, trở nên bình thường, đến nỗi chẳng ai cảm thấy phiền lòng.

Ai đã từng đến các hội chợ về cà phê, hãy một lần ghé qua các gian hàng của Indonesia, Ấn Độ để thấy cung cách "xúc tiến thương mại" của họ. Cả một đội quân hùng hậu, từ chuyên gia thử nếm đến chuyên gia tiếp thị. Vòng trong vòng ngoài, khách kéo đến rần rần. Đó mới là Indonesia, Ấn Độ, Colombia…, còn cỡ như Brazil thì Việt Nam phải gọi bằng "đại sư phụ’ từ nông dân trồng cà phê cho đến doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến...

Hơn 10 năm trước Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Arabica lớn trên thế giới. Tuy nhiên, chất lượng không ổn định nên niềm tin ngày càng rơi rụng dần. Sao mà không buồn khi cùng là hạt cà phê Arabica nhưng Việt Nam chỉ bán được 2.200 USD/tấn (FOB), còn Arabica của Indonesia lại bán được giá 6.000 USD, có khi lên tới 8.000USD/tấn.

Giá xuất khẩu thấp, còn người dân trong nước đang uống cà phê pha bắp, đậu nành, ghê sợ nhất là trộn với hóa chất cho phê! Một quốc gia trồng cà phê nhất nhì thế giới mà như vậy sao? Sao mà không buồn...

Lối đi riêng

Năm 2015, chúng tôi bắt đầu xây dựng hàng cà phê đặc biệt với tên gọi: Blue Ocean (hàng đặc biệt cho loại cà phê Wash Robusta). Còn nhớ, khi tôi đến hội chợ hàng cao cấp trình bày, có vị khách người Pháp suýt sặc khi tôi nói cà phê Việt Nam có loại "đặc biệt".

Tôi buồn, rồi tự ái. Lòng tự trọng của một người trồng và xuất khẩu cà phê không thể để khách xúc phạm. Tôi kiên trì làm cà phê chất lượng cao giới thiệu cho khách thế giới. Trong hai năm, 2016 và 2017, tôi liên tục giới thiệu và gửi mẫu thử cho khách. Thật tuyệt vời, tại hội chợ cà phê được tổ chức tại Hà Lan vào đầu năm 2018, tôi được khách hàng chấp nhận và đặt hàng sản xuất robusta Blue Ocean. Từ ngày đó đến giờ, đã có nhiều khách hàng Thụy Sỹ, Đức và Italia đặt tôi sản xuất cà phê đặc biệt chất lượng cao. Hiện nay, lượng hàng này đã đủ nhà máy sản xuất.

Câu chuyện Sơn La

Một năm trước, tôi và một người bạn đến Sơn La. Là dân kinh doanh cà phê nên tôi chỉ để ý đến thông tin Sơn La trồng rất nhiều cà phê. Tôi mua vài ký cà phê arabica Sơn La đem về rang xay, uống thử, thấy ngon, có nhiều hương vị lạ, khác với cà phê Arabica của vùng Tây nguyên. Có lẽ ở đây có nắng gió với 4 mùa xuân - hạ - thu - đông và độ cao nên cà phê có nét riêng.

Ý định xây dựng nhà máy chế biến cao cấp hình thành. Tôi cử nhân viên dự án và chất lượng khảo sát. Kết quả khả quan. Qua thông tin của nhân viên khảo sát gởi về, tôi nhận ra Sơn La đã trồng cà phê hơn 30 năm rồi, chất lượng ngon, vậy mà chưa có tên, chưa ai biết đến. Thương lái mua cà phê Sơn La, muốn bán hàng, phải trộn với cà phê Arabica Đà Lạt, Lâm Đồng, thậm chí với robusta. Vì vậy mà Arabica Sơn La có giá rất thấp, thấp hơn cà phê Đà Lạt.

Tôi nhận ra cơ hội cho cho Phúc Sinh và Sơn La. Tôi xúc tiến xin giấy phép xây dựng nhà máy, được UBND tỉnh hỗ trợ. Sau 8 tháng xây dựng, nhà máy đi vào hoạt động. Ngày khai trương, tôi mời rất nhiều đối tác trong và ngoài nước đến Sơn La nếm cà phê Blue SonLa cho dòng Arabica và Blue Ocean cho dòng cà phê đặc biệt robusta. Có nhiều đơn đặt hàng cho hai dòng này.

Tôi vui vì góp phần xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam và cho Phúc Sinh. Phía trước vẫn còn bao cam go nhưng tôi nghĩ, cứ đi, sẽ tới bến bờ yêu thương…

Phan Minh Thông

Từ khóa:  cà phê , kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM