Cà phê chồn – thức uống sang chảnh hay ngành công nghiệp đẫm máu

27/07/2016 15:30 PM | Sống

Có giá thành nhiều nơi lên tới 100$ cho mỗi ly thế nhưng đằng sau cốc cà phê đặc biệt ấy lại là một ngành công nghiệp ngược đãi động vật khó ai ngờ.

Cà phê chồn vốn được biết đến là loại cà phê mà chỉ những người có tiền mới dám mở hầu bao mua làm đồ uống. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những ly cà phê được cho là đặc biệt thơm ngon ấy là những “mảnh đời bị tước đoạt” và những tiếng kêu gào thảm thiết mà những chú cầy hương phải chịu đựng sau lồng sắt.

Loại cà phê đắt nhất thế giới có thể “ngốn” của bạn tới 100$ một ly, nhưng khoản tiền ấy còn đi kèm đằng sau nó một chi phí bí ẩn khác nữa: Ấy là cái giá cho sự hạnh phúc của một loài động vật bản địa giống mèo rừng Đông Nam Á.

Chúng ta đang nói đến một loại cà phê hạng sang trong thế giới cà phê, vốn được biết với cái tên “cà phê chồn” hay còn gọi là cà phê Kopi luwak theo tiếng Indonesia. Thức uống đặc biệt này được đặc trưng bởi hương vị thơm ngon hiếm có, ít chua và được làm từ hạt cà phê đã được tiêu hóa một phần sau khi được bài tiết ra khỏi cơ thể của loài cầy cọ Châu Á. Trong khi giá của cà phê chồn đã ghi nhận mức giảm kể từ năm 2013, giá hạt cà phê vẫn vươn đà tăng mạnh từ 200$ đến 400$ một cân và được “lùng” mua bởi không ít khách du lịch.


Kopi luwak vốn được dùng để chỉ tên của một loại hạt mà loài chồn Luwak- loài động vật sinh trưởng tại vùng Luwak, đảo Java của Indonesia- thải ra sau khi chúng ăn cà phê trong tự nhiên.

Kopi luwak vốn được dùng để chỉ tên của một loại hạt mà loài chồn Luwak- loài động vật sinh trưởng tại vùng Luwak, đảo Java của Indonesia- thải ra sau khi chúng ăn cà phê trong tự nhiên.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Neil D’Cruze – một nhà nghiên cứu về động vật hoang dã của tổ chức phi chính phủ World Animal Protection và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Đáng buồn thay, nhiều khách du lịch mù quáng trước một loại cà phê được làm từ những con chồn bị nuôi nhốt một cách tàn bạo mà thậm chí họ còn xếp hàng chụp ảnh, rồi chia sẻ trên các mạng xã hội.”

Trong khi cầy hương hoang dã chỉ ăn một lượng nhỏ hạt cà phê như một phần trong chế độ ăn cân bằng của chúng, thì những con cầy nuôi nhốt xấu số lại bị “ép ăn” cả những hạt cà phê chưa đến kỳ chín mọng. Loài động vật thường sống về đêm này cũng phải chịu cảnh giam cầm trong các lồng nuôi ngập nắng ngột ngạt. Bị kích động, chúng tự cắn xé cơ thể và gặm nhấm đôi chân của chính mình, rất nhiều con rơi vào tình trạng ốm yếu và chết vì “căng thẳng”.

Từ năm 2013, ít nhất 13 nhà bán lẻ, bao gồm các cửa tiệm nổi tiếng của Anh như Harrods và Selfridges – đã dỡ bỏ cà phê chồn ra khỏi kệ hàng hoặc hứa sẽ nghiêm ngặt điều tra quy trình sản xuất loại cà phê sang chảnh này. Tuy nhiên, việc điều tiết ngành “công nghiệp nô lệ” này có vẻ là một ý tưởng vô cùng phức tạp. Người ủng hộ quyền động vật cho rằng, rất khó để “lần theo” nguồn gốc của hạt cà phê chồn, thậm chí việc xác định xem liệu những hạt cà phê này có được sản xuất trên “tinh thần nhân đạo” hay không là một việc còn khó khăn hơn nữa.

Theo ông Chris Shepherd – phó Giám đốc tổ chức bảo tồn động vật Traffic tại Đông Nam Á- cho biết: “Trong khi Indonesa được coi là trung tâm của thứ mốt đồ uống vô nghĩa này, thì cũng có nhiều nhà sản xuất khác tại Thái Lan, Việt Nam và một số nơi khác trong khu vực.”. “ Cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu được quy mô đầy đủ của ngành công nghiệp này, và tìm ra phương cách làm giảm bớt nhu cầu về loại đồ uống đang gây ra nỗi đau cho những loài động vật hoang dã.”

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM