Cà phê chất lượng cao - Hướng đi bền vững cho cà phê Việt
Năm 2018 tiếp tục là một năm "buồn" với thị trường cà phê, khi mức giá vẫn giữ ở mức thấp do áp lực dư cung và biến động tiền tệ. Thế nhưng, có một doanh nghiệp vẫn kiên trì với định hướng làm cà phê chất lượng cao và liên kết với người nông dân để tìm đầu ra cho hạt cà phê Việt.
Mua đất trồng cà phê: Một "nước cờ" mới hay một quyết định đầu tư mạo hiểm?
Theo thống kê mới đây, Việt Nam xuất khẩu được 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới (cà phê Robusta lớn nhất thế giới), sau Brazil.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ngành cà phê Việt Nam đang chỉ phát triển về "lượng" mà thiếu đi phần "chất", nên cà phê Việt Nam luôn chỉ đứng ở hàng nguyên liệu với giá trị thấp.
Tại Việt Nam, trong năm 2018, diện tích trồng cà phê ở một số khu vực bị thu hẹp trong bối cảnh giá xuống thấp. Có thời điểm, giá cà phê chạm đáy 50 năm trong khi chi phí như xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu tăng. Giá bán có lúc giảm xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất. Điều này làm rất nhiều nông dân phá bỏ cây cà phê, chuyển sang trồng cây trái khác. Đó là một thực trạng rất buồn và dần dần sẽ không nhiều người nhiệt huyết với ngành cà phê nữa.
"Mỗi mùa vụ cà phê đều đi kèm với rất nhiều khó khăn chồng chất, càng đi sâu vào ngành cà phê mới thấy làm cà phê tử tế khó khăn đến thế nào. Nguyên nhân cố hữu làm giảm chất lượng sản phẩm là nông dân có thói quen bón phân không đúng chu trình, thu hoạch khi quả chưa chín. Chất lượng thấp dĩ nhiên giá thành bán không cao được. Vì thế không ai tin vào nghề, không muốn phát triển cà phê tâm huyết mà chỉ trồng, bán để thu lời trước mắt, tạo thành vòng lặp không lối thoát." - Nguyễn Văn Hoà, chuyên viên hạt cà phê - The Coffee House
Giữa bối cảnh đó, The Coffee House (TCH) quyết định chọn một hướng đi đầy thử thách và rủi ro, đầu tư mua Cầu Đất Farm để trồng cà phê. Theo đó, thương hiệu này cam kết giá ổn định cho nông dân trồng cà phê và hỗ trợ kiến thức kỹ thuật canh tác… với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái cà phê lành mạnh và phát triển. Trên hết đó là việc theo đuổi lập trường về làm cà phê mộc, sạch và chất lượng tại thị trường Việt Nam.
Gieo nguồn sống mới cho hạt cà phê Việt
Cà phê có ướp tẩm ra đời vào giai đoạn kinh tế khó khăn, mọi người tẩm phụ gia để có mùi cà phê dùng tạm. Qua thời gian, người ta lầm tưởng đó là cà phê truyền thống của Việt Nam. Thực chất, cà phê mỗi vùng như Khe Sanh, Cầu Đất, Sơn La... với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau sẽ có hương vị riêng. Hương vị cà phê cũng có chút thay đổi theo từng vụ mùa khác nhau, tuỳ thuộc vào lượng mưa, lượng nắng của mỗi mùa vụ.
"Phải yêu hương vị của hạt cà phê lắm mới luôn tôn trọng hương vị nguyên thuỷ của nó, "đừng" pha trộn khi rang chế. Nghệ thuật của rang chế là giữ hương vị nguyên thuỷ của nó, và phối trộn nhiều loại hoạt khác nhau, nhằm tạo ra hương vị ngon hơn, hợp khẩu vị hơn, lấp đi nhưng khiếm khuyết mang tính ngoại vi." - Trần Lê Minh Trúc, nghệ nhân rang cà phê - The Coffee House
Ấp ủ ước mơ về một "ngôi nhà cà phê", TCH đã đi "nước cờ khác biệt" khi đầu tư 33 ha đất để trồng cà phê, với tham vọng chủ động về nguyên liệu và cung cấp cà phê chất lượng cao cho người dùng. TCH còn mong muốn có thể áp dụng những gì học hỏi được ở Cầu Đất Farm vào những vùng trồng cà phê khác, nhằm đưa chất lượng cà phê đi vào chiều sâu, nhiều hơn là số lượng, tiếp tục truyền cảm hứng để có thêm nhiều nông hộ chuyển sang cách làm bền vững này, để cùng nhau gầy dựng lại uy tín cho hạt cà phê Việt, giúp thị trường phát triển bền vững dài hạn.
TCH còn nỗ lực tìm tòi các loại giống mới kèm quá trình chọn lọc nghiêm ngặt, lai tạo được nhiều đặc tính tốt, tăng khả năng kháng sâu bệnh, chất lượng tốt và cho năng suất cao. Không chỉ vậy, các loại phân bón cũng phải dựa trên kết quả chuẩn đoán thực tế về nhu cầu dinh dưỡng của cây trông chứ không phải làm theo thói quen lâu nay.
Bên cạnh đó, TCH cũng đưa vào sử dụng các loại chế phẩm bảo vệ thực vật mới, ít độc hại với người dùng, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiểm môi trường. Cùng với đó, là việc đầu tư nghiên cứu và đưa vào hoạt động hệ thống chế biến cà phê hiện đại nhằm bảo quản chất lượng cà phê lâu hơn.
Anh Nguyễn Hải Ninh - CEO TCH chia sẻ: "The Coffee House cảm nhận được trách nhiệm của mình phải phục hồi lại uy tín và giá trị của ngành café Việt nam". Nỗ lực phục hồi giống café, gầy dựng những giống mới, mua hồi café với giá cao hơn 50% so vơi thị trường mà TCH đang làm từ năm 2018 tới giờ đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong việc phát triển cây cà phê và lấy lại được lòng tin của người trồng cà phê. Thay đổi tập quán canh tác để có hạt cà phê chất lượng rất quan trọng nhưng hành trình đó không hề dễ dàng, và chúng tôi biết mình phải kiên trì với con đường đã chọn. Đã đến lúc cần xây dựng danh tiếng vững chắc cho cà phê chất lượng cao Việt Nam."
--