Cả Donald Trump và Hillary Clinton 'cùng phe', đối đầu với quan điểm tổng thống Obama về vấn đề này

08/11/2016 15:36 PM | Kinh tế vĩ mô

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại tư do đa phương được tạo ra nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn diện giữa 12 quốc gia nằm trong vòng cung Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, và Chile. Các nước này, nếu xét toàn thể, chiếm đến 40% GDP toàn thế giới.

Những người đề xuất cho rằng thỏa thuận này gồm các điều khoản nâng cao các tiêu chuẩn trong khu vực về lao động, các quy định về môi trường và sở hữu trí tuệ.

Tổng thống Mỹ Obama đã biến TPP thành ưu tiên hàng đầu cho những tháng cuối cùng trong nhiệm sở của mình, và hy vọng rằng có thể thuyết phục quốc hội Mỹ phê chuẩn với sự trợ giúp của những người thuộc đảng Cộng hòa như John Kasich và Mitch McConnell. Nhưng thỏa thuận này vấp phải rất nhiều phản đối.

Cả Donald Trump và Hillary Clinton cùng phe, đối đầu với quan điểm tổng thống Obama về vấn đề này - Ảnh 1.

Hillary Clinton và Donald Trump đều nói rằng họ không ủng hộ TPP. Đây là một trong số rất ít những vấn đề mà họ tỏ ra đồng thuận. Đáng chú ý là, cả hai đều phản đối TPP vào lúc mà chính sách bảo hộ đang ngày càng trở nên phổ biến khi người lao động ở Mỹ tiếp tục lo ngại về vấn đề mất việc làm vào tay các nước khác.

Lập trường của Clinton về TPP

Hillary Clinton đã công khai phản đối TPP từ tháng 10/2015, khi văn bản của thỏa thuận này được hoàn tất.

Cả Donald Trump và Hillary Clinton cùng phe, đối đầu với quan điểm tổng thống Obama về vấn đề này - Ảnh 2.

"Hiện giờ tôi phản đối thỏa thuận này, tôi sẽ tiếp tục phản đối thỏa thuận này sau cuộc bầu cử, và kể cả khi trở thành tổng thống", bà đã phát biểu như vậy tại Michigan vào tháng 8 vừa rồi.

Sự phản đối của Hillary đã cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn so với sự ủng hộ mà bà dành cho thỏa thuận này khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Khi đó bà đã từng nói TPP "đặt ra tiêu chuẩn vàng cho các thỏa thuận thương mại".

Trong một cuộc tranh luận trong nội bộ đảng Dân chủ vào tháng 10/2015, bà đã nói: "TPP vừa được đưa ra đàm phán lần cuối vào tuần trước, và khi nhìn lại tôi thấy nó không đáp ứng được những tiêu chuẩn của mình. Đó là những tiêu chuẩn về việc làm mới có chất lượng hơn cho người Mỹ, về tăng tiền lương cho người lao động ở Mỹ".

Clinton cũng thể hiện sự lo ngại khi cho rằng thỏa thuận này không đủ khả năng tạo nên những can thiệp hiệu quả về tiền tệ, mà bà khẳng định là sẽ "không mang lại việc làm cho người Mỹ", và việc thiếu các điều khoản để bảo hộ sáng chế cho các công ty dược ở các nước nghèo sẽ đặt "quyền lợi của các công ty dược lên trước bệnh nhân và người tiêu dùng".

Lập trường của Trump về TPP

Cả Donald Trump và Hillary Clinton cùng phe, đối đầu với quan điểm tổng thống Obama về vấn đề này - Ảnh 3.

Donald Trump vẫn liên tục phản đối TPP trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, và đã thề sẽ phá bỏ thỏa thuận này khi được bầu làm tổng thống. Trong một cuộc vận động tranh cử vào tháng 6 ở Ohio, Trump đã nhắc đến thỏa thuận này như "một cơn cưỡng bức không ngừng lên đất nước này" và là "đòn chí mạng cho nền sản xuất ở Mỹ".

Ứng viên của đảng Cộng hòa này còn cho rằng quá trình toàn cầu hóa chính là nguyên nhân gây nên những khó khăn cho kinh tế nước Mỹ, và khẳng định TPP sẽ "hủy hoại hàng triệu việc làm".

Ông cũng từng bày tỏ những mối quan ngại tương tự về NAFTA, và đã thề sẽ phá bỏ thỏa thuận giữa Mỹ, Canada và Mexico này để bảo vệ và khôi phục thật nhiều việc làm cho người Mỹ.

Trump vẫn liên tục nhắc nhở công chúng về sự ủng hộ trước đây của Clinton đối với TPP, cũng như lời khẳng định của Thống đốc bang Virginia là Terry McAuliffe vào tháng 7 vừa rồi, trong đó cho rằng Clinton sẽ trở mặt và ủng hộ TPP nếu đắc cử. McAuliffe sau đó đã phải rút lại tuyên bố này.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM