Buồn phiền ơi, xin tạm biệt mi…

27/02/2017 20:05 PM | Sống

"Cảm giác buồn phiền, chán chường hay thất vọng, tôi cho rằng nó khá giống cảm cúm hay nói nôm na bệnh này không có gì nghiêm trọng cả và chúng ta thường chỉ mất vài ba bữa là lại vượt qua".

Tôi đã từng viết bài Khi người trẻ cô đơn, tại thời điểm ấy là tôi nghe được cuộc điện thoại từ một người bạn và vì lo lắng cho em ấy nên sau đó tôi hay nhắn tin và gọi cho em. Vậy mà 6 tháng sau vào một sáng ở Melbourne, tôi nhận tin em đã ra đi vĩnh viễn.

Chúng tôi đã không thể kéo em quay trở lại cuộc sống này vì em đã chọn ra đi, chọn thoát khỏi cuộc sống mà em cho rằng “không còn gì vì những người em yêu thương đã ra đi”. Em về bên kia thế giới để lại cho gia đình em, những người bạn, những anh chị em quen biết bao niềm xót xa và chúng tôi đều thương cho em – một người giỏi, dễ thương.

Sáng nay tôi lại nhận được một email từ một người bạn khác. Bạn đang trầm cảm và tuyệt vọng và bạn nói tôi đừng liên lạc vì bạn sẽ là nguồn năng lượng xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tôi. Và không ít lần trong những ngày khác, tôi vẫn hay nhận những tin nhắn như “tui mệt mỏi quá” hay “tui chán quá” (bài viết Chênh vênh 30).

Nghe có vẻ cũng bình thường vì ai trong chúng ta cũng từng có những cảm giác ấy. Tuy vậy, tôi lại tin rằng chúng ta cần thay đổi cách nhìn để giúp đỡ người thân hay bạn bè, cũng như chính chúng ta cũng cần sống tích cực hơn để luôn thấy niềm vui và động lực cho chúng ta.

Chuyện chúng ta hay buồn phiền do việc gì đó không như ý cũng không có gì to tát (theo đúng kiểu khổ vì “sở cầu bất đắc”). Hay chúng ta cũng có thể buồn hay giận ai đó vì những hành vi, thái độ không đúng đắn hay có thể do ta thấy mình không được thấu hiểu và yêu thương đủ.

Cảm giác buồn phiền, chán chường hay thất vọng, tôi cho rằng nó khá giống cảm cúm hay nói nôm na bệnh này không có gì nghiêm trọng cả và chúng ta thường chỉ mất vài ba bữa là lại vượt qua. Cái tôi cũng muốn nói ở đây là ở Việt Nam chúng ta vì quá coi nhẹ cơn cảm cúm nên một là để cho nó tích tụ lâu ngày dẫn đến những căn bệnh nặng hơn như trầm cảm và rối loạn tâm trí (từ nhẹ đến nặng).

Tuy vậy, cũng có một cái nhìn khắt khe khác ở chính xã hội đó là nếu tôi đi khám bệnh vì tôi thấy mình trầm cảm một thời gian thì tôi phải giấu tất cả mọi người nếu tôi không muốn ai đó gán ghép cho tôi một cụm từ “mĩ miều” là “Con ấy bị thần kinh/ bị điên/ bị khùng đấy”.

Cách xã hội nhìn nhận khiến nhiều người có vấn đề thật sự không dám đi thăm khám, và cứ thế tự nhốt mình vào “sự trầm cảm kéo dài”. Xã hội chúng ta cũng thiếu bao dung ngay cả khi nếu xung quanh ta, có ai đó than phiền về stress, đôi khi ta thậm chí còn không để ý đến hay nói ra những lời khiến nhiều bạn trẻ càng bế tắc vì thiếu đồng cảm và tôn trọng. Vậy nên chúng ta hãy bao dung hơn chút nữa và “có tình” hơn chút nữa!

Ngoài ra, chúng ta cần làm gì để chủ động tránh xa sự phiền não?

Khi viết tới đây, tôi muốn kể về một người bạn tôi quen thân. Anh có bằng tiến sỹ, đang là quản lý cấp cao của một tập đoàn khá lớn. Anh có hai con gái đang tuổi cập kê xinh đẹp và khá giỏi.

Nhiều bạn sẽ nói “người ta nghèo, không có tiền, không có thành công người ta mới phiền não, vậy anh này, cuộc sống như vậy, anh còn muốn gì?”.

Nếu nói về tài sản, tôi nghĩ anh có quyền hãnh diện về một cơ ngơi khang trang, vài ba căn nhà cho thuê, vài ba dự án đầu tư. Vậy mà anh lại đầy phiền não, cuộc sống luôn gắn liền với thuốc chống trầm cảm.

Thật ra tôi nghĩ không phải sự giàu hay nghèo, hay sự thành công quyết định đến sự bình an trong tâm tưởng mà chính cái suy nghĩ “biết đủ là hạnh phúc” sẽ giúp chúng ta tránh xa những sự buồn phiền thế này.

Với anh bạn của tôi, anh chưa bao giờ hài lòng với mình cả. Có lần nói chuyện với tôi anh bảo, anh muốn sau này anh có thể cho con anh nhà cửa và tài sản và chính những suy nghĩ như vậy khiến anh dù không hề thích công việc hiện nay, anh cũng không nghỉ. Anh vẫn đi làm, làm ở một nơi mà anh cho rằng “tồi tệ lắm, trừ lương” nên chính vì vậy tôi có cảm giác anh đang sống một cuộc sống đầy vật chất mà thiếu tinh thần.

Tôi thấy thực ra anh đang đặt ra cho bản thân mình quá nhiều kỳ vọng và mục tiêu và dù đã có tài sản và sự kính trọng của nhiều người, anh vẫn sống một cuộc sống quá nhiều “khổ tâm”. Chúng ta có thể tránh xa những cảm xúc tiêu cực nếu chúng ta biết đủ và đủ hạnh phúc với những điều mà chúng ta có so với xã hội. Ngoài ra, việc chủ động làm chủ cuộc đời với những kế hoạch cho bản thân như tập thể dục thể thao, nâng cao kiến thức hay tham gia các hoạt động xã hội và giúp đỡ những người không may mắn.

Cũng sẽ có những trường hợp mà tôi biết là do những tổn thương từ bé. Tôi sẽ nói thêm một chút về trường hợp đầu tiên – một người em còn trẻ. Lúc khuyên em tôi đã không biết em có một tuổi thơ dữ dội đến thế. Sự bạo hành bằng lời nói và đòn roi từ khi em còn bé đã khiến em có một vết thương lòng không nguôi.

Em không thể tha thứ cho cha mình, và từ lúc mẹ em mất thì em hầu như mất hết tình yêu thương gia đình. Tôi biết ngày xưa, chuyện cha mẹ cho rằng “yêu con là cho roi cho vọt” là lẽ bình thường nhưng nếu càng ngày trình độ dân trí càng tăng, chúng ta cũng cần phải thay đổi suy nghĩ và cách dạy con. Dạy con có rất nhiều phương pháp, việc đánh đập hay chửi bới con không những khiến trẻ tổn thương thân thể mà còn về tinh thần và đây mới là nỗi đau cả đời.

Cô đơn, chán chường, bế tắc hay thất vọng vốn dĩ không quá to tát và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng tôi nghĩ chúng ta cần có cái nhìn bao dung, chia sẻ và thấu cảm hơn nữa với những người thân và bạn bè xung quanh. Ngoài ra, tôi nghĩ chúng ta cần sống tích cực, mở rộng lòng mình, và bao dung hơn để tránh xa những cảm xúc tiêu cực.

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
XEM