Bước tiến mới của in 3D sinh học: tạo ra cả mảng mô tim người có khả năng cấy ghép

01/07/2018 10:06 AM | Công nghệ

Thành công này không chỉ cho thấy một bước tiến lớn của in 3D sinh học, nó còn mang lại hy vọng cấy ghép cho hàng triệu người bị bệnh tim hoặc các dị tật khác trong cơ quan nội tạng.

Trong dài hạn, mục tiêu của công nghệ in 3D sinh học là có thể in 3D các cơ quan nội tạng người với đầy đủ chức năng để có thể sử dụng thay thế cho các cơ quan nội tạng đã bị hỏng cần cấy ghép. Điều đó có thể vẫn còn cách chúng ta nhiều năm nữa, nhưng trong tuần này một startup về công nghệ sinh học tại Chicago, Biolife4D đã thông báo một cột mốc quan trọng mới: họ có khả năng in sinh học các tế bào mô tim ở người.

Bước ngoặt khoa học này đến chỉ một thời gian ngắn sau khi công ty mở một cơ sở nghiên cứu mới tại Houston. Họ phát triển công nghệ in một mảng mô tim, chứa nhiều loại tế bào tạo nên tim người. Một ngày nào đó, công nghệ này có thể sử dụng để giúp chữa trị cho các bệnh nhân, những người đang phải chịu căn bệnh suy tim cấp để phục hồi lại khả năng co bóp của tim, nhằm tạo lực bơm máu đi khắp cơ thể.

Bước tiến mới của in 3D sinh học: tạo ra cả mảng mô tim người có khả năng cấy ghép - Ảnh 1.

Mảng mô tim người được tạo ra bằng công nghệ in 3D sinh học của Biolife4D.

"Mảng mô tim mà chúng tôi in được cho thấy 2 tiến bộ quan trọng." Steven Morris, CEO của Biolife4D, cho biết. "Đầu tiên, nó cho thấy khả năng của Biolife4D trong việc lấy mẫu máu của bệnh nhân, tái lập trình chúng trong tế bào gốc, tái lập trình chúng một lần nữa để tạo nên các loại tế bào khác nhau, cần thiết cho kỹ thuật in 3D sinh học tim của chúng ta để có thể cấy ghép. Và sau đó in 3D sinh học với những tế bào đó để làm nên các mô tim người sống."

"Thứ hai, đây là lần đầu tiên một mảng mô tim người được in 3D sinh học, có chứa nhiều loại tế bào làm nên tim người, và bao gồm cả phân bố mạch máu sơ cấp - tất cả những điều này đều cần thiết để làm nên một mảng mô tim có chức năng và có thể sống được sau quá trình in." Ông cho biết.

Với tiềm năng cứu sống con người của công nghệ này, Biolife4D đang tiến xa hơn trong việc đạt được mục tiêu của in 3D sinh học. Tuy nhiên, ông Morris cũng lưu ý rằng, trong khi các công ty khác đã từng làm những mảng mô tương tự như vậy trước đây, vẫn chưa ai có khả năng đem đến các loại tế bào làm nên tim người, cùng với phân bố mạch máu cần thiết để cơ thể có thể nuôi dưỡng tế bào này và loại bỏ các chất thải của chúng.

"Bạn có thể nghĩ về nó giống như đây là lần đầu tiên tất cả các thành phần cần thiết được sử dụng để làm nên công thức một cách chính xác." Ông cho biết thêm.

Trong tương lai, BIolife4D hy vọng sẽ tiếp tục phát triển mảng mô này để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trong khoảng 6 tháng. Họ cũng sẽ tiếp tục với một dự án lớn hơn, có thể in được một quả tim người bằng kích thước thật với đầy đủ chức năng, bằng cách tập trung vào việc in 3D sinh học các bộ phận khác, như van tim, mạch máu và tim mini đang hoạt động.

Tham khảo Digital Trends

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM