Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng ra sao trong nửa đầu năm 2018?

12/09/2018 14:48 PM | Kinh doanh

Mới đây công ty chứng khoán ngân hàng Sacombank (SBS) công bố báo cáo phân tích cập nhật ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, nửa đầu năm 2018, các ngân hàng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt.

 Trong 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có đến 16 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trung bình toàn ngành là 53,7%.

Trong đó, VIB có mức tăng trưởng mạnh nhất (201%), và LPB là ngân hàng duy nhất có mức tăng trưởng âm (-28%). Do giá cổ phiếu giảm mạnh trong khi thu nhập bình quân mỗi cổ phiếu tăng, chỉ số P/E và P/B (dựa trên số liệu của 4 quý gần nhất) của nhóm 17 cổ phiếu ngân hàng giảm đáng kể so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2018.

Các nguyên nhân chính tác động đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là: (1) Tăng trưởng tín dụng, (2) Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, (3) Kiểm soát tốt hơn các loại chi phí và (4) Giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng

SBS Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2018 cho thấy hầu hết các ngân hàng đều đạt tăng trưởng trong hoạt động cho vay khách hàng. Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng cho vay khách hàng ở 17 ngân hàng niêm yết đạt 9,2% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ là 10,8%. Trong đó nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng từ 10% trở lên như TPBank, HDBank, LienVietPostBank, ACB, Vietcombank, MBB… Hoạt động huy động tiền gửi tăng 10,2% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng ra sao trong nửa đầu năm 2018? - Ảnh 1.

Nguồn: SBS.

Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh

Thu nhập ngoài lãi tăng trung bình 45,3%, chủ yếu đến từ thu nhập dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán. Thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng tốt nhờ tăng thu phí, bán chéo sản phẩm và hoạt động kết hợp giữa ngân hàng và bảo hiểm.

Trong khi đó, thu nhập từ chứng khoán đạt mức tăng tốt một phần nhờ lãi suất trái phiếu không hấp dẫn, giảm mạnh từ 4,36% cuối năm 2017 xuống còn 3,65% cuối tháng 6/2018. Thu nhập kinh doanh và đầu tư chứng khoán tăng 31,3% so với cùng kỳ, chiếm 3,13% tổng doanh thu.

Thu nhập từ hoạt động thu hồi ngoại bảng tăng mạnh 79,9% so với cùng kỳ, chiếm 7,43% tổng thu nhập. Do xu hướng tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ trong thời gian gần đây và do bị ảnh hưởng bởi kế hoạch tăng lãi suất của FED, doanh thu kinh doanh và đầu tư chứng khoán có thể bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập dịch vụ và thu hồi nợ ngoài bảng vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

Kiểm soát tốt chi phí, tỉ lệ NIM được cải thiện

Việc kiểm soát chi phí thể hiện qua mức chi phí hoạt động và chi phí rủi ro tín dụng chỉ tăng lần lượt 14,7% và 17,4% so với cùng kỳ, thấp hơn các mức tăng trưởng thu nhập. Tỷ lệ NIM ngành NH được cải thiện trong năm 2018. Trung bình NIM Q2/2018 toàn ngành là 3,27% và dự kiến tăng 18,5% vào năm 2019.

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng ra sao trong nửa đầu năm 2018? - Ảnh 2.

Nguồn: SBS.

SBS nhận định lãi suất cho vay sẽ vẫn giữ ổn định đối với các doanh nghiệp nhưng sẽ tăng đối với nhóm khách hàng cá nhân, nhất là với các khoản vay thế chấp kỳ hạn dài. Đây sẽ là một trong các yếu tố chính giúp cải thiện hệ số NIM các năm tới. Các ngân hàng phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng với lãi xuất cho vay cao hơn các dịch vụ cho vay truyền thống làm gia tăng tỉ lệ NIM. Tiêu biểu là 3 ngân hàng VPB, MBB, HDB có tỉ lệ NIM cao nhất toàn ngành. Tuy nhiên bên cạnh đó, các ngân hàng này sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu.

Tăng giảm chi phí dự phòng rủi ro Chi phí dự phòng rủi ro chiếm đến 42% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Trong 17 ngân hàng, có 6 ngân hàng chi phí dự phòng rủi ro giảm so với cùng kỳ năm 2017 là: ACB, TCB, EIB, LPB, KLB và BAB. Trong đó ACB và TCB có chi phí dự phòng rủi ro giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Tuy vậy nhìn chung toàn ngành chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm 2018 tăng 14% so với cùng kỳ.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM