Bức tranh doanh nghiệp và nỗi trăn trở của Thủ tướng

02/10/2018 10:46 AM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều thách thức đang đặt ra với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy trong 3 quý của năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng 2,8% và tăng 6,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể thì không ngừng tăng mạnh, lần lượt là 48,1% và 32,1%.

Đặt biệt hơn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân bị đánh giá còn thấp, chậm cải thiện.

Tình trạng này khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra câu hỏi tại sao hiệu quả hoạt động kinh doanh của khối tư nhân vẫn chưa được như mong đợi trong bối cảnh Chính phủ đang rất quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả?", Thủ tướng nói tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra.

Số lượng điều kiện kinh doanh, tính đến nay vẫn còn 40% cần cắt giảm. Trong khi đó, việc cắt giảm được Thủ tướng nhận định là có tình trạng đối phó, khiến vừa cắt đã mọc. Đây là vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu ý và yêu cầu các Bộ, ngành phải khẩn trương rà soát, thực hiện đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Mặt khác, những diễn biến khó lường của thương mại thế giới trong điều kiện độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn, Thủ tướng yêu cầu phía Ngân hàng Nhà nước phải có những theo dõi, dự báo, để đưa ra giải pháp kịp thời đối với vấn đề tỷ giá, lãi suất. Từ đó, ổn định thị trường tài chính, tạo thế yên tâm cho doanh nghiệp.

Trăn trở của Thủ tướng, đặt trong bức tranh chung của doanh nghiệp hiện nay là rất cấp bách. Mục tiêu của Việt Nam, như đã đề ra trước đó, đến năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu này đang được đánh giá là "ngày càng xa vời".

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói rằng với tốc độ thành lập mới doanh nghiệp mới lẫn tốc độ giải thể, phá sản như trong 2 năm qua, rất khó cán đích con số trong mục tiêu.

Số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017 (được thực hiện 5 năm một lần) cho biết tính đến 1/7/2017, cả nước có hơn 517,9 nghìn doanh nghiệp nhưng số lượng hoạt động thực tế là 505,1 nghìn. Lượng doanh nghiệp tăng thêm hướng đến mục tiêu đề ra chủ yếu từ nguồn thành lập mới và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đăng ký lên doanh nghiệp.

Ông Lâm nói rằng để đạt con số 1 triệu doanh nghiệp, từ nay đến năm 2018, mỗi năm cả nước phải có thêm 120 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này chưa tính đến việc không có doanh nghiệp nào phá sản, giải thể.

So sánh với tốc độ thành lập doanh nghiệp 2 năm 2016 – 2017 lần lượt là 126,9 nghìn và 110 nghìn, ông Lâm nhận xét là không đạt mục tiêu.

Giải pháp, nếu khả thi, được ông Lâm cho biết là phải có đầy đủ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp thành công.

Như vậy, bức tranh doanh nghiệp có sáng màu hay không lại quay trở lại với những trăn trở của Thủ tướng, về một nền kinh tế ổn định, có môi trường kinh doanh bền vững, các thủ tục hành chính được cải cách, tinh giản.

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM