Bức tranh đại gia ngành ngân hàng: Tổng nợ xấu 10 ngân hàng lớn gần 59.000 tỷ đồng, BIDV "đội sổ", VPBank báo không có nợ xấu, xuất hiện các giao dịch lớn với nước ngoài trong tháng 7

02/08/2019 14:01 PM | Kinh doanh

BIDV và ngân hàng Á châu (ACB) và tám ngân hàng thuộc nhóm 30 doanh nghiệp có vốn hóa lớn ảnh hưởng đến chỉ số VN Index trên thị trường chứng khoán đồng loạt công bố báo cáo bán niên năm 2019, cho thấy toàn cảnh bức tranh nợ xấu và lợi nhuận.

Tổng nợ xấu 10 ngân hàng lớn gần 59.000 tỷ đồng

Tổng giá trị nợ xấu ba nhóm của BIDV tăng mạnh nhất so với đầu năm gần 2.320 tỷ đồng. Nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm tỉ trọng lớn nhất và mức độ gia tăng cao nhất trong số 10 ngân hàng. 

BIDV cũng dẫn đầu bảng xếp hạng nợ xấu khi có tổng giá trị nợ xấu là hơn 21.120 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 2,01%).

Xếp thứ hai về giá trị nợ xấu gia tăng sau BIDV là Vietcombank, khi số nợ xấu tăng thêm sau nửa năm là hơn 910 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ xấu ba nhóm của Vietcombank là gần 7.134 tỷ đồng (chiếm  tỉ lệ 1,026%), xếp thứ ba sau Vietcombank là Vietinbank (hơn 13.000 tỷ đồng – chiếm tỉ lệ 1,47%).

Mặc dù ba ngân hàng "đại gia" có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hàng đầu thị trường là BIDV, Vietinbank và Vietcombank ghi nhận tổng nợ xấu đạt hơn 41.264 tỷ đồng nhưng riêng Vietinbank lại chứng kiến giá trị nợ xấu có chiều hướng giảm đi hơn 681 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngoài Vietinbank, chỉ có hai ngân hàng ACB và Eximbank giảm được nợ xấu sau 6 tháng. Riêng ngân hàng ACB có tổng giá trị nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu xếp thấp nhất nhóm ngân hàng (hơn 1.656 tỷ đồng – chiếm tỉ lệ 0,67%). 

Còn trường hợp VPBank không ghi nhận nợ xấu trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay đều tập trung vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) và gia tăng nhanh chóng từ hơn 4.500 tỷ đồng lên gần 18.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Sacombank có khoản nợ xấu tăng thêm thấp nhất nhóm ngân hàng (hơn 55,7 tỷ đồng) nhưng tỉ lệ nợ xấu lại cao nhất nhóm (2.04%), do giá trị nợ xấu lên đến 5.702 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khá cao so với tổng dư nợ là 279.420 tỷ đồng.

Như vậy, trong 10 ngân hàng có quy mô lớn công bố báo cáo tài chính bán niên 2019, có 3 ngân hàng ghi nhận tổng nợ xấu giảm, 1 ngân hàng không ghi nhận nợ xấu và 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng. Tổng nợ xấu của các ngân hàng nói trên là gần 59.000 tỉ đồng, trong đó ba ngân hàng giữ vị trí đầu bảng chiếm tỉ lệ nợ xấu gần 70%.

Theo báo cáo của các ngân hàng lớn nói trên tổng dư nợ cho vay tới thời điểm 30/6/2019 đạt 3,86 triệu tỉ đồng, tăng trưởng gần 283.134 tỉ đồng so với đầu năm, tương ứng tỉ lệ gia tăng 7,91%.

Bức tranh đại gia ngành ngân hàng: Tổng nợ xấu 10 ngân hàng lớn gần 59.000 tỷ đồng, BIDV đội sổ, VPBank báo không có nợ xấu, xuất hiện các giao dịch lớn với nước ngoài trong tháng 7 - Ảnh 1.

Vào cuối tháng 7, BIDV phát hành 603.302.706 cổ phiếu riêng lẻ (15% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư Hàn Quốc - ảnh : Phương Danh

Ngân hàng Việt vẫn hấp dẫn khối ngoại ?

Không chỉ dẫn đầu về nợ xấu, ngân hàng BIDV còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2019 giảm gần 184 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 cũng giảm hơn 180 tỉ đồng so với lũy kế 6 tháng đầu năm 2018.

Tương tự, Eximbank cũng bị giảm lợi nhuận quý 2-2019 gần 52 tỉ đồng so với quý 2-2018 và lợi nhuận lũy kế bán niên 2019 giảm mạnh gần 216 tỉ đồng so với lũy kế cùng kỳ năm 2018.

Hai ngân hàng khác là Vietinbank và Sacombank báo cáo lợi nhuận quý 2-2019 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lũy kế bán niên 2019 lại gia tăng. Riêng hai ngân hàng Vietcombank và VPBank dẫu đầu bảng xếp hạng về tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận.

Cụ thể, báo cáo của Vietcombank cho thấy lợi nhuận sau thuế thu nhập đạt khoảng 4.361 tỉ đồng, tăng hơn 1.434 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. VPBank cũng tăng trưởng gần 643 tỉ đồng đối với chỉ tiêu tài chính nói trên. Ngoài ra, bảng xếp hạng còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế ấn tượng của Techcombank, đạt 2.433 tỉ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank.

Sáu tháng đầu năm nay cũng chứng kiến hai giao dịch lớn có yếu tố nước ngoài của ngành ngân hàng, diễn ra vào cùng thời điểm tháng 7.

Ngân hàng BIDV đang dẫn đầu hệ thống về tổng dư nợ cho vay (hơn 1,065 triệu tỷ đồng). Mặc dù "đội sổ" về một số chỉ tiêu nợ xấu nhưng không thể phủ nhận thị phần dư nợ rất lớn của BIDV. Trong khi ngân hàng xếp thứ hai là Vietinbank có tổng dư nợ 6 tháng chỉ đạt hơn 0,885 triệu tỷ đồng.

Vị thế của BIDV trên thị trường cũng có thể là một trong các lý do mà đối tác KEB Hana Bank lựa chọn ngân hàng này làm đối tác chiến lược. Vào cuối tháng 7, BIDV phát hành 603.302.706 cổ phiếu riêng lẻ (15% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư Hàn Quốc. 

Thương vụ trên có giá trị gần 20.300 tỉ đồng, chỉ đứng sau thương vụ quốc tế của SK Group đầu tư vào Tập đoàn Vingroup.

Trước đó, vào đầu tháng 7, VPBank cũng gửi hồ sơ niêm yết trái phiếu đợt 1 trị giá 300 triệu USD tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore vào ngày 11-7 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, sau khi trở thành đối tác chiến lược với hãng gọi xe Be hồi cuối tháng 5.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM