Bức ảnh Dải ngân hà được đăng bởi trang báo nổi tiếng National Geographic bị dân mạng tố là ảnh fake

09/05/2019 13:40 PM | Khoa học

Đến cả một tờ báo có uy tín như National Geographic cũng thể tránh khỏi những bức ảnh không đúng với sự thật.

Trang báo nổi tiếng National Geographic mới đây đã đăng một loạt các ảnh thiên văn của nhiếp ảnh gia Beth Moon, chụp lại những cây có tuổi đời lớn nhất Thế giới phía dưới bầu trời sao. Nhưng có một bức ảnh nổi bật trong số đó, không phải vì độ đẹp hay tính kỹ thuật chụp cao mà vì nhiều người cho rằng đó là một ảnh đã bị chỉnh sửa.

Bài viết có tựa đề "Ngắm nhìn những cây lớn tuổi nhất Thế giới dưới ánh sao", được đăng vào ngày 26/4 bởi biên tập viên khoa học Catherine Zuckerman của Nat Geo, chứa các ảnh chụp của Beth Moon. Đây là những lời mô tả của Nat Geo trong bài viết:

Trong dự án mới nhất, cô Moon chuyển từ nhiếp ảnh film sang chụp bằng máy ảnh số. Các máy ảnh số có khả năng nhạy sáng cao hơn rất nhiều, tạo ra các bức ảnh đầy màu sắc ấn tượng. Hình ảnh sử dụng trong bài được cô chụp trong một ngày không có ánh sáng của Mặt trăng nên thân cây trong ảnh được chiếu sáng bởi các ngôi sao phía trên, cùng với sự trợ giúp của đèn flash.

Vì chụp hình trong điều kiện thiếu sáng, cô Moon đặt máy ảnh về chế độ màn trập chậm, và phải dừng lại khi có gió. "Với mỗi ảnh chụp trong vòng 30 giây, bạn không hề muốn các cành cây bị rung bởi gió. Chính vì vậy nên quá trình chụp rất kỳ công và có nhiều thời gian chờ đợi." - cô Moon chia sẻ.

Bức ảnh Dải ngân hà được đăng bởi trang báo nổi tiếng National Geographic bị dân mạng tố là ảnh fake - Ảnh 1.

Bài viết cũng đã được chia sẻ trên mạng xã hội của National Geographic. Trên Facebook, Nat Geo có tới 45 triệu người theo dõi, và bài này đã nhận được 23.000 lượt thích, hơn 7.900 lượt chia sẻ và 500 bình luận.

Bức ảnh Dải ngân hà được đăng bởi trang báo nổi tiếng National Geographic bị dân mạng tố là ảnh fake - Ảnh 2.

Trong 500 bình luận đó, có rất nhiều nói về tính xác thực của bức ảnh chụp "Rừng cây Baobab và Dải ngân hà tại Botswana". Theo đó, phần chính giữa Dải ngân hà đã được sao chép lại nhiều lần vào các phần khác nhau của ảnh, rất có thể để tăng độ nét hoặc làm nó lớn hơn so với thông thường.

Bức ảnh Dải ngân hà được đăng bởi trang báo nổi tiếng National Geographic bị dân mạng tố là ảnh fake - Ảnh 3.

Bài viết cũng không có bất cứ phần nào nói về liệu các bức ảnh có được chỉnh sửa hay không, chỉ nói chúng sử dụng kỹ thuật chụp phơi sáng (long-exposure photography).

Người dùng Facebook mang tên Greg Stevens chia sẻ: "Hãy nghiên cứu một cách kỹ càng trước khi đăng những bức ảnh này lên vì có thể làm người xem có cái nhìn sai về Vũ trụ. Tôi vẫn cho đây là các bức ảnh đẹp, nhưng chúng đã được chỉnh sửa lại, không đúng với thực tế, và tác giả phải trung thực về điều này."

Bức ảnh Dải ngân hà được đăng bởi trang báo nổi tiếng National Geographic bị dân mạng tố là ảnh fake - Ảnh 4.

Hiện cả National Geographic và nhiếp ảnh gia Beth Moon vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về vấn đề này.

Theo M.Đức

Cùng chuyên mục
XEM