Bóng đen bao phủ Google: Mọi nỗ lực nhằm lật đổ iPhone đều đổ bể, 'cố đấm ăn xôi' vượt mặt Apple để rồi phải hối hận

23/08/2023 16:38 PM | Kinh doanh

Google lo sợ thiết bị Samsung dùng Android thất thế trước Apple nên quyết định phát triển sản phẩm phần cứng thông qua kính thực tế ảo, nhưng hàng loạt rắc rối đã diễn ra dù hãng đổ vô số tiền của vào đây.

Bóng đen bao phủ Google: Mọi nỗ lực nhằm lật đổ iPhone đều đổ bể, 'cố đấm ăn xôi' vượt mặt Apple để rồi phải hối hận - Ảnh 1.

Tờ Business Insider (BI) cho hay sau khi Apple ra mắt kính thực tế ảo Vision Pro vào tháng 6/2023 và được kỳ vọng là tạo nên cuộc cách mạng mới cho toàn ngành thì Google đã bị bao phủ một luồng không khí khủng hoảng.

Trong nhiều năm, Google đã cố gắng phát triển các thiết bị liên quan đến vũ trụ ảo nhưng không thành công, từ Google Glass cho đến những sản phẩm liên quan sau này đều mất dần sức hút theo thời gian mà không để lại bất kỳ ấn tượng gì.

Tầm nhìn của Google là nếu các thiết bị dùng Android trên thị trường của Samsung thất thế trước iPhone của táo khuyết thì họ vẫn có thể tự chủ được một dòng sản phẩm phần cứng khác.

Bởi vậy bất chấp khó khăn, các nhà lãnh đạo Google vẫn tin tưởng rằng vũ trụ ảo sẽ là cuộc cách mạng công nghệ mới để rồi xây dựng một nhóm chuyên gia vào năm 2020 chỉ để phát triển kính thực tế ảo.

Bóng đen bao phủ Google: Mọi nỗ lực nhằm lật đổ iPhone đều đổ bể, 'cố đấm ăn xôi' vượt mặt Apple để rồi phải hối hận - Ảnh 2.

Dự án mang tên “Project Iris” ra đời chỉ để nhằm xây dựng một sản phẩm mà cả Apple lẫn Facebook cũng đang phát triển.

Để hoàn thành mục tiêu, Google đã mua lại startup North và Raxium nhưng cuối cùng vẫn vấp phải các thách thức về công nghệ.

Hậu quả là đầu năm 2023, Google đã buộc phải dừng dự án Iris để chuyển sang hợp tác với Samsung mang tên “Dự án Moohan” cũng để phát triển thiết bị thực tế ảo.

Trên thực tế, nguồn tin của BI cho biết việc Micrsoft ra mắt ChatGPT, lấy mất ánh hào quang của Google trong mảng trí thông minh nhân tạo (AI) đã khiến ban lãnh đạo công ty gặp khá nhiều áp lực. Những cố gắng về cắt giảm chi phí đã buộc Google phải dừng Iris để lựa chọn phương án thay thế hiệu quả hơn.

Thế rồi khi Apple ra mắt sản phẩm kính thực tế ảo của mình thì một không khí khủng hoảng bắt đầu bao trùm toàn dự án của Google.

Mặc dù Apple hay Meta (Facebook) đều gặp những khó khăn về công nghệ nhưng đã thành công vượt qua được để cho ra sản phẩm mới.

Trái lại, dự án Iris của Google liên tục thay đổi chiến lược khi gặp thách thức về kỹ thuật, chưa kể sự xao nhãng từ phía quản lý kể từ khi ChatGPT và AI gây sự chú ý.

Nguồn tin của BI cho hay tâm lý khủng hoảng trong dự án kính thực tế ảo của Google phản ánh sự tuyệt vọng của tập đoàn này nhằm cố gắng trở thành một ông lớn công nghệ sản xuất phần cứng tương tự như Apple.

Thật không may, Alphabet (Google) đã phải sa thải hàng loạt kể từ tháng 1/2023, bao gồm cả nhân viên của bộ phận kính thực tế ảo sau khi nhà đầu tư bất bình vì tập đoàn này bỏ lỡ xu thế AI, trong khi mảng vũ trụ ảo chưa có nhiều tiến triển.

Bóng đen bao phủ Google: Mọi nỗ lực nhằm lật đổ iPhone đều đổ bể, 'cố đấm ăn xôi' vượt mặt Apple để rồi phải hối hận - Ảnh 3.

“Mọi người vẫn chỉ đang học hỏi và mò mẫm. Tôi không nghĩ rằng một công ty có thể dẫn đầu ngành nếu vẫn chỉ đang loanh quanh ở mức học hỏi, tìm tòi về công nghệ”, một nhân viên giấu tên của Google nói với BI.

Đảo lộn

North là một startup phát triển kính thực tế ảo của Canada. Vào năm 2018, hãng này được chính phủ Canada hỗ trợ 24 triệu USD để phát triển sản phẩm, thế nhưng cuối cùng công ty cũng lâm vào khủng hoảng khi phải sa thải hàng loạt và nợ lương một nửa nhân viên.

Phía Google khi đó cho rằng North là một cơ hội tốt để thực hiện giấc mơ kính thực tế ảo nên đã cứu sống startup này thông qua thỏa thuận mua lại 180 triệu USD vào năm 2020.

“Google biết rằng họ muốn thực hiện kính thực tế ảo nhưng không thể có sẵn một đội chuyên gia hay một chiến lược phát triển sản phẩm. Tuy nhiên với North, họ có sẵn cả một khung bộ máy nhờ nguồn tiền khổng lồ”, một cựu nhân viên của North và Google nói với BI.

Ban đầu Google để những người cũ của North tiếp tục phát triển sản phẩm với ý tưởng tích hợp thêm các ứng dụng của hãng như Google Map, nhận diện hình ảnh, Lens...vào sản phẩm mới.

Thế nhưng vào năm 2021, Google lại tuyển dụng thêm kỹ sư kỳ cựu Mark Lucovsky vào ban điều hành dự án, đi cùng với đó là đội ngũ nhân viên của ông ta.

Hệ quả là phương hướng phát triển của Iris bị đảo lộn, từ việc tập trung phát triển hình ảnh cho một bên mắt sang tích hợp vô số ứng dụng, sản phẩm và biến thành một thiết bị tương tự với những gì Meta và Apple đã ra mắt ngày nay.

Bóng đen bao phủ Google: Mọi nỗ lực nhằm lật đổ iPhone đều đổ bể, 'cố đấm ăn xôi' vượt mặt Apple để rồi phải hối hận - Ảnh 4.

Vào tháng 5/2022, Google giới thiệu cặp kính Iris thử nghiệm đầu tiên có thể dịch thuật theo thời gian thực. Dù nhận được phản hồi tích cực nhưng ý tưởng này lại bị loại bỏ sau đó vì những khó khăn kỹ thuật để sản xuất hàng loạt và có lợi nhuận.

“Cứ mỗi 6 tháng là lại có một thay đổi. Các nhà quản lý nhìn vào dự án và nói: ‘Chúng tôi muốn sản phẩm hơi khác đi một tý’ và thế là mọi thứ dần đảo lộn hết lên”, một nhân viên giấu tên nói với BI.

Hỗn loạn

Đầu năm 2022, những thông tin về việc Apple sắp phát triển thành công thiết bị thực tế ảo đã khiến các nhà lãnh đạo Google cực kỳ lo lắng vì sợ bị lấy mất ánh hào quang trong mảng này.

“Tại Google, nỗi sợ Apple ra mắt sản phẩm mới tạo nên cuộc cách mạng ngành chứ không phải Google ngày một lớn dần”, một cựu nhân viên Google giấu tên nói với BI.

Để đẩy nhanh tiến độ, Google đã quyết định hợp tác với Samsung cũng nhằm phát triển bộ kính thực tế ảo tương tự như Vision Pro của Apple sau này, nhưng sử dụng hệ điều hành Android. Dự án này mang tên “Moohan”.

Điều rắc rối ở đây là phía Samsung không muốn có một nhóm phát triển khác cũng làm cùng mảng với họ vì lo ngại Google sẽ sử dụng các thông tin từ dự án Moohan để kiếm lợi cho chính mình.

Hậu quả là vào tháng 1/2023, Google quyết định đóng cửa Iris cùng với việc sa thải hàng loạt nhân viên trong thời điểm nhạy cảm.

Tập đoàn này gặp nhiều chỉ trích khi chậm chân trong mảng AI so với Microsoft và gặp áp lực cắt giảm chi phí đầu năm 2023.

Điều trớ trêu hơn là dù loại bỏ Iris để tập trung cho Moohan nhưng mới đây đài SBS Biz của Hàn Quốc cho hay Samsung đã phải lùi thời hạn ra mắt kính thực tế ảo của mình vì lo sợ không cạnh tranh nổi với Vision Pro.

Sự trễ hẹn này khiến thiết bị hợp tác giữa Samsung và Google bị lùi thời điểm ra mắt đến mùa hè năm 2024, tức là 1 năm sau ngày Apple giới thiệu sản phẩm của mình.

Không dừng lại đó, việc Google đóng cửa Iris khiến những lãnh đạo tài năng của North ra đi cùng đội ngũ thân tín của mình, để lại cho tập đoàn sự hỗn loạn.

Bóng đen bao phủ Google: Mọi nỗ lực nhằm lật đổ iPhone đều đổ bể, 'cố đấm ăn xôi' vượt mặt Apple để rồi phải hối hận - Ảnh 5.

Tờ BI cho hay trong khi Apple lẫn Meta đều sẵn sàng chi lớn cho kính thực tế ảo thì Google lại ngần ngại đổ tiền vào đây dù muốn sản xuất một sản phẩm phần cứng mang tính cách mạng.

Trong năm 2022, Meta đã chi đến 14 tỷ USd cho Reality Labs thì Apple cũng đổ hơn 1 tỷ USD mỗi năm để phát triển Vision Pro.

Với Google, con số đầu tư dù không được tiết lộ nhưng nguồn tin của BI cho hay tập đoàn này đang dần từ bỏ giấc mơ phần cứng khi bị bỏ lại quá xa.

Ngoài ra, việc phải dồn nguồn lực phát triển AI cạnh tranh cùng Microsoft càng khiến Google mất dần hứng thú cho kính thực tế ảo.

“Google rất thích mô hình sản phẩm phát triển xoay quanh hệ điều hành Android của mình, nhưng điểm cốt lõi là cho ra mắt một thiết bị phần cứng mà không phải phụ thuộc vào bên thứ 3 thì lại chưa có. Đây chính là điều làm nên đống lộn xộn của các dự án kính thực tế ảo”, một nhân viên giấu tên nói với BI.

*Nguồn: BI

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM