Bóng đá Myanmar và nửa thế kỷ tuyệt vọng tìm lại ngai vàng

20/11/2018 14:45 PM | Xã hội

Đã có một thời gian Myanmar đặt cả châu Á dưới chân và tất nhiên, không để Việt Nam vào mắt. Và đó là ký ức xa xôi không biết bao giờ mới trở lại.

George Scott sinh ra để chinh phục. Ông thích phiêu lưu, khát khao tìm hiểu những điều mới lạ, một bậc thầy và ngôn ngữ và phong tục địa phương. Ông cũng yêu thể thao, tương tự những người Anh khác, rất đam mê bóng đá.

Vào cuối thế kỷ 19, Scott có nhiệm vụ chấm dứt triều đại vua Thibaw Min và khuếch trương đế chế Anh ở Miến Điện. Nó được hoàn thành vào năm 1885. Tuy nhiên, những nơi xa xôi và hoang dã được cai trị bởi các "saopha", tức "Chúa tể của bầu trời", vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Scott là một kẻ xâm lược tàn nhẫn. Rất nhiều ngôi làng đã bị tàn sát. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, ông cố gắng tránh đổ máu nếu có thể. Biện pháp chủ yếu mà Scott dùng là đàm phán và… bóng đá.

Bóng đá Myanmar và nửa thế kỷ tuyệt vọng tìm lại ngai vàng - Ảnh 1.

George Scott (áo kẻ ngang) đứng giữa những người Myanmar bản địa trong một trận bóng đá.


Ví dụ, một ngày nọ ông tới bộ lạc Wa, nơi có rất nhiều "con đường rải đầu lâu", đúng vào mùa săn đầu người. Thay vì dùng súng, Scott kể cho họ những câu chuyện cười bằng 4 thứ tiếng khác nhau. Đám người dã man này cười lăn cười bò, để rồi mời nhóm của ông vào làng và nhập tiệc.

Khi những miếng thịt cuối cùng trôi xuống dạ dày và các bát rượu đã cạn, Scott lôi ra quả bóng đá và dạy họ chơi. Những người Miến Điện lập tức bị thu hút và sau đó, trở thành môn thể thao được ưa chuộng trong suốt thời kỳ bị cai trị bởi đế quốc Anh.

Kỹ năng chơi bóng của người Miến Điện khiến những "ông thầy" của họ cũng phải sửng sốt. Dễ hiểu bởi nó gần giống với trò trò chơi truyền thống ở đất nước chùa chiền. Nó có tên gọi caneball, mỗi đội gồm 6 người và cố gắng đưa qủa bóng đan bằng mây vào cái giỏ (trò này về sau được phục hưng và trở thành một môn thi đấu tại Sea Games 2013).

Bóng đá Myanmar và nửa thế kỷ tuyệt vọng tìm lại ngai vàng - Ảnh 2.

ĐT Myanmar giành chức Huy chương Vàng Asiad 1966.


Thế nên không có gì ngạc nhiên khi thoát ly khỏi người Anh, với tên gọi Myanmar, nước này trở thành cường quốc bóng đá ở châu Á. Họ là Á quân châu Á (Asian Cup) 1968, vô địch Asiad 1966 và 1970, đồng thời thống trị Đông Nam Á (SEA Games) với 5 lần đăng quang liên tiếp từ năm 1965 đến 1973.

Thời kỳ hoàng kim của Myanmar kết thúc vào năm 1973, bởi không bao giờ giành một danh hiệu bất kỳ sau thời điểm đó. Từ đội bóng mạnh nhất, họ trở thành một trong đội yếu nhất châu Á (năm 2012 rớt xuống vị trí thứ 182 trong BXH FIFA).

Sự suy giảm đáng kinh ngạc này đến từ chế độ độc tài quân sự. Kinh tế Myanmar bị suy kiệt, dĩ nhiên bóng đá không còn nhận được sự quan tâm. Thiếu thốn kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất yếu kém, các cầu thủ lần lượt bỏ nghề trong khi tài năng trẻ không có môi trường phát triển, "Sư tử châu Á" (biệt danh của ĐT Myanmar) chỉ là chú mèo vô hại.

Bóng đá Myanmar và nửa thế kỷ tuyệt vọng tìm lại ngai vàng - Ảnh 3.

Myanmar đang hồi sinh, dù còn lâu mới có thể trở lại vị thế trước kia.


Người Myanmar không chấp nhận để mọi chuyện tiếp tục diễn ra theo cách này. Trong nhiều năm trở lại đây, nhất là khi cuộc cải cách dân chủ được tiến hành, bóng đá ở đất nước chùa chiền cũng dần chuyển mình. Các sân vận động được xây dựng lại, hệ thống phân cấp được hoàn bị và giải đấu chuyên nghiệp (Myanmar League) ra đời năm 2009, dẫn tới đời sống cầu thủ được nâng cao.

Những đổi thay đã mang đến những kết quả tích cực ban đầu. Hồi mùa hè, Myanmar thuyết phục được Leeds, nhà vô địch Anh cuối cùng trước khi giải đấu hàng đầu nước Anh được nâng cấp thành Premier League, tới Yangon du đấu. Và năm 2016, ĐT Myanmar vào tới bán kết AFF Cup và thua Thái Lan, đội sau đó lên ngôi vô địch.

Vẫn còn một chặng đường dài để Myanmar đòi lại vị thế hàng đầu, xứng đáng với biệt danh "Sư tử châu Á". Tuy nhiên, ít nhất họ cũng không phải "những chú mèo" ngờ nghệch và cam chịu.

Theo Thanh Đình

Cùng chuyên mục
XEM