Bốn “thế hệ” người Việt Nam tại ĐH Oxford

26/03/2017 10:50 AM | Xã hội

Trong môi trường học thuật đứng đầu thế giới của ĐH Oxford, ít ai biết đã có tới bốn “thế hệ” người Việt Nam, đại diện cho bốn bậc học từ cử nhân đến sau tiến sĩ, đang theo học.

ĐH Oxford là viện đại học đầu tiên ở Vương quốc Anh và liên tục nằm trong danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới. Năm 2016, ĐH Oxford được xếp hạng nhất trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức Times Higher Education.

Theo thống kê, ĐH Oxford đã đào tạo 27 thủ tướng Anh, hơn 30 nguyên thủ quốc gia và có 65 giải thưởng Nobel....

4 "thế hệ" người Việt

Trần Quang Anh, sinh năm 1994, sinh viên năm cuối ngành Khảo cổ học và Nhân học

Trần Quang Anh
Trần Quang Anh

Du học từ năm 2009 với học bổng toàn phần chương trình A Level tại Trường Raffles Institution (Singapore), Trần Quang Anh tiếp tục được nhận vào ĐH Oxford chuyên ngành khảo cổ học và nhân học từ năm 2014.

Năm 2016, Quang Anh đã được lựa chọn làm Chủ tịch Hội Khảo cổ ĐH Oxford. Hiện nay, Quang Anh là thành viên của Ban Điều hành Tạp chí Khảo cổ Học sinh Quốc tế, một tạp chí được thành lập dành cho các nghiên cứu khảo cổ của học sinh và sinh viên trên toàn cầu.

Ngoài ra, Quang Anh đã tham dự một khóa học ngắn hạn tại ĐH Yale (Hoa Kỳ) vào năm 2016 với chuyên đề bảo tồn. Đề tài nghiên cứu của Quang Anh thời điểm hiện tại là văn hóa thành thị Việt Nam và văn hóa đại chúng đương đại Nhật Bản.

Quang Anh cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng Việt Nam tại Oxford với vai trò là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Oxford. Quang Anh là sinh viên đầu tiên được tín nhiệm lựa chọn làm Chủ tịch Hội trong 2 niên khóa liên tiếp. Trong nhiệm kì của mình, Quang Anh đã tham gia tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như kết nối cộng đồng người Việt khu vực Oxford như sự kiện Open Day 2016 và 2017, các ngày hội ẩm thực để quảng bá cho ẩm thực Việt...

Vũ Đỗ Khanh, sinh năm 1992, sinh viên Thạc sĩ Chính sách Công

Nhận học bổng toàn phần từ ĐH Oxford năm 2016, Vũ Đỗ Khanh là sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, một trong những trường có yêu cầu đầu vào rất cao tại ĐH Oxford. Hướng nghiên cứu của Khanh là về Chính sách Đối ngoại và Chính phủ điện tử.

Vũ Đỗ Khanh
Vũ Đỗ Khanh

Khanh là thành viên Ban Chủ tịch Hội sinh viên Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, và là gương mặt đại diện của trường tham dự nhiều chương trình giao lưu và các cuộc thi dành cho sinh viên.

Ngay học kỳ đầu tiên tại ĐH Oxford, Khanh đã vinh dự có mặt trong danh sách hai mươi sinh viên đạt thành tích xuất sắc ở bậc thạc sĩ được Hiệu trưởng ĐH Oxford khen thưởng.

Gần đây nhất, Khanh và các bạn đã mang về giải nhất cho đội ĐH Oxford trong cuộc thi hiến kế cho Chính phủ Anh về chính sách giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ do WPP tổ chức.

Không chỉ đạt thành tích tốt trong học tập, Khanh còn tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, nổi bât là việc làm Giám khảo cuộc thi "Tranh luận Liên trường Đại học" của ĐH Oxford và Chủ tọa điều phối thảo luận trong "Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc" tại ĐH Oxford.

Trong thời gian học đại học ở Việt Nam, Khanh cũng là thành viên sáng lập CLB Giao lưu Quốc tế tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và Chương trình Giao lưu Thanh niên Việt Nam - Nhật Bản.

Chu Công Sơn, sinh năm 1990, nghiên cứu sinh Tiến sĩ

Đi du học từ năm 2011 theo học bổng liên kết của Trường ĐH Giao thông Vận tải với Trường ĐH Sheffield Hallam (Vương Quốc Anh), Chu Công Sơn đã tốt nghiệp loại xuất sắc cả ở bậc đại học và thạc sĩ.

Anh Chu Công Sơn
Anh Chu Công Sơn

Năm 2015, nhận được sự định hướng và giúp đỡ từ 3 giảng viên người Việt tại ĐH Middlesex (Vương Quốc Anh), Sơn đã thành công và được nhận vào ĐH Oxford và là người Việt Nam đầu tiên ở Harris Manchester College.

Đề tài nghiên cứu của Sơn là về ứng dụng của siêu vật liệu (Metamaterials) trong việc truyền dẫn thông tin trong môi trường dẫn điện.

Năm 2017, Sơn đã vinh dự được mời đi dự hội thảo được tổ chức bởi quỹ Rank Fund Prize cùng với 19 nghiên cứu sinh Tiến sĩ và sau Tiến sĩ và 10 Giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực siêu vật liệu. Đây là một trong những hội thảo khép kín và chỉ dành riêng cho những cá nhân xuất sắc được mời tham dự.

Với mong muốn ngày càng có nhiều người Việt Nam theo học tại ĐH Oxford, Sơn đã rất cố gắng để định hướng giúp đỡ các học sinh bậc đại học cũng như thạc sĩ giống như những gì Sơn đã được nhận trước đây.

Phạm Trọng Nghĩa, sinh năm 1978, nghiên cứu sinh Sau Tiến sĩ

TS. Phạm Trọng Nghĩa hiện là Nghiên cứu sinh Sau Tiến sĩ của Chương trình nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu giữa ĐH Oxford, Vương quốc Anh và ĐH Princeton, Hoa Kỳ.

TS. Phạm Trọng Nghĩa
TS. Phạm Trọng Nghĩa

Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu có thời gian 2 năm, 1 năm tại ĐH Oxford và một năm tại ĐH Princeton. Đây là một trong những Chương trình nghiên cứu Sau Tiến sĩ danh giá nhất trên thế giới, nhằm đào tạo và xây dựng một mạng lưới các học giả, các cán bộ thực tiễn, những người sẽ thiết lập nên những chiến lược có tính sáng tạo để thúc đẩy các giá trị của toàn cầu hoá đến người dân của những quốc gia đang phát triển.

Phạm Trọng Nghĩa tốt nghiệp Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội với kết quả loại Giỏi. Sau đó, anh bảo vệ thành công xuất sắc Luận án Tiến sĩ tại Trường ĐH Brunel (Vương quốc Anh) theo chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề án 322) và của Chính phủ Vương quốc Anh vào năm 2010.

TS. Nghĩa là nghiên cứu sinh đầu tiên của Khoa Luật thuộc ĐH Brunel được trao giải thưởng Walduck Prize for Research Impacts – là giải thưởng danh giá của ĐH Brunel cho chất lượng và tác động của Luận án Tiến sĩ…

Tháng 11/ 2010, sau khi bảo vệ Luận án TS ở Vương quốc Anh, TS. Nghĩa được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, Vụ pháp chế - Bộ LĐTBXH. Tháng 8/2012, TS. Nghĩa được tiếp nhận và bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Quốc hội...

Hiện nay, TS. Phạm Trọng Nghĩa đã hoàn thành năm đầu tiên của Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu tại ĐH Princeton. Trong năm thứ hai của Chương trình tại ĐH Oxford này, TS. Nghĩa đồng thời là Học giả nghiên cứu của Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik thuộc ĐH Oxford, nơi TS. Nghĩa đang hướng dẫn cho 2 học viên Thạc sĩ Chính sách công.

Trong thời gian tham gia Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu, TS. Nghĩa đã công bố nhiều công trình, trong đó có một sách chuyên khảo tại Nhà xuất bản Kluwer Law International, một bài báo trên tạp chí quốc tế và một tài liệu nghiên cứu của Chương trình Quản trị kinh tế toàn cầu thuộc ĐH Oxford.

Những kết quả nghiên cứu này của anh được các giáo sư và đồng nghiệp đánh giá cao. Trong Thư gửi Văn phòng Quốc hội và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam tháng 6/2016, GS. Robert Keohance, đồng Sáng lập và Giám đốc Chương trình nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu tại ĐH Princeton, đánh giá TS. Nghĩa là một học giả xuất sắc và “chúng ta đều có thể tự hào về anh ấy”.

TS. Nghĩa tin tưởng rằng sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu, với những kiến thức đã tích luỹ được, bản thân anh sẽ đóng góp được nhiều hơn, sẽ hoàn thành tốt hơn công việc của mình tại cơ quan.

Lời nhắn nhủ tới các “thế hệ” tương lai

TS. Phạm Trọng Nghĩa cho biết mặc dù số lượng người Việt Nam công tác và học tập tại ĐH Oxford còn ít, trung bình mỗi năm khoảng 15 - 20 người, nhưng đã có mặt tại tất cả các cấp bậc đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ. Điều này cho thấy cánh cửa ĐH Oxford không nằm quá xa khả năng của sinh viên Việt Nam.

Bốn “thế hệ Việt Nam tại ĐH Oxford, từ trái qua: Trần Quang Anh (Cử nhân), Vũ Đỗ Khanh (Thạc sĩ), Chu Công Sơn (Tiến sĩ), Phạm Trọng Nghĩa (Sau Tiến sĩ)
Bốn “thế hệ" Việt Nam tại ĐH Oxford, từ trái qua: Trần Quang Anh (Cử nhân), Vũ Đỗ Khanh (Thạc sĩ), Chu Công Sơn (Tiến sĩ), Phạm Trọng Nghĩa (Sau Tiến sĩ)

TS. Nghĩa mong muốn câu chuyện của 4 “thế hệ” là nguồn cảm hứng, là động lực thôi thúc các bạn trẻ Việt Nam mở rộng cánh cửa vào ĐH Oxford. Anh cũng đang ấp ủ ý tưởng xây dựng Chương trình Việt Nam tại Trường Blavatnik, nhằm tạo cơ hội cho cán bộ, công chức và sinh viên của Việt Nam được đào tạo, nghiên cứu tại đây.

Đồng thời, chương trình này sẽ thúc đẩy các công trình khoa học, các nghiên cứu về Việt Nam tại ĐH Oxford để các nhà nghiên cứu, các học giả quốc tế hiểu biết đúng đắn hơn về chủ trương, đường lối của Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong môi trường học thuật quốc tế.

Theo Giang Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM