Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Viettel là minh chứng sinh động của sự kết hợp kinh tế và quốc phòng

10/07/2017 14:17 PM | Kinh doanh

Người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, với tinh thần bản lĩnh người lính luôn nhận những việc khó về mình, Viettel luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên lợi ích doanh nghiệp để giúp cho mình có quyết sách, góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

Trong buổi làm việc mới đây tại Viettel với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có những cái nhìn xuyên suốt về tập đoàn này dưới góc độ của người đứng đầu trong ngành kinh tế kỹ thuật này.

Viettel đang chiếm 50% doanh thu của các doanh nghiệp ICT lớn

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Sau 30 năm thành lập Viettel đã đặt một dấu ấn rất quan trọng: tạo ra chuyển biến bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ngành viễn thông, CNTT của Việt Nam, không chỉ đóng góp cho đất nước ở góc độ kinh tế mà Viettel còn có những nghiên cứu giá trị, làm nền tảng cho sản xuất công nghiệp quốc phòng mang dấu ấn Việt Nam, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới".

Người đứng đầu ngành đưa ra dẫn chứng, năm 2016, nếu 5 doanh thu của 5 doanh nghiệp hàng đầu ngành TTTT gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, VTC, VNPost là 417.335 tỷ đồng và nộp ngân sách là 49.469 tỷ đồng thì chỉ riêng Viettel đóng góp là 256.558 tỷ đồng (chiếm 61,5%) và nộp ngân sách là 40.396 tỷ đồng (chiếm 81,65%).

Chỉ tính 5 tháng đầu năm nay, doanh thu của các doanh nghiệp hàng đầu của ngành TT&TT là 212.243 tỷ đồng và nộp ngân sách là 25.170 tỷ đồng thì Viettel đã đạt doanh thu 115.522 tỷ đồng (chiếm 54,4%), nộp ngân sách là 20.190 tỷ đồng (chiếm 80%). Điều này cho thấy đóng góp của Viettel cho nền kinh tế là rất lớn.

"Viettel đã tạo ra sự bùng nổ về viễn thông tại Việt Nam, góp phần quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu mỗi người dân có một chiếc máy di động trong vòng 5 năm. Từ 2004 khi Viettel bắt đầu tham gia vào thị trường di động, lúc ấy mật độ điện thoại của Việt Nam mới 4%, thì đến nay mật độ điện thoại di động là trên 140%", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Sau khi điểm qua những đóng góp của Viettel từ khi tham gia vào thị trường viễn thông đến nay, người đứng đầu ngành TT&TT đề cập tiếp đến vai trò của tập đoàn này sau khi Bộ TT&TT cấp phép 4G để phủ sóng băng rộng cung cấp cho người dân theo chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, đến thời điểm này Bộ TT&TT đã cấp phép 4G cho 4 nhà mạng, nhưng chỉ có Viettel là đi đầu và triển khai rất nhanh, phủ sóng 4G toàn quốc chỉ trong 6 tháng.

“Đây là điều này ngay cả nhiều nước phát triển trong khu vực, trên thế giới cũng chưa làm được. Và đó là điều chúng ta tự hào là nước có mạng lưới viễn thông 4G phát triển”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TT&TT còn đưa ra vấn đề đang rất nóng bỏng hiện nay là lĩnh vực An ninh mạng, an toàn thông tin, tác chiến trên không gian mạng. Đây là lĩnh vực rất khó, trên thế giới cũng có rất ít quốc gia đầu tư, nhưng Viettel đã chủ động nhận nhiệm vụ này, đầu tư rất mạnh và đã xây dựng được một lực lượng chuyên gia có thể bảo vệ các vị trí trọng yếu của đất nước và quân đội. Với tiềm lực hiện nay, Viettel sẽ đóng vai trò rất quan trọng để Việt Nam phát triển công nghiệp về an ninh mạng.

Vấn đề mới được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập đến là Viettel đã tiên phong chủ động bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và đã sản xuất được hệ thống tính cước thời gian thực, đây “bộ não” và “trái tim” của hạ tầng mạng viễn thông. Hiện nay trên thế giới chỉ có vài nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei, Ericsson mới có được hệ thống này.

Bên cạnh đó, Viettel cũng đã nghiên cứu, chế tạo, sản xuất được các thành phần quan trọng của hạ tầng mạng viễn thông như hệ thống tổng đài và thiết bị viễn thông 4G… Đến thời điểm này, Viettel bước đầu thành công trong việc nghiên cứu sản xuất công nghệ quốc phòng. Viettel đã làm chủ được nhiều công nghệ cao có tính chất đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ động trong mọi tình huống.

Ông Trương Minh Tuấn cũng bày tỏ ấn tượng khi Viettel tiên phong đầu tư ra nước ngoài và đến nay đã có mặt tại 10 nước trên thế giới với 35 triệu thuê bao.

"Tinh thần bản lĩnh người lính luôn nhận những việc khó về mình, không ngại gian khổ và làm đến cùng. Tôi đánh giá rất cao Viettel, luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên lợi ích doanh nghiệp để giúp cho mình có quyết sách, góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

Và chính vì vậy chúng tôi đánh giá trong ngành TT&TT, nếu không có quân đội, không có Viettel thì phủ sóng ở vùng biên giới khó khăn chẳng ai làm, rất ít người làm vì làm chẳng có lãi", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Viettel là minh chứng sinh động của kinh tế kết hợp với quốc phòng

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, những năm qua các doanh nghiệp quân đội đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực khó khăn mọi mặt, cạnh tranh gay gắt. Trong điều kiện đó thì phẩm chất bộ đội Cụ Hồ tiếp tục tỏa sáng và ý chí quân đội bách chiến bách thắng được phát huy cao độ. Cho nên các doanh nghiệp quân đội nói chung, trong đó có Viettel, đã tìm ra cách khắc phục để phát triển, tồn tại trong sự phát triển chung của đất nước.


Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Viettel là minh chứng sinh động của sự kết hợp kinh tế và quốc phòng

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Viettel là minh chứng sinh động của sự kết hợp kinh tế và quốc phòng

“Có thể nói hiện nay nếu chọn ra 10 doanh nghiệp hàng đầu của cả nước thì chắc chắn các doanh nghiệp quân đội phải xấp xỉ 50%. Không chỉ trong nước mà Quốc tế cũng phải công nhận, 1 số doanh nghiệp quân đội thực sự có uy tín, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế. Điển hình như Viettel đây, Binh đoàn 18, Tân cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội…”.

"Nếu không có Quân đội, không có Viettel thì phủ sóng ở những vùng biên giới, khó khăn chẳng có ai làm. Nếu không vì an ninh quốc gia thì chi nhiều nghìn tỷ cho Công nghiệp quốc phòng và các công cụ tác chiến mạng cũng không ai có thể đủ sức để làm. Nếu không vì an toàn thông tin quốc gia thì Viettel cũng sẽ không chủ động nghiên cứu sản xuất hạ tầng viễn thông – một lĩnh vực rất khó, thậm chí trên thế giới cũng chỉ có một vài Tập đoàn thuộc một vài quốc gia làm được”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Với trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành chặt chẽ, tính kỷ luật, tự giác cao, khả năng xử lý tính huống nhạy bén, cần cù, ý chí quyết tâm cao trong khắc phục khó khăn thì các lực lượng trong quân đội được giao nhiệm vụ lao động, sản xuất kinh doanh đã có 1 ưu thế tuyệt đối. Đó chính là điều kiện cơ sở để các doanh nghiệp đơn vị quân đội tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ cao. Như Viettel là 1 điển hình.

Thực tiễn 70 năm qua, quân đội đã chứng minh hùng hồn và khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng về quan điểm chủ trương kết hợp kinh tế quốc phòng an ninh. Và quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế và việc quân đội tham gia lao động, sản xuất làm kinh tế", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Theo Trần Long

Cùng chuyên mục
XEM