Bộ trưởng Bộ công thương nói gì khi bị chất vấn về các siêu dự án thua lỗ 'đắp chiếu'?

15/11/2016 10:12 AM | Kinh tế vĩ mô

Các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt. Lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án.

Trong phiên chất vấn sáng ngày 15/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh- Hòa Bình chất vấn về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của những siêu dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là những vấn đề bức xúc của cử tri cả nước. Trả lời cụ thể từng câu hỏi, Bộ trưởng cho biết, về xử lý, khắc phục hậu quả 5 dự án thua lỗ. Các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt. Lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án (ví dụ, dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Etanol).

5 dự án này được phê duyệt từ khoảng năm 2003 – 2008 đến nay. Do các dự án làm trong các lĩnh vực khác nhau, kéo dài qua các thời kỳ, nên diễn biến khác nhau, nhưng nhìn chung có một số vấn đề.

Đầu tiên, các dự án này đều triển khai kéo dài. Ví dụ dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án Đạm Ninh Bình, thậm chí như dự án Đạm Ninh Bình đến nay vẫn chưa quyết toán được đầu tư mặc dù đã đi vào vận hành.

Các dự án này kém hiệu quả vì năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91) phải chịu trách nhiệm phê duyệt, thẩm định, năng lực các ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án hạn chế làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng...

Quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể; xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định... Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý (tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể).

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tiếp tục đặt câu hỏi trách nhiệm của quản lý nhà nước trong thua lỗ, bộ đã làm rõ đến đâu? Trách nhiệm quản trị doanh nghiệp nhà nước?

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quá trình thực hiện dự án kéo dài quá lâu từ khi các dự án này trực tiếp thuộc quản lý của Chính phủ chưa do Bộ chủ quản. Đồng thời tính chất phức tạp của dự án nên việc đánh giá trách nhiệm từng phần dự án cần thời gian. Hiện bộ, thanh tra Chính phủ đang đánh giá tổng thể các dự án.

Ngoài ra, trước năm 2012 các dự án này đều được phê duyệt theo quy định chung pháp lý lúc đó, do các tổng công ty trực tiếp ở cấp tập đoàn chịu trách nhiệm đồng thời quản lý theo khung pháp lý quy định. Bộ công thương tham gia quản lý quy hoạch, chiến lược. Từ sau 2012 khi nghị quyết 99 được thông qua, các bộ trực tiếp quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước vì vậy từ nay về sau xác định trực tiếp trách nhiệm của các bộ.

Việc phân tích đánh giá cụ thể được xem xét trong khuôn khổ pháp luật tại thời điểm đó, sai đó là vô tình hay cố tình. Hiện một số dự án thanh tra, kiểm tra đã có kết quả trình Chính phủ, 1 số dự án đang trong quá trình kiểm tra. Bộ Công thương cần thời gian tiếp tục đánh giá kiểm tra, đánh giá.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM