Bộ phận mobile trong nội bộ Samsung từng là phe cánh quyền lực nhất, nhưng tất cả đã thay đổi vì Note7

25/10/2016 13:29 PM | Công nghệ

Hậu Note7, nội bộ Samsung bắt đầu chia rẽ giữa các nhân viên mảng điện thoại và những người ngoài mảng này.

Đội ngũ thiết kế ra những chiếc smartphone của Samsung chắc chắn bao gồm toàn những kỹ sư cao cấp. Họ sở hữu những công việc đám thèm khát nhất trong toàn bộ tập đoàn Samsung, một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc.

Thế nhưng vài tuần qua, vị thế đặc biệt của những con người này bỗng chốc sụp đổ sau sự cố Note7 của Samsung Electronics dẫn đến việc phải khai tử toàn bộ dòng sản phẩm chỉ sau 2 tháng lên kệ.

Samsung được ước tính sẽ phải trả giá tới 5 tỷ USD cho thảm họa này. Nhóm kỹ sư thiết kế sản phẩm vốn được hưởng đãi ngộ cao nhất tập đoàn (thường ở mức 50% lương cơ bản), nay có thể về trắng tay. Một số quản lý cấp cao, bao gồm cả lãnh đạo mảng di động D.J. Koh, có thể cũng sẽ mất chức.

Samsung từ chối bình luận về vấn đề lương thưởng cũng như lỗ dự đoán của công ty và chỉ cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của họ là đảm bảo các thiết bị Note7 đều được thu hồi và đổi trả.

Khi mobile lên đời

Trong nhiều năm liền, mảng điện thoại đã là một trong số những bộ phận quan trọng nhất của Samsung Electronics bên cạnh mảng chip bán dẫn và TV. Vị thế này đặc biệt được nâng lên cùng với thành công của Samsung khi smartphone bắt đầu nở rộ. Năm 2010, doanh thu bộ phận này chiếm tới 27% toàn công ty, thậm chí lên đến 61% vào năm 2013.

Thành công này cũng làm thay đổi diễn biến trong tập đoàn. Mảng điện thoại đột nhiên trở thành những khách hàng lớn của các bộ phận sản xuất chip, màn hình cùng hàng loạt bên cung ứng linh kiện khác. Nhìn chung, tất cả mọi người đều hưởng lợi nhờ sự đi lên của mảng này.

Thái độ của toàn công ty đối với bộ phận mobile cũng vì thế mà thay đổi theo. Các nhân viên mảng này thường hành xử “like a boss” với các bộ phận khác mỗi khi siết chặt deadline hay chiếm thế thượng phong trong các cuộc thương lượng giá. Họ cũng thường xuyên được đãi ngộ cao hơn hẳn các bên khác. Chẳng hạn như việc cựu lãnh đạo mảng điện thoại J.K. Shin được hưởng khoản bonus năm 2014 lên đến 11 triệu USD, cao hơn 75% so với tất cả các giám đốc bộ phận khác. Nhân viên các mảng khác cũng không ít lần phàn nàn về việc nhân viên mảng điện thoại vẫn nhận mức thưởng 50% lương chính ngay cả khi lợi nhuận mảng này sụt giảm mạnh.

Theo giáo sư Chang Sea-jin của ĐH Quốc gia Singapore, người từng viết cuốn sách về sự cạnh tranh giữa gã khổng lồ Hàn Quốc và đối thủ Nhật Sony thì mảng mobile từng là “bố đời” trong nội bộ Samsung.

Trong khi đó, Samsung vẫn phủ nhận quyền lực quá mức của mảng mobile và cho biết “Công ty chỉ quản lý chuỗi cung ứng dựa theo các quy định công bằng và minh bạch cũng như luôn chủ động hỗ trợ các nhà cung ứng thiết lập quan hệ đối tác lâu dài với chúng tôi.”

Danh tiếng sụp đổ

Giờ đây, các nhân viên bộ phận danh giá này đang đối mặt với nỗi sợ mất ghế sau thảm họa Note7. Một vài nhân viên đã đồng ý chia sẻ về tình hình hiện tại nhưng lại yêu cầu giấu tên bởi họ không được quyền tiết lộ gì với báo giới.

Một người cho biết: “Nhiều nhân viên đang lo lắng phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Đây không phải thứ bạn có thể một mình gánh chịu. Có rất nhiều người dính líu đến thảm họa vừa qua. Chúng tôi đều muốn giải quyết xong nó.”

Các nhân viên cho biết sự sụp đổ của mảng điện thoại đã kéo theo rất nhiều lo ngại trong nội bộ công ty.

Một người khác thì cho hay: “Đây thực là quãng thời gian đầy tủi nhục. Đi đến đâu tôi cũng bị hỏi “Mọi chuyện ổn không? Nghe nói công ty đang gặp rắc rối lớn.” Chúng tôi đã học được một bài học lớn từ đây.”

Những nhân viên ngoài bộ phận này thì đang phẫn uất vì cái giá quá lớn mà cả công ty phải trả chỉ vì vài con sâu làm rầu nồi canh. Họ muốn Samsung phải thiết lập ra những quy trình hiệu quả hơn để khắc phục vấn đề tương tự trong tương lai, đặc biệt là trong trường hợp chúng bắt nguồn từ việc hối thúc deadline hoàn quá đà.

Một nhân viên từ mảng linh kiện cho rằng mảng điện thoại cần phải nhìn nhận rõ giới hạn của họ và cẩn trọng hơn trong tương lai.

Trong một tuyên bố chính thức, Samsung cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ tìm ra căn nguyên vấn đề và thực hiện tất cả những bước có thể để đảm bảo những chuyện tương tự không xảy ra trong tương lai.”

Các nhân viên cũng đang cố gắng lạc quan về tương lai. “Chỉ khi chiếc điện thoại đời sau tuyệt đối hoàn thiện thì chúng tôi mới có thể chính thức khép lại chương đau đớn này của công ty. Sẽ không có cơ hội lần hai nữa.”

Cùng chuyên mục
XEM