Bỡ ngỡ với công việc mới, mức độ nào là ‘báo động đỏ’?

03/05/2018 20:19 PM | Nghề nghiệp

Bạn có thể cảm thấy lo lắng và kiệt sức, nhưng nếu cảm thấy ‘khiếp đảm’ công việc mới của mình thì quả là đáng lo đấy!

Bắt đầu một công việc hoàn toàn mới có thể là một điều không hề dễ dàng, kể cả dù bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc đó. Bạn sẽ gặp gỡ cả đống người, tiếp nhận hàng tỉ thông tin mới, thậm chí phải loay hoay để tìm chỗ ngồi trong canteen trong giờ nghỉ trưa, đấy là chưa kể đến việc phải làm quen với công việc, với đồng nghiệp mới, và đương nhiên, cả những vị ‘boss’ cũng đầy lạ lẫm.

Việc có chút cảm xúc sợ sệt và lạ lẫm với công việc mới là hoàn toàn bình thường. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề khác xảy đến và chúng ‘không hề bình thường’ chút nào, kể cả với một nhân viên mới như bạn. Làm thế nào để nhận biết những dấu hiệu này?

Bạn cảm thấy kiệt sức? Bình thường thôi!

Bạn không thể nào giữ nổi đôi mắt mở với cái đầu tỉnh táo vào cuối ngày sau khi trở về từ công ty, đặt lưng xuống giường và ngủ ngay dù đã dùng hết sức bình sinh và cả tá cà phê để giữ mình tỉnh táo trong công việc? Đừng cảm thấy lo sợ, bởi vì đây chỉ là chuyện thường thôi. Khi nhận một công việc mới, toàn bộ thời gian của bạn đều được tận dụng triệt để cho các buổi tập huấn nhân viên mới, làm quen với công việc và mọi người, … tất nhiên chẳng có trí óc nào tỉnh táo nổi sau những giờ phút căng não như vậy cả. Và chắc rằng bạn sẽ cảm thấy đơ hơn sau khi làm việc được vài tuần và bắt đầu quen dần với công việc thôi.

Bạn ‘chết khiếp’ khi nghĩ tới việc đi làm? Đáng lưu tâm đấy!

Sau mỗi cuối tuần nghỉ ngơi, nghĩ đến việc thứ 2 đi làm lại có làm bạn khiếp đảm và muốn tìm mọi cớ để nghỉ làm không? Ai cũng mong kì nghỉ kéo dài thêm một chút nhưng nếu bạn cảm thấy ‘hoảng loạn’ vì phải đi làm thì đúng là vấn đề không còn bình thường nữa rồi. Kể cả có đi làm, bạn cũng suốt ngày ngồi canh đồng hồ, đến giờ ăn trưa thì ‘lỉnh’ mất để tránh mọi liên hệ gặp gỡ với đồng nghiệp?

Nếu những cảm xúc này kéo dài trong khoảng vài tuần, thì chứng tỏ đã có sự mất cân bằng ở đâu đó. Bạn nên dành thời gian tìm hiểu xem mình có vấn đề ở chỗ nào, đâu là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy lo lắng đến như vậy, và hãy tự động viên mình rằng con người không cần hoàn hảo quá, có thể hòa hợp là tốt rồi, đừng cố gượng ép bản thân quá.

Không có bạn bè? Chuyện nhỏ!

Ở công ty cũ, bạn quen biết và thân thiết với tất cả mọi người một cách dễ dàng và cảm thấy thật thoải mái. Nhưng ở nơi mới mẻ này, bạn cảm thấy thật cô độc và dường như không thể làm quen với ai cả.

Thực ra thì, việc tạo dựng những mối quan hệ mới cũng cần có thời gian. Đây là lúc bạn cần vận dụng kỹ năng của mình để bắt đầu tiếp cận làm thân với mọi người, chứ đừng chờ người khác tiến tới làm quen với mình.

Bỡ ngỡ với công việc mới, mức độ nào là ‘báo động đỏ’? - Ảnh 1.

Không ai muốn giúp đỡ bạn? – Lớn chuyện rồi đây!

Khi bạn cần giúp đỡ, nhưng có vẻ như chẳng ai buồn chú ý hay dành thời gian cho bạn, kể cả đồng nghiệp, quản lý? Đây là chuyện chẳng bình thường chút nào. Kể cả môi trường làm việc có cạnh tranh đến mức nào, nhưng việc để một nhân viên mới toanh phải tự mình vật lộn với mọi thứ mà không hề đoái hoài thì môi trường làm việc của bạn đang thật sự có vấn đề. Đồng ý rằng có những thứ bạn phải tự tìm hiểu nhưng quá thờ ơ với nhân viên của mình thì thật không lịch sự chút nào. Yên tâm, đây không phải vấn đề xuất phát từ bản thân bạn, mà chỉ đơn thuần là vấn đề xuất phát từ tâm lý của những người đồng nghiệp mới kia mà thôi.

Bạn không biết mình đang làm gì? Không phải chỉ mỗi bạn đâu!

Khi những công việc mới liên tục đổ ập xuống đầu và khiến bạn ‘choáng váng’ vì đôi khi khiến bạn không biết mình đang làm những gì nữa. Nhưng yên tâm đi, đây là một công việc hoàn toàn mới mà, và thứ bạn cần chính là thời gian để thích ứng mà thôi.

Công việc bạn ứng tuyển khác hoàn toàn với công việc bạn được giao? Báo động đỏ!

Bạn ứng tuyển cho vị trí marketing online nhưng rồi đến lúc đi làm lại bị giao đi trực điện thoại như một telesales? Đây chắc chắn không phải công việc mà bạn được được phỏng vấn để nhận rồi!

Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng về công việc của bạn. Nếu công việc quá chênh lệch so với việc bạn đã ứng tuyển và bạn cảm thấy mình thực sự không phù hợp, bạn có thể nói chuyện thẳng thắn với quản lý. Công ty hoặc chỉ đang muốn thử bạn, hoặc cũng rất có thể chỉ đang lợi dụng nhân công mà thôi. Hãy tỉnh táo và quyết đoán khi đưa ra những quyết định!

Việc bắt đầu một công việc mới chưa bao giờ là một điều dễ dàng, và việc bạn cảm thấy có những cảm xúc lo lắng cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, những điều khiến bạn cảm thấy công việc mới thật sự là ‘ác mộng’ nên được xem xét một cách kỹ càng, đừng cố chịu đựng khi bạn cảm thấy không hề ổn.

Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM