Bộ LĐTBXH: Tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất trong các nước phái cử người sang Nhật Bản

21/06/2018 16:55 PM | Xã hội

Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Việt Nam rà soát, chấn chỉnh vấn đề thực tập sinh Việt Nam bỏ hợp hồng, cư trú bất hợp pháp. Hiện tại, tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của thực tập sinh Việt Nam cao hơn Hàn Quốc, Trung Quốc và dẫn đầu danh sách những nước phái cử người sang Nhật Bản.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, cả nước đã giải quyết việc làm cho 782.000 người trong 6 tháng đầu năm 2018. Số lượng này tương đương 48,9% kế hoạch năm.

Trong đó, khoảng 57.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Xuất khẩu lao động cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

"Chính phủ Nhật Bản đã cho phép Việt Nam được phái cử thêm lao động ngành hộ lý sang nước này làm việc. Tuy nhiên, để thực hiện được tốt chương trình thì vẫn còn rất nhiều vấn đề. Vướng mắc lớn nhất trong việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản là tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao, lớn nhất trong những nước phái cử thực tập sinh sang nước này" - ông Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ tại buổi họp báo tháng 6 của Bộ LĐTBXH.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, tỷ lệ du học sinh Việt Nam phạm tội, ăn cắp tại Nhật Bản cũng cao nhất, vượt trên người Hàn Quốc và Trung Quốc. Trước thực tế đó, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu phía Việt Nam rà soát, chấn chỉnh.

 Bộ LĐTBXH: Tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất trong các nước phái cử người sang Nhật Bản  - Ảnh 1.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, đã có hơn 800 người sang Nhật Bản theo chương trình phái cử lao động ngành hộ lý điều dưỡng. Tuy nhiên, 60-69 thực tập sinh sau đó đã xin thôi việc ngay sau thời gian đào tạo. Công việc thiếu hấp dẫn, chủ yếu chăm sóc người bệnh, người già là nguyên nhân chủ yếu.

"Indonesia, Philippines cũng là những quốc gia đã được Nhật Bản cấp phép phái cử thực tập sinh ngành hộ lý. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nước nào triển khai chương trình này. Điều đó cho thấy rằng, không chỉ người lao động Việt Nam mà lao động các nước khác cũng thấy ngành này thiếu hấp dẫn" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Vì vậy, song song với việc rà soát, chấn chỉnh, Bộ LĐTBXH cũng đàm phán với phía Nhật Bản để có những yêu cầu tốt hơn cho người lao động.

Để tăng hiệu quả của chương trình phái cử lao động, những doanh nghiệp đạt 5 và 6 sao (theo đánh giá từ bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực xuất khẩu lao động) sẽ được ưu tiên lựa chọn. Cho đến tháng 6/2018, đã có gần 20 hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp. Bộ LĐTBXH kỳ vọng ký kết được biên bản thỏa thuận với phía Nhật Bản trong đầu tháng 7, để triển khai chương trình vào tháng 8/2018.

Trước đó, ông Katsuaki Suga, Chủ tịch Hiệp hội hợp tác lao động quốc tế (IRO) từng nhấn  mạnh rằng, công tác đào tạo chưa kỹ lương chính là nguyên nhân khiến thực tập sinh bỏ trốn ở Nhật Bản.

Hiện nay, doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đang đảm trách nhiệm vụ trang bị kiến thức và kỹ năng cho người lao động.

Theo An Bình

Cùng chuyên mục
XEM